Xã hội

Trường "cực chẳng đã" mới xi-nhan hội phụ huynh thu tiền

Ngân sách nhà nước cấp cho các trường phần lớn dành trả lương cán bộ, giáo viên, vì thế nhà trường phải kêu gọi đóng góp.

Ngân sách nhà nước cấp cho các trường phần lớn dành trả lương cán bộ, giáo viên, vì thế nhà trường phải kêu gọi đóng góp.

Mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho trường 10 phần thì 8-9 phần dành trả lương và các khoản phúc lợi cán bộ, giáo viên; còn lại dành cho xây sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học và nhiều khoản chi khác, thầy Tuấn giải thích.

truong-thong-qua-hoi-phu-huynh-thu-tien-la-viec-cuc-chang-da

Lãnh đạo các trường đứng trước bài toán khó trong chi tiêu ngân sách đầu năm học. Ảnh: Mạnh Tùng

Với phần nhỏ nhoi còn lại ấy, lãnh đạo trường đứng trước bài toán cân đối chi tiêu ngân sách cho các hạng mục, công trình với thứ tự ưu tiên khác nhau. Thường cơ sở vật chất ở nhiều trường, nhất là bậc học nhỏ mau xuống cấp do học sinh nghịch ngợm, chưa biết bảo quản.

"Bây giờ hàng loạt lớp cần kinh phí thay cái bàn hư, cái bảng cũ, lớp cần lót sàn mới... thì cân đối sửa lớp nào trước? Ưu tiên lớp này mà bỏ lớp kia thì không được, mất công bằng. Chưa kể phụ huynh nhiều trường có điều kiện khá giả còn muốn có thêm máy lạnh, tivi, bảng tương tác, những cái này đều không nằm trong danh mục ngân sách cấp", thầy Tuấn giãi bày.

Việc kêu gọi hội phụ huynh đóng góp cho các công trình của nhà trường đều trên tinh thần tự nguyện, nhưng theo thầy Tuấn tất yếu sẽ động chạm đến nhiều người. Nhất là các trường ngoại thành, phụ huynh thường là người dân lao động thu nhập thấp, dễ bị tổn thương.

Nói về trường mình, nhà giáo này cho biết đã nhiều năm nay không kêu gọi phụ huynh đóng góp bất cứ khoản nào liên quan đến cơ sở vật chất. Hội tự cân đối nhu cầu học hành, sinh hoạt cho con em để kêu gọi hội viên đóng góp, trường không can dự. Song cũng không thể tránh khỏi có hội phụ huynh "quá quắt", gây điều tiếng xấu cho trường và sự phản ứng dữ dội từ cha mẹ.

"Thực tế này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các khoản thu phải công khai, minh bạch. Khoản thu nào liên quan đến cơ sở vật chất thì trường phải biết để góp ý, điều chỉnh kịp thời", thầy Tuấn nói.

truong-thong-qua-hoi-phu-huynh-thu-tien-la-viec-cuc-chang-da-1

Phụ huynh TP HCM đưa con đến trường ngày khai giảng. Ảnh: Quỳnh Trần

Phản bác ý kiến cho rằng hội phụ huynh là "cánh tay nối dài" của nhà trường, thầy Thanh (hiệu trưởng trường THPT tại TP HCM) cho biết rất nhiều cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh, đến phần bầu chọn hội trưởng thì ai cũng đùn đẩy. Có người xung phong thì lại thiếu kỹ năng quản trị, ăn nói, sự hiểu biết về pháp luật cần thiết để làm hội trưởng.

"Chúng tôi thường chọn những người làm công chức, luật sư, giáo viên... để giới thiệu làm ban đại diện. Họ biết ăn nói, biết diễn đạt và có chừng mực để thuyết phục, kêu gọi phụ huynh khác", thầy chia sẻ.

Về khoản thu mà hội phụ huynh kêu gọi, trong điều lệ Ban đại diện có quy định họ được kêu gọi đóng góp cho các công trình của trường (không hoàn toàn là cơ sở vật chất) trên tinh thần tự nguyện. Công trình ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có thể là những chương trình, chuyên đề giáo dục.

Chẳng hạn trường ông Thanh làm hiệu trưởng năm nay được hơn 200 triệu đồng từ các phụ huynh là Mạnh Thường Quân đóng góp, hỗ trợ chuỗi hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tất cả khoản tiền này được cập nhật và công khai trên trang web của trường.

Để tránh tình trạng nể nang con những Mạnh Thường Quân, hiệu trưởng yêu cầu không công khai tên tuổi người đóng góp cho giáo viên biết. Hội trưởng sẽ thu từ các hội viên, nộp và ký nhận về trường. "Đừng cào bằng trong các khoản đóng góp tự nguyện. Người ta không muốn hoặc không có điều kiện đóng thì trường cũng đừng nhắc khéo", thầy Thanh chia sẻ.

Về đề xuất giải tán hội phụ huynh, hiệu trưởng Thanh khẳng định không nên và không thể giải tán bởi họ có vai trò rất lớn trong chuỗi nhà trường - gia đình - xã hội. Nếu không có hội phụ huynh thì đã loại bỏ họ, hoặc xem nhẹ vai trò của họ trong nhiệm vụ giáo dục. Chưa kể, giáo dục không đơn thuần là học con chữ mà phải rèn đạo đức, lối sống cho học sinh.

"Giả sử gia đình một học sinh có người thân bị mất hoặc gặp hoạn nạn, ai sẽ đứng ra kêu gọi những người khác cùng chia sẻ, hay chúng ta sẽ làm ngơ? Trẻ sẽ nghĩ gì, học được gì qua hành động của cha mẹ?", thầy nói và tán thành bổ sung quy chế cụ thể về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, những việc được làm và không được làm.

*Tên các hiệu trưởng được thay đổi.

Theo Mạnh Tùng (VnExpress.net)