Xã hội

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm

Đại biểu Quốc hội đề nghị công khai thu - chi của trạm BOT trên bảng điện tử và ông Nguyễn Văn Thể nói "việc này không khó".

Từ 8h sáng nay 4/6, Quốc hội khoá 14 bắt đầu hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

Tiếp đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đăng đàn với nhóm nội dung về việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

14h30

Bộ trưởng Giao thông: Không có tiêu cực trong thi, cấp bằng lái xe

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chất vấn, cử tri lo lắng về chất lượng đào tạo lái xe cả lý thuyết và thực hành; nghi ngờ dấu hiệu tiêu cực trong thi cử và muốn biết giải pháp khắc phục của ngành giao thông.

Khẳng định giáo trình đào tạo lái xe được ban hành công khai, không có tiêu cực, song Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết có thể xem xét tăng thời lượng đào tạo thực hành, lý thuyết. "Như thế sẽ phát sinh chi phí, nếu có, mong người dân thông cảm", ông nói.

Trong hơn nửa tiếng đồng hồ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội từ đầu giờ chiều, Bộ trưởng Thể không dưới chục lần "xin cảm ơn, xin tiếp thu ý kiến đại biểu nêu".

14h20

Công khai thu - chi BOT mỗi ngày không khó nhưng "xin chờ tới cuối năm"

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị Bộ trưởng Giao thông minh bạch thu - chi trong khai thác BOT. 

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "hiện Bộ phải tập trung quyết toán công trình. Sau quyết toán sẽ có thiết kế đồng bộ, thời gian thu phí chuẩn, đảm bảo giám sát chặt chẽ. Quyết toán xong sẽ công khai". Hiện Bộ đang đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành quyết toán các dự án đã làm xong.

Ông cũng cho rằng, khi triển khai hệ thống thu phí tự động năm 2019 thì số thu của các trạm BOT sẽ được minh bạch.

Tuy nhiên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng Thể. Bà đặt câu hỏi "Bộ trưởng cho hay vì sao chưa quyết toán? Lâu nay dựa vào đâu xác định giá thu phí? Phải chăng đang áng chừng mức thu? Khi nào việc quyết toán được hoàn tất?".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, một dự án đầu tư thấp nhất 15 năm, cao nhất 20 năm. Dự án đã đầu tư, nghiệm thu chỉ còn khâu quyết toán, do đó toàn bộ quyết toán của nhà đầu tư trình lên có thể không chính xác 100% song "không thể dừng thu phí do họ đã đầu tư toàn bộ, nếu không sẽ phát sinh lãi đầu tư".

"Chúng ta đã ký hợp đồng ban đầu, nên tích cực quyết toán thì sau khi xong sẽ điều chỉnh lại hợp đồng chính thức. Hiện nay các trạm BOT vẫn nằm trong thời gian thu phí và Bộ linh động để nhà đầu tư thu phí", ông Thể nói và không quên khẳng định "quyết tâm đẩy nhanh quyết toán các trạm BOT trong thời gian nhanh nhất".

Vẫn chưa hài lòng, bà Đàng Thị Mỹ Hương hỏi tiếp: có khó khăn gì không Bộ Giao thông không công khai mức thu, chi mỗi ngày của các trạm BOT trên bảng điện tử?

Cho hay việc công khai này không hề khó, song Bộ trưởng Thể mong cử tri, người dân chờ đợi thêm tới cuối năm khi hệ thống thu phí tự động được đưa vào sử dụng tại một số trạm trên Quốc lộ 1, lúc đó các con số thu - chi sẽ "không thể ai can thiệp".

14h15

"Không phân biệt đối xử với ngành đường sắt"

Đại biểu Phùng Văn Hùng nêu chất vấn vì sao chi phí dành cho phát triển đường sắt quá thấp? Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể khẳng định không có phân biệt đối xử trong phát triển đường sắt với các loại hình giao thông khác.

"Đường sắt hay đường bộ đều quan tâm như nhau, nhưng dự án đường sắt kinh phí cao, để hình thành một đoạn tuyến cần kinh phí lớn. "Chúng tôi sẽ chọn những đoạn tuyến tốt đề đầu tư và đưa ra giải pháp cùng địa phương quản lý hành lang giao thông", ông nêu.

Phần trả lời này không nhận được sự đồng tình của đại biểu. Ông Phùng Văn Hùng "truy" tiếp, thời gian qua đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 2-3% trong tổng đầu tư của ngành, "Bộ trưởng cần giải thích nguyên nhân đầu tư cho đường sắt thấp?".

Bộ trưởng Thể nói thêm, nhiều năm qua lãnh đạo ngành giao thông trăn trở cố gắng duy trì đường sắt hiện nay và phát triển, xây dựng dự án mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giao thông, nếu không thông qua dự án đường sắt tốc độ cao thì cũng khó giải quyết căn cơ bài toán của đường sắt Việt Nam. 

14h00

Trả lời câu hỏi về "phí chồng phí" liêm quan đến dự án BOT, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, trách nhiệm Nhà nước là cung cấp hệ thống hạ tầng, nhưng ngân sách không đủ phát triển, nâng cấp mở rộng hệ thống đường bộ nên Nhà nước kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

"Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công. Khi doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh thì được hưởng chính sách", ông Thể nói.

Người dân nộp phí Quỹ bảo trì đường bộ và Quỹ này có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho đường quốc gia, địa phương; các nhà đầu tư thì có trách nhiệm sửa chữa đường BOT, nếu không đảm bảo chất lượng thì Bộ Giao thông sẽ yêu cầu dừng, không cho thu phí.

11h30

Quốc hội nghỉ trưa 

Kết thúc phiên chất vấn sáng 4/6 có 30 đại biểu chất vấn, 20 lượt đại biểu tranh luận; còn 28 đại biểu đăng ký. Quốc hội nghỉ lúc 11h30 và trở lại vào 14h chiều.

11h20

Chi phí làm đường bộ ở Việt Nam gấp 3 thế giới?

Đại biểu Đặng Thuần Phong chất vấn về chi phí làm đường. "Bộ trưởng nghĩ sao khi chi phí làm đường của ta 700 tỷ đến 1.000 tỷ đồng một km trong khi các nước 200 tỷ đến 300 tỷ đồng. Tuổi thọ đường xá của họ vài chục năm còn của ta thì vài năm đã xuống cấp?", ông nêu vấn đề.

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm
Ông Đặng Thuần Phong, đại biểu tỉnh Bến Tre. Ảnh: QH

Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Văn Thể cho hay, suất đầu tư 700 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng một km có thể đúng cho vài đoạn đường, chứ không phải tất cả. Việc xây dựng đường phụ thuộc vào địa hình, địa chất, chi phí giải phóng mặt bằng. Các khoản chi phí này khác nhau giữa các địa phương, các nước. Ông đơn cử, với khu vực nền đất yếu như khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì chi phí xử lý tốn kém hơn khu vực khác. 

Thời gian tới, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng thí điểm đoạn đường mẫu để có suất đầu tư chuẩn.

10h50

Bộ trưởng Giao thông: Đường sắt Bắc Nam vô cùng lạc hậu

Hai đại biểu Tô Bích Châu và Dương Trung Quốc cùng chất vấn về tình trạng đường sắt lạc hậu, dẫn tới tai nạn xảy ra liên tiếp vừa qua. 

"Phải chăng làm đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn làm đường sắt, nên Bộ Giao thông để cho lĩnh vực đường sắt lạc hậu", ông Dương Trung Quốc nêu câu hỏi

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói nếu giao thông đường sắt phát triển tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ và không phải đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc Nam như hiện nay. Ông cho hay, đường sắt Bắc Nam hiện ở giai đoạn 2 sử dụng dầu diesel, nghĩa là vô cùng lạc hậu; có những đoạn đường sắt hình thành 70-80 năm vẫn chưa có giải pháp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

"Tôi xin nhận trách nhiệm của ngành trong tham mưu vấn đề này", ông Thể nói. 

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 1
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hoá tháng 5/2018. Ảnh: Lê Hoàng

Trước thực tế tai nạn đường sắt gia tăng, trưởng ngành giao thông giải thích, hiện vẫn còn 5.719 đường giao cắt trên toàn tuyến đường sắt, trong đó 1.519 đường giao cắt do Tổng công ty Đường sắt tổ chức có gác chắn, quản lý tương đối tốt. Còn lại hơn 4.200 đường giao cắt dân sinh là đường nhỏ, kết nối cụm dân cư, có gờ cảnh báo, biển cảnh báo tai nạn, song việc chấp hành tham gia giao thông không nghiêm nên phương tiện qua khu vực này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. 

Bộ đang tập trung xử lý để chấn chỉnh tình trạng trên, cùng với địa phương tăng cường quản lý và dứt khoát không để phát sinh thêm đường giao cắt. Về lâu dài, Bộ chuẩn bị đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao, sẽ trình cấp có thẩm quyền trong năm 2019.

"Bộ Giao thông rất quan tâm tới đường sắt. Bản thân lãnh đạo Bộ, các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi người dân về các vụ tai nạn vừa qua. Chúng tôi xác định trách nhiệm rất cao trước người dân vấn đề này", ông nêu.

Cũng theo trưởng ngành giao thông, dự án đường sắt có suất đầu tư rất lớn, có những dự án hàng chục tỷ đô la. Cách đây 8 năm dự án đường sắt Bắc Nam đã trình ra Quốc hội nhưng sau đó không được thông qua do nguồn huy động đầu tư quá lớn.

"Nếu làm thì phải xây tuyến mới chứ không thể chắp vá trên đường hiện nay. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai các dự án đường sắt mới", ông nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân nhắc nhở, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đồng ý dùng khoản dự phòng đầu tư công trung hạn 5 năm là 15.000 tỷ đồng để phát triển các dự án giao thông, trong đó có 7.000 tỷ dành cho đầu tư đường sắt, 8.000 tỷ dành cho đường bộ quan trọng tạm dừng thi công. "Tới nay việc này cũng chậm, Bộ trưởng nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", bà Ngân nói. 

10h46

Đại biểu mời Bộ trưởng ra thị sát tình hình giao thông ở ngã tư

Trong mạch chất vấn về tình hình vi phạm quy định an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương gợi ý, nếu có thời gian buổi trưa, Bộ trưởng có thể cùng ông ra ngã tư để biết vi phạm đang diễn biến phức tạp thế nào. Bộ trưởng Thể cảm ơn gợi ý của đại biểu và nói "ông đã nắm được tình hình"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý, buổi trưa Bộ trưởng ăn uống, nghỉ ngơi để chiều trả lời chất vấn tiếp, không cần phải ra đường khảo sát vi phạm giao thông.

10h45

Ùn tắc do quy hoạch không sát thực tiễn

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ở nhiều thành phố lớn gây thiệt hại lớn cho kinh tế, môi trường và sức khoẻ con người. Nhiều giải pháp đã được thực hiện như hạn chế xây dựng nhà cao tầng, xây dựng đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, di dời trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm,… nhưng tiến độ các giải pháp trên còn rất chậm, hiệu quả chưa cao.

“Cử tri cho rằng đến nay vẫn chưa có giải pháp rõ ràng, thiếu quyết tâm, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 2
Tắc đường Nguyễn Trãi - Trần Phú TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Chủ trì phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh đại biểu Cường đã chuyển sang chất vấn chủ đề khác. Bà cho hay, có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của ngành giao thông, nhưng “từ sáng đến giờ chúng ta tập trung quá nhiều vào dự án BOT”.

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Giao thông cho biết, các đô thị của Việt Nam có lịch sử hàng trăm năm, nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên khi thành phố phát triển thì xảy ra tình trạng nên ách tắc. Các địa phương và bộ ngành rất quyết tâm giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia đã được thành lập, hàng tháng, quý các bên liên quan đều họp để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Thể cho biết, để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị, cần điều chỉnh tổng thế quy hoạch để có giải quyết căn cơ, giám sát chặt chẽ quy hoạch mới.

10h20

Bộ trưởng Giao thông: Có đối phó trong đăng kiểm phương tiện giao thông

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn về thực trạng xe quá khổ, quá tải vẫn qua vòng đăng kiểm để lưu hành. "Bộ trưởng Giao thông nhiệm kỳ trước trả lời có tình trạng đối phó như ôtô đi đăng kiểm mượn thùng, bệ và nhiều phụ tùng khác để đăng kiểm, sau đó vẫn hoạt động. Vậy Bộ trưởng có biết hiện trạng này không, giải pháp ra sao?", ông hỏi.

Thừa nhận có hiện tượng đối phó trong đăng kiểm xe, ông Nguyễn Văn Thể nói giải pháp căn cơ nhất hiện nay là giấy phép lưu hành các phương tiện ghi lại hình ảnh, kích thước (cao, dài, rộng) thùng xe. Cơ quan chức năng căn cứ vào kích thước này so sánh với thực tế để xử lý, tránh đăng kiểm sử dụng thùng xe nhỏ nhưng thực tế lại dùng thùng xe lớn. "Nếu các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra hoàn toàn có thể xử lý, lập lại trật tự", Bộ trưởng Giao thông khẳng định.

Ông Cương cũng phản ánh, vi phạm giao thông tràn lan, nhưng số thu phạt thấp, chỉ chiếm 15-20%, số còn lại bị bỏ qua và chung chi. 

Cho rằng "vi phạm giao thông đường bộ là phổ biến, nghiêm trọng", ông Thể nhìn nhận, trong xử lý hiện nay có một số vụ việc bỏ qua; Bộ Giao thông xin tiếp thu nghiêm túc. 

10h00

"Không có thất thoát trong đầu tư BOT"

Đáp lại các ý kiến đại biểu tranh luận trước đó về thất thoát trong đầu tư BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, hoàn toàn không có thất thoát. Nếu có sai sót liên quan tới Bộ Giao thông thì Bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật.

Trước đây hệ thống luật chưa hoàn chỉnh, Bộ Giao thông điều hành theo "khung cũ" nên còn thiếu sót "mong đại biểu thông cảm"; giải pháp lâu dài là điều chỉnh, hoàn thiện thể chế về đầu tư công. 

Trả lời chất vấn đại biểu về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giảm thu phí BOT hàng chục năm sau kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc giảm thời gian này chủ yếu do "giảm nguồn dự phòng phí chưa sử dụng". Ông giải thích, giai đoạn 2010 - 2011 lãi suất ngân hàng cao nên khi lập dự án phải căn cứ theo lãi suất ngân hàng. Khi tình hình vĩ mô ổn định, lãi suất giảm, nên phần dự phòng này không sử dụng, dẫn tới giảm thời gian thu phí. 

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 3
Tài xế dàn ôtô phản đối việc chậm miễn giảm phí của trạm BOT ở Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.

Không đồng tình, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) tranh luận, "nếu chênh lệch lãi suất ngân hàng, dự phòng phí thì khi quyết toán đã phải cắt rồi, sao phải chờ tới kiểm toán mới phát hiện?".

Giải thích thêm, ông Thể cho rằng, về nguyên tắc sau khi tiến hành nghiệm thu dự án mới quyết toán, sau đó điều chỉnh hợp đồng và cơ quan kiểm toán mới vào làm việc. Tuy nhiên, với dự án quan trọng như dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Tây Nguyên, năm 2014 Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán trước khi quyết toán. 

Trên cơ sở kết quả kiểm toán này, Bộ Giao thông rà soát lại kết quả kiểm toán, rồi mới quyết toán. "Kiểm toán đáng lẽ thực hiện sau nhưng chúng tôi mời vào làm việc trước. Hiện quyết toán của Bộ đa số thấp, hoặc bằng so với kiểm toán. Việc chênh lệch này hoàn toàn là trừ các khoản dự phòng", ông Thể khẳng định. 

Nói thêm về chi phí qua trạm BOT, ông Thể khẳng định đã "cố gắng giảm ở mức thấp nhất". Về lâu dài ngành giao thông sẽ thu phí trên đường song hành, đường mới chứ không thu trên đường hiện hữu.

9h35

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 4
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể dành 20 phút giải lao trong phiên chất vấn sáng nay để ngồi nghiên cứu các câu hỏi của đại biểu. Ảnh: Võ Hải

9h30

Bộ trưởng Giao thông bị "truy" trách nhiệm về dự án BOT chỉ định thầu

Hai đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Cao Thị Xuân chất vấn về chỉ định thầu trong các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, với tổng giá trị lên tới nhiều chục nghìn tỷ đồng. 

"Doanh nghiệp phản ánh ở địa phương có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể cạnh tranh được. Tình trạng đặc quyền và độc quyền thông qua chỉ định thầu khiến việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án kéo dài, đội vốn, có dự án bị đội vốn lên 36 lần. Bộ trưởng có biết việc này hay không và giải pháp xử lý thế nào?", ông Nghĩa hỏi.

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 5
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu TP HCM. Ảnh: Võ Hải

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua toàn bộ dự án BOT được tổ chức đấu thầu, công bố công khai mời thầu trên mạng một tháng. Nhà đầu tư nào quan tâm sẽ nộp hồ sơ thầu, đấu thầu. Dự án nào có hai nhà đầu tư quan tâm trở lên Bộ sẽ tổ chức đấu thầu.

Tuy nhiên, ông cho hay, có những nhà đầu tư thời điểm trước đó chưa rõ luật; nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên không thể tổ chức đấu thầu. 

"Với các dự án này chúng tôi phải chỉ định thầu", ông Thể nói và khẳng định do Luật Đấu thầu đã quy định rõ nên nếu có vi phạm trong quá trình thực hiện thì sẽ kiểm tra, xử lý theo luật. 

Bộ trưởng Giao thông cũng thừa nhận, do dự án kéo dài nên việc gây lãng phí là có. Với số dự án này, Bộ đều họp giao ban giám sát hàng tháng, hàng quý... để dự án thực hiện đúng tiến độ, chống lãng phí.

Liên quan tới việc đặt trạm BOT, ông Thể khẳng định, Bộ Giao thông đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật và đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp thẩm tra do vấn đề này được nhiều người quan tâm.

Không thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Giao thông, ông Trương Trọng Nghĩa giơ biển tranh luận lại. Dẫn số liệu nêu trên báo chí gần đây cho biết, 17 dự án BOT đều chỉ định thầu gây lãng phí hơn 20.000 tỷ đồng. "Nhiều dự án lớn phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư, thực tế có những con đường cực kỳ đắt vì sự đánh đổi này. Kiểm toán nêu rồi thì giờ xử lý thế nào, chừng nào xử lý vì liên quan tới dự án hàng nghìn tỷ", ông Nghĩa chất vấn thêm.

Cũng tranh luận, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, câu trả lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chưa rõ trách nhiệm sai phạm trong tồn tại ở BOT do phía ngân hàng hay chủ đầu tư hay Bộ Giao thông Vận tải.

9h15

Tranh luận về giải quyết tranh chấp BOT

Theo báo cáo của Bộ Giao thông thì hiện có 17 trạm BOT đặt sai vị trí, trong đó 3 dự án cao tốc dân không đi cũng phải trả tiền; 6 dự án người dân không đi đường tránh phải trả tiền. 

Bình luận về giải pháp được Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể nêu lên trong phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, qua nghe Bộ trưởng giải trình thì "tôi chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, rồi lại thu". 

Ông Hàm nêu vấn đề: Như thế đã vì lợi ích của dân chưa, vì sao dân không đi vẫn phải trả tiền và 17 dự án nêu trên chủ yếu chỉ định thầu?

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 6
Ông Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Q.H

Giải đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án chủ yếu do "lịch sử để lại", khi Bộ Giao thông tiếp nhận thì đã báo cáo Chính phủ, ví dụ như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Năm 2014, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc thu phí, do vậy Bộ thực hiện đúng theo chỉ đạo này. 

Tương tự, một số dự án xây tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiệu hữu là nhằm tạo đột phá kinh tế - xã hội cho địa phương, toàn bộ việc này "thực hiện theo đúng quy trình, các bộ ngành, địa phương có tham gia ý kiến". Trong bối cảnh hiện nay ngân sách eo hẹp, Chính phủ khó bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ dự án này. 

"Khi Quốc hội biểu quyết có khả năng cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại số dự án này", ông Thể nói và mong người dân thông cảm.

Về góc độ trách nhiệm, Bộ Giao thông đã giảm phí cho toàn bộ xe của người dân sinh sống trong vòng 10 km từ trạm BOT.

Phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông không làm hài lòng nhiều đại biểu.

Ông Hoàng Quang Hàm giơ biển tranh luận lại vì cho rằng giải thích của Bộ trưởng Thể chưa thấy thêm giải pháp cụ thể, chủ yếu giải quyết bức xúc và thuyết phục người dân bằng giảm thu phí một số trạm BOT. 

"Trước đây người dân có biết không và sao bây giờ phải chịu? Các giải pháp Bộ trưởng nói đã thương thảo với nhà đầu tư, ngân hàng giảm định mức, lãi suất chưa? Giờ vỡ lở ra người dân lại phải chịu?", ông Hàm đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng "không thể kéo dài tư duy giảm thu, giảm thu được". Theo ông, phải tuân thủ nguyên tắc cung cầu, quyền người dân và nhà đầu tư phải bình đẳng, không thể do áp lực lại giảm giá, chuyển trạm.

Tiếp mạch vấn đề, đại biểu Mai Sĩ Diến cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Giao thông nói "giải quyết tranh chấp BOT vì lợi ích hài hòa của người dân bằng giảm giá, bởi như vậy không khác gì xin cho". 

8h50

Giải quyết tranh chấp BOT "vì quyền lợi người dân"

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện có hai vấn đề về BOT giao thông là thể chế và quá trình triển khai có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân; sự bức xúc này là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.

“Chúng ta còn ăn đong trong lĩnh vực này”, ông Nhưỡng nói và đề nghị Bộ trưởng Giao thông nêu giải pháp căn cơ để giải quyết.

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 7
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Trường Phong

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Về tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT thì Bộ Giao thông đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để.

"Chúng tôi sẽ xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Giao thông quán triệt làm từ cái tâm để phục vụ người dân tốt nhất", ông nêu.

Trước các tranh chấp do chưa hoàn thiện thể chế xảy ra tại một số trạm BOT, ông Thể nói khi có dư luận thì Bộ sẽ phối hợp với địa phương tìm hiểu, giải quyết ngay theo hướng đảm bảo lợi ích của người dân.

Ông cũng cho biết đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng; sắp tới Bộ Giao thông chỉ làm dự BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn. 

8h25

Thu phí không dừng toàn bộ trạm BOT trong năm 2019

Đại biểu Nguyễn Anh Trí hỏi về quyết tâm của Bộ trưởng Giao thông đối với việc triển khai thu phí không dừng, đồng thời đề nghị ông Nguyễn Văn Thể "hãy vi hành bằng ôtô lên Tây Bắc để khảo sát tình hình, qua đó có kế hoạch phát triển giao thông đường bộ ở khu vực này".

Trả lời chất vấn trên, ông Thể khẳng định trong năm  2018, toàn bộ trạm BOT trên Quốc lộ 1 phải thu phí tự động không dừng và toàn bộ trạm còn lại phải hoàn thành năm 2019.

"Đây là giải pháp minh bạch, sắp tới khi vận hành, người dân sẽ giám sát được hoạt động của trạm BOT", ông Thể nói.

Với vùng Tây Bắc, ông Thể chia sẻ với khó khăn của người dân và cho biết, bản thân đã tham gia khảo sát, đi thực tế tại Hà Giang. Trách nhiệm của Bộ Giao thông là tham mưu và thực hiện tốt các dự án, song ngân sách chỉ bố trí được 30% nhu cầu thực tế nên nhiều công trình chưa thể bố trí vốn.

"Bản thân tôi cùng lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục có những chuyến công tác tới Tây Bắc để tìm hiểu, nắm tình hình", ông hứa. 

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 8
Thẻ VETC được dán trên kính xe và trừ tiền vào tài khoản thẻ của chủ xe khi qua trạm thu phí. Ảnh: Đ.Loan

Trước đó, Bộ Giao thông cho biết kế hoạch dán thẻ thu phí không dừng cho 2,8 triệu ôtô trên toàn quốc trong năm 2018, cho dù hiện mới dán được khoảng 500.000 xe.

Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...

8h10

Chủ tịch Quốc hội gợi ý tên gọi của trạm BOT

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói, tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi "trạm thu giá" để trình Chính phủ. 

Khi lãnh đạo ngành giao thông vừa dứt lời, máy quay hướng xuống phía hội trường, nhiều đại biểu cùng cười.

Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, "việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ Giao thông cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất".

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 9
Trạm thu giá Bến Lức. Ảnh: Hoàng Nam

Trước đó ngày 2/6, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, không sử dụng tên “trạm thu giá”.

Báo cáo của Bộ Giao thông cho hay, giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và lệ phí; theo đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".

Các thông tư của Bộ đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua”.

8h05

Theo quy định mỗi đại biểu hỏi trong một phút. ông Nguyễn Ngọc Phương - đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi xong vẫn còn thừa 28 giây.

Ông Phương đề nghị ông Nguyễn Văn Thể làm rõ trách nhiệm bồi thường của ngành khi làm đường khiến chênh lệch độ cao giữa nền nhà dân và đường. 

Bộ trưởng Giao thông cho hay, quá trình thực hiện các dự án có mâu thuẫn về nguồn vốn, nếu hạ thấp đường thì chi phí làm rất cao, nên dù cơ quan quản lý Nhà nước đã giám sát chặt chẽ thì vẫn có chênh lệch. Thời gian tới, Bộ sẽ đấu nối mặt đường để người dân thuận tiện đi lại.

"Chúng tôi được bố trí bao nhiêu tiền thì cố gắng làm trong khuôn khổ đó. Việc này xin tiếp thu và hứa làm tốt hơn thời gian tới", ông Thể nhấn mạnh.

8h00

Chủ tịch Quốc hội: Các Bộ trưởng cần trả lời thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm 

Khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, hoạt động này vừa qua đã có nhiều đổi mới, tác động tới hoạt động các ngành, địa phương khắc phục những hạn chế, bất cập; được cử tri cả nước đánh giá cao.

Theo quy định, mỗi lượt chất vấn sẽ có 3 đại biểu đặt câu hỏi, thời lượng hỏi một phút và người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để giải trình.

“Với mỗi câu hỏi được chất vấn, đề nghị các Bộ trưởng thẳng thắn xác định rõ trách nhiệm, lộ trình giải quyết vấn đề thời gian tới”, Chủ tịch Kim Ngân nói.

Bộ trưởng Giao thông: Công khai thu chi của trạm BOT vào cuối năm - 10
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: QH

Theo VnExpress.net