Xã hội

Chào xuân Mậu Tuất

Bước sang năm mới Mậu Tuất, đất trời bị đánh thức bởi muôn sắc pháo hoa. Các bà, các mẹ lầm rầm cầu khấn một năm sức khỏe, đất nước thịnh vượng.

0h30

Hàng nghìn người ở trung tâm Sài Gòn reo vui khi trong tiếng pháo hoa giòn giã. Nhiều em bé được cha mẹ công kênh lên vai để xem pháo hoa rực rỡ. Nhiều đôi bạn trẻ nắm chặt tay nhau đón những giây phút đầu tiên của năm Mậu Tuất. Một số cụ già đứng trầm ngâm, nép mình giữa dòng người đông đúc, ánh mắt đầy suy tư.  "Tôi ước cho một năm mới an lành đến tất cả mọi người, sức khỏe và hạnh phúc và trên hêt", bà Đào Thị Tuệ (72 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ. 

Rất nhiều du khách nước ngoài hòa mình tronng dòng người xem pháo hoa giao thừa. Phần lớn đều tỏ ra thích thú với không khí đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam, nhiều người không bỏ lỡ thời cơ quay lại những khoảnh khắc hiếm thấy đó. Kim Jae Ji (25 tuổi, người Hàn Quốc) thích thú nói: "Thật sôi động và ấn tượng. Đây là lần đầu tiên tôi đến TP HCM và rất may mắn là trùng thời điểm đón Tết cổ truyền của các bạn. Đây sẽ là chuyến du lịch đáng nhớ của tôi", du khách này hào hứng chia sẻ.

Tại Cần Thơ, chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa kéo dài gần 15 phút, trong tiếng reo hò của hàng nghìn người dân xem trực tiếp tại bến Ninh Kiều. "Lâu lắm rồi mới trực tiếp coi được màn bắn pháo hoa đã mắt như thế này. Tết vui vô cùng", chị Nguyễn Thị Hoa, 26 tuổi, ở quận Ninh Kiều chia sẻ.

0h10

Trên truyền hình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi tới toàn thể đồng bào trong và ngoài nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc nhân dân và bầu bạn khắp năm châu một năm mới hòa bình, hữu nghị, hạnh phúc và thịnh vượng. 

"Năm qua, toàn Đảng, toàn dân và quân đã đoàn kết, vượt lên khó khăn, đạt được những thành tựu nổi bật... Thế và lực, uy tín của đất nước tiếp tục được nâng lên, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, được toàn dân đồng tình, dư luận quốc tế đánh giá cao", Chủ tịch nước phát biểu.

Chào xuân Mậu Tuất
Pháo hoa tại Hồ Gươm. Ảnh: Ngọc Thành

Năm mới, xuân về, Chủ tịch nước động viên mỗi người Việt Nam hãy phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, giành được nhiều thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

"Năm mới, thời cơ mới, vận hội mới, động lực mới. Chúng ta nhất định sẽ thành công", Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

0h10

Đúng 0h, pháo hoa rực sáng trên bầu trời ở bến Bạch Đằng, quận 1, TP HCM, báo hiệu thời khắc chuyển giao năm Đinh Dậu và Mậu Tuất.

Chào xuân Mậu Tuất - 1
Pháo hoa nổ trên bầu trời ở quận 1, TP HCM.

00h00

Đồng hồ điểm 24h, đồng loạt cả nước vang lên tiếng pháo hoa đì đùng, bầu trời sáng rực. Trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ Đinh Dậu và năm mới Mậu Tuất, nhiều đôi trẻ ở Hồ Gươm (Hà Nội) đã trao nhau nụ hôn nồng thắm.

Trong mỗi gia đình, nén nhang thơm được thắp lên, các bà các mẹ đứng trước bàn thờ gia tiên thành tâm cầu khấn cho mỗi thành viên cũng như cả gia đình năm mới được mạnh khỏe, mọi việc đều hanh thông; đất nước được ngày càng phát triển, nhà nhà no ấm. 

Chào xuân Mậu Tuất - 2
Đôi trẻ hôn nhau ở Hồ Gươm. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

23h50

Tại TP HCM, hơn trăm bạn trẻ tụ tập trước Nhà hát Thành phố chờ xem pháo hoa ở khoảnh khắc giao thừa. Không gian rộn rã bởi tiếng múa lân sư rồng và tiếng nhạc ở các khách sạn cao cấp kế bên.

Nguyễn Thị Thảo Vy (21 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết đây là lần đầu tiên cô được ăn Tết ở Sài Gòn ở nhà người thân. "Tôi muốn một trải nghiệm mới, đón giao thừa ở Sài Gòn, rồi mùng 2 sẽ về quê với ba mẹ", Vy chia sẻ.

CSGT và công an đứng kín các các tuyến đường trung tâm thành phố như Đồng Khởi, Đông Du, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn... để điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh trật tự. 

Chào xuân Mậu Tuất - 3
Người dân TP HCM ngồi bệt chờ xem pháo hoa. Ảnh: Quỳnh Trần.

23h47

Hiện chỉ hơn 17h chiều ở Cộng hòa Trung Phi, trung tá Lê Ngọc Sơn bất ngờ khi Chỉ huy trưởng đơn vị Xecbia - đại tá Jukic đến gặp và chúc Tết bộ đội Việt Nam. “Chúc mừng các bạn! Chúng tôi biết các sĩ quan Việt Nam đã làm rất tốt công việc ở đây và các bạn thật thân thiện. Truyền tống Tết của các bạn thật tuyệt vời, đầy ý nghĩa. Đồ ăn của các bạn cũng rất ngon”, ông nói.

Hai người sau đó chụp một bức ảnh lưu niệm. Trung tá Sơn chia sẻ rất vui vì bạn bè quốc tế biết đến Tết cổ truyền của Việt Nam.

Chào xuân Mậu Tuất - 4
Trung tá Sơn và đại tá Jukic.

23h45

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn (quân đảo Trường Sa) được đơn vị tổ chức cho gọi điện về nhà chúc Tết gia đình. Lần đầu tiên ăn Tết ngoài đảo xa, nhiều chiến sĩ dặn dò bố mẹ giữ sức khoẻ, kể chuyện đón Tết ở đảo, nhớ nhà nhưng không buồn vì có đồng đội.

“Năm mới, chúc bố mẹ hai bên gia đình an khang, vợ và hai con gái sức khoẻ. Chúc nhân dân cả nước đón một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc. Những người lính Trường Sa sẽ luôn vững vàng tay súng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liên của Tổ quốc”, trung tá Đoàn Sơn Nam, chính trị viên đảo Sinh Tồn hai năm liên tiếp đón giao thừa ngoài đảo gửi lời chúc tới đất liền trước phút giao thừa.

Chào xuân Mậu Tuất - 5
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn gọi điện về nhà.

23h30

Tại TP HCM, lúc 23h, các tuyến đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ... đã hoàn toàn cấm xe lưu thông để phục vụ chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới. Trên đường Tôn Đức Thắng, hàng nghìn người đã ngồi xuống đường để "xí" chỗ xem pháo hoa. Nhiều gia đình mang theo thức ăn, bạt... cùng nhau quây quần chờ xem pháo hoa. Lúc này, nhiều cửa hàng trên phố đo bộ cũng đã cho nhân viên bày biện đồ cúng giao thừa.

Chào xuân Mậu Tuất - 6
Các cửa hàng ở trung tâm quận 1 chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chào xuân Mậu Tuất - 7
Hai bố con đốt pháo mừng năm mới. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chào xuân Mậu Tuất - 8
Đôi bạn trẻ nước ngoài chờ đón thời khắc giao thừa ở Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần.

23h10

Tại phố cổ Hà Nội, bà Lộc bắt đầu cúng giao thừa. "Phải cúng sớm và hóa vàng vào lúc 12h để tiễn các ông cũ đón các ông mới", bà lý giải.

Chào xuân Mậu Tuất - 9
Bà Lộc cúng sớm một tiếng trước giao thừa. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

23h00

Còn một tiếng nữa mới bắn pháo hoa đón giao thừa nhưng hàng nghìn người đã kéo về khu vực bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Cảnh sát văng dây không cho xe cộ vào khu vực này, chỉ dành riêng cho người đi bộ. Nhiều bạn trẻ ngồi bệt trên công viên ăn uống, vui chơi, đợi xem bắn pháo hoa.

"Năm ngoái không có bắn pháo hoa nên tiếc lắm. Lần này quyết coi bằng được nên em cùng người thân đến bến Ninh Kiều trước hai tiếng để chọn chỗ đẹp, có thể ngắm trọn vẹn màng bắn pháo hoa suốt 15 phút", bạn Nguyễn Thanh Tâm vượt hơn 40 km từ quận Thốt Nốt về trung tâm Cần Thơ đón giao thừa, nói.

Chào xuân Mậu Tuất - 10
Người dân Cần Thơ ngồi bệt chờ xem pháo hoa. Ảnh: Cửu Long.

22h40

Tại bang Floria (Mỹ), ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi) cho biết tiết trời khá tốt, nhiệt độ chừng 22 độ C. Gia đình ông có bốn người định cư tại Mỹ, nhưng hai con trai sống tại bang Texas. Tại khu vực vợ chồng ông sống ít người Việt, nên việc đón Tết cổ truyền ít khi được tổ chức. Hôm nay, ông vẫn đi làm bình thường. 

Ông bảo ở đấy tính theo lịch dương, nên ông đã tải lịch vạn niên về điện thoại để theo dõi ngày tháng tại Việt Nam. Từ nhiều ngày trước, vợ ông có nhờ một số người quen mua một vài món ăn của Việt, cho vào tủ lạnh trữ. Số ít, họ gửi cho hai con trai. "Tối nay đi làm về, vợ chồng làm bữa cơm, thắp nén nhang rồi tranh thủ điện thoại hỏi thăm người thân ở quê nhà", người đàn ông 51 tuổi nói.

Dù khá nhớ quê hương, song ông bảo suốt ba năm nay, gia đình chưa về ăn Tết và mong muốn ít năm nữa sẽ cùng mọi người trở về. "Thấy bạn bè chia sẻ nhiều hình ảnh, gọi hỏi thăm khiến mình thấy tủi thân khi bao lần chưa được ăn Tết quê nhà", ông chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Ngọc Duyên, một du học sinh vừa nhập học một tháng ở đại học Mcneese state, thành phố Lake Charle, bang Louisiana thuộc miền Đông Nam nước Mỹ so sánh: "Thật ra thì Tết xa nhà nên không khí rất khác so với lúc còn ở Việt Nam. Mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường".

Đang sống cùng gia đình dì, Duyên chia sẻ: "Tuần trước dì mình lái xe đi Houston mua bánh mứt và đồ ăn truyền thống ngày Tết vì khu mình ở không có chợ của người Việt. Tối nay dượng sẽ chở cả nhà lên chùa cầu an sau khi đón giao thừa. Riêng mình chỉ mong đến giờ xem táo quân cho đỡ nhớ nhà", Duyên trải lòng.

Chào xuân Mậu Tuất - 11
Nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Duyên vẽ bức vẽ trái tim nở hoa cùng lời nhắn Chúc mừng năm mới, I miss you đến bố mẹ ở quê nhà.

22h40

Tại bang Floria (Mỹ), ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi) cho biết tiết trời khá tốt, nhiệt độ chừng 22 độ C. Gia đình ông có bốn người định cư tại Mỹ, nhưng hai con trai sống tại bang Texas. Tại khu vực vợ chồng ông sống ít người Việt, nên việc đón Tết cổ truyền ít khi được tổ chức. Hôm nay, ông vẫn đi làm bình thường. 

Ông bảo ở đấy tính theo lịch dương, nên ông đã tải lịch vạn niên về điện thoại để theo dõi ngày tháng tại Việt Nam. Từ nhiều ngày trước, vợ ông có nhờ một số người quen mua một vài món ăn của Việt, cho vào tủ lạnh trữ. Số ít, họ gửi cho hai con trai. "Tối nay đi làm về, vợ chồng làm bữa cơm, thắp nén nhang rồi tranh thủ điện thoại hỏi thăm người thân ở quê nhà", người đàn ông 51 tuổi nói.

Dù khá nhớ quê hương, song ông bảo suốt ba năm nay, gia đình chưa về ăn Tết và mong muốn ít năm nữa sẽ cùng mọi người trở về. "Thấy bạn bè chia sẻ nhiều hình ảnh, gọi hỏi thăm khiến mình thấy tủi thân khi bao lần chưa được ăn Tết quê nhà", ông chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Ngọc Duyên, một du học sinh vừa nhập học một tháng ở đại học Mcneese state, thành phố Lake Charle, bang Louisiana thuộc miền Đông Nam nước Mỹ so sánh: "Thật ra thì Tết xa nhà nên không khí rất khác so với lúc còn ở Việt Nam. Mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường". 

Đang sống cùng gia đình dì, Duyên chia sẻ: "Tuần trước dì mình lái xe đi Houston mua bánh mứt và đồ ăn truyền thống ngày Tết vì khu mình ở không có chợ của người Việt. Tối nay dượng sẽ chở cả nhà lên chùa cầu an sau khi đón giao thừa. Riêng mình chỉ mong đến giờ xem táo quân cho đỡ nhớ nhà", Duyên trải lòng.

22h35

Thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bắn pháo hoa sớm hơn các tỉnh thành khác. Màn pháo hoa nghệ thuật diễn ra khoảng 20 phút sau khi kết thúc đêm biểu diễn đại nhạc hội. Tuyến đường An Dương Vương đã được cấm phương tiện, tạo thuận lợi để người dân ngắm pháo hoa.

TP Lào Cai tổ chức bắn pháo hoa sớm. Video: Nguyễn Nga

22h30

Ở Nga, anh Bùi Quang Minh (27 tuổi) sống tại thủ đô Matxcơva nói rằng gia đình sang Nga được sáu năm, buôn bán tại chợ khu Liublino. Suốt thời gian ấy, họ chưa về Tết. "Những hôm này, thấy người thân, bạn bè chụp ảnh về quê đón xuân mà lòng nôn nao", anh Minh nói.

Từ chiều, vợ cùng em trai anh đã về nhà để chuẩn bị mọi thứ để cúng Tết cổ truyền. Anh tranh thủ bán ít hàng, rồi về cùng đón Tết với mọi người. Anh cho biết, tại khu chợ vợ chồng kinh doanh có khá nhiều người Việt sống nên những món ăn quê hương được bày bán khá nhiều, song phải mua sớm bởi sẽ hết hàng. Từ những hôm trước, vợ anh đã đặt mua gà cúng, bánh chưng, chả… để chuẩn bị cúng Tết cổ truyền.

Anh cho biết, rất muốn lần về nước đón Tết, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên gác lại. "Hy vọng một vài năm nữa, khi kinh tế ổn hơn mình sẽ đưa vợ về", anh mong muốn. Theo anh, mỗi khi Tết cổ truyền, những khu vực đông người Việt sống theo kiểu tập thể họ sẽ góp tiền lại để tổ chức tiệc. Một số thanh niên độc thân hẹn nhau.

Chào xuân Mậu Tuất - 12
Người Việt tại Nga tổ chức tiệc đêm giao thừa. Ảnh: Quang Minh.
Chào xuân Mậu Tuất - 13
Mân cỗ cúng giao thừa của nhà anh Quang Minh tại Nga. Ảnh: Quang Minh.

22h23

Tổng bí thư chúc Tết người dân ở phố đi bộ Hồ Gươm

Tối 30, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến chúc tết Đảng bộ thành phố Hà Nội. Sau đó, lúc 21h ông cũng lãnh đạo Thủ đô thắp hương ở tượng đài Lý Thái Tổ và đền Ngọc Sơn; chúc Tết người dân ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm.

Chào xuân Mậu Tuất - 14
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Chào xuân Mậu Tuất - 15
Tổng bí thư đi bách bộ ở Hồ Gươm và chúc Tết người dân. Ảnh: Giang Huy
Chào xuân Mậu Tuất - 16
Tổng bí thư chúc Tết công nhân môi trường đô thị ở trước cửa đền Ngọc Sơn. Ảnh: Giang Huy

22h20

Người dân Đà Nẵng đổ ra đường mỗi lúc một đông, tập trung về ven sông Hàn để chờ đợi xem màn pháo hoa mừng năm mới bắn lên từ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Lãnh đạo thành phố đã đến thành Điện Hải - thành lũy đầu tiên chống Pháp - để dâng hương tưởng nhớ công lao của danh tướng Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ.

Người Đà Nẵng đổ ra đường xem bắn pháo hoa. Video: Nguyễn Đông

22h20

Tại con hẻm trên đường Trần Khánh Dư (quận 11, TP HCM), chị Đào Nguyễn Trọng Hương (31 tuổi) đã chuẩn bị xong mâm lễ cúng giao thừa ở công ty của mình. "Lễ cúng giao thừa cũng đơn giản chỉ gồm trái cây, nhành hoa với ít kẹo thôi. Cúng xong tôi sẽ về cúng tiếp ở nhà. Mong sang năm công việc suôn sẻ, phát tài còn gia đình ai cũng mạnh khỏe", chị Hương chia sẻ.

Chào xuân Mậu Tuất - 17
Chị Hương chuẩn bị cúng giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chào xuân Mậu Tuất - 18
Tại con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), bà Y đốt vàng mã rước ông bà về trước khi làm lễ cũng giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhà thờ Tân Định rực rỡ ánh đèn, được trang hoàng lộng lẫy. Trong trang phục lịch sự, hơn trăm giáo dân cùng gia đình đến nhà thờ cầu nguyện và chụp hình lưu niệm. Vẻ mặt ai cũng tươi vui, chờ đón những khoảnh khắc giao thừa đón chào năm mới Mậu Tuất.

Bà Trần Như Phương (quận Phú Nhuận) chia sẻ, bà vừa cầu nguyện cho gia đình và mọi người thân quen được bình an, xã hội an lành. "Năm nay là năm gia đình, chúng tôi càng coi trọng và hướng về những giá trị tình thần của vợ chồng, con cái. Mong các con tôi khôn lớn, trưởng thành", bà chia sẻ.

Trên đường hoa Nguyễn Huệ, gia đình của anh Tính (quận Bình Thạnh) quây quần chụp ảnh chung với nhau. "Cả nhà tôi 10 người đều rủ nha ra đường hoa xem đẹp không nào ngờ đông quá. Mọi người ai cũng háo hức, ráng chờ đợi để được xem pháo hoa", anh Tính chia sẻ.

Chào xuân Mậu Tuất - 19

Chào xuân Mậu Tuất - 20
Lúc 21h30, không gian đường hoa đông nghẹt người tham quan. Ảnh: Quỳnh Trần.

Người dân đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ chờ xem pháo hoa

22h00

Nhiều gia đình đã chuẩn bị xong mâm cỗ cúng giao thừa. Tại Hà Nội, ngoài mâm cơm dâng lên tổ tiên gồm gà, xôi gấc, hoa quả, nhiều gia đình còn sắp lễ cúng ngoài trời, đặt trước cửa nhà. Mâm cúng này đơn giản hơn, thường chỉ gồm hoa quả, vàng mã.  

Chào xuân Mậu Tuất - 21
Mâm cỗ cúng giao thừa của gia đình anh Khởi trên phố Hàng Giầy. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

21h50

Tại tỉnh Incheon (Hàn Quốc), chị Ngọc Trầm cho biết, do thời tiết khá lạnh nên ít người ra ngoài đường phố, chỉ có một số bạn trẻ ra biển ngắm hoàng hôn. "Đa phần mọi người ở nhà chuẩn bị làm đồ ăn để buổi sáng cúng. Tôi làm dâu bên này gần 7 năm, chưa có Tết năm nào được về Việt Nam. Thường trong đêm giao thừa, ngoài làm món ăn Hàn Quốc, các cô dâu Việt cũng tự làm một số món ăn truyền thống Việt như thịt kho trứng để cho có không khí quê nhà", chị chia sẻ.

Chào xuân Mậu Tuất - 22
Do thời tiết khá lạnh nên đường phố Hàn Quốc vắng vẻ. Ảnh: Ngọc Trầm.

21h45

Trời xứ Huế (Thừa Thiên Huế) đêm giao thừa se lạnh. Nhiều gia đình đã tập trung về quảng trường Ngọ Môn (Kinh thành Huế) - nơi sẽ diễn ra màn bắn pháo hoa chào năm mới. Năm nay, ngoài Ngọ Môn Kinh thành Huế, tỉnh có thêm hai điểm bắn pháo hoa là huyện Nam Đông và khu resort Laguna (huyện Phú Lộc).

Ngay từ sớm, lực lượng công an đã trực sẵn tại cửa vào Kinh thành Huế như cửa Quảng Đức, Cửa Ngăn để đảm bảo an ninh. Tránh tình trạng kẹt xe, dải phân cách trên cầu Phú Xuân được thiết lập. Ông Huỳnh Cư, Bí thư thành phố Huế xuống đường lì xì Tết cho lực lượng công an, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

21h40

Tại Mỹ, chị Nguyễn Phương Trang (38 tuổi, sống tại Houston, bang Texas) chia sẻ đây là năm đầu chị đón tết xa quê. Dù rất nhớ gia đình ở Sài Gòn nhưng do vừa sinh con, đang ở cữ nên không về Việt Nam được. "Cách đây vài ngày, ông xã đã đến khu chợ người Việt mua một số thứ đón Tết cổ truyền như phong bao lì xì, mấy món đồ trang trí nhà cửa, bánh kẹo...", chị chia sẻ.

Mẹ chồng chị cũng đến thăm hai vợ chồng, cùng dọn dẹp nhà cửa, làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên và đón Tết. Anh Phan Hiệp (45 tuổi, chồng chị Trang) cho biết theo phong tục của nhiều người Việt tại thành phố này, ngày Tết hầu như gia đình nào cũng tự nấu món thịt kho trứng và làm một ít đồ chua. 

"Trong thời khắc giao thừa, sum họp gia đình, chúng tôi thường mong ước năm mới tốt đẹp, đồng thời cũng nhớ về những ngày còn nhỏ được đón Tết ở Việt Nam", anh Hiệp cho biết.

Sáng mồng một Tết, anh cùng nhiều gia đình người Việt thường đi chùa hoặc đến nhà thờ. Sau đó, họ sẽ đi thăm người thân, lì xì cho trẻ con và cùng ăn bữa cơm ngày đầu năm. "Năm nay, do con gái đầu lòng mới nửa tháng nên cả nhà tôi sẽ sum họp ở nhà", anh vui vẻ, nói.

21h35

Khi người dân cả nước đang chờ đón thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới thì ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), các sĩ quan Việt Nam vẫn đang làm nhiệm vụ. Đại úy Hồ Tiến Hưng đã hoàn thành nhiệm vụ một năm và về Việt Nam đón Tết, còn lại bốn người.

Do lệch múi giờ, đêm 30 Tết ở Việt Nam vẫn là buổi chiều ở Trung Phi. Bốn người lính ở bốn nơi khác nhau, không có một bữa cơm chung, không cùng nhau trò chuyện. Trung tá Lê Ngọc Sơn may mắn hơn khi vẫn làm việc tại trụ sở Phái bộ. Anh cố nán lại sử dụng mạng Internet ở cơ quan để gọi điện chúc Tết người thân, đồng nghiệp, bạn bè và xem không khí giao thừa tại quê hương qua mạng. 

Chào xuân Mậu Tuất - 23
Thiếu tá Đinh Đức Long đang làm nhiệm vụ cùng sĩ quan Liên Hợp Quốc tại phân khu Trung tâm.

Thiếu tá Đinh Đức Long đang có chuyến công tác 5 ngày ở các đơn vị thuộc Phân khu Trung tâm. Đại úy Nguyễn Quốc Khánh đi làm nhiệm vụ một tuần tại các đơn vị thuộc Phân khu Tây. Thiếu tá Trần Văn Giang đang trên đường tuần tra, nắm tình hình dân cư, các hoạt động của lực lượng phiến quân và thực hiện các cuộc đàm phán nếu có tình huống.

“Bọn mình nhớ Tết Việt Nam, nhớ nhà đến nghẹn lòng, nhưng nhiệm vụ thì không thể lơ là. Mấy anh em động viên gia đình, vợ con cùng cố gắng vì nhiệm vụ chung. Mong cho mọi người ở quê hương được đón cái Tết đầm ấm, sang năm Mậu Tuất có nhiều sức khỏe, bình an và mọi sự may mắn”, những người lính cùng gửi gắm tâm sự về Việt Nam.

21h30

Tại Cần Thơ, tối 30 Tết, dòng người từ các nơi đổ về đường hoa mùa xuân tại trung tâm quận Ninh Kiều thưởng ngoạn. "Trái cây mùa Tết này trúng lớn nên nông dân vùng bưởi Phú Hữu chúng tôi rất phấn khởi. Tôi vừa thu hoạch 10 công bưởi được giá 40.000 - 45.000 đồng một kg, thu lời hơn 150 triệu đồng nên mua xe máy mới, đưa vợ con lên Cần Thơ xem đường hoa và xuống bến Ninh Kiều coi bắn pháo hoa", ông nguyễn Tuấn Khanh (45 tuổi) ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Chào xuân Mậu Tuất - 24
Người dân Cần Thơ đổ ra đường chờ đón giao thừa. Ảnh: Cửu Long.

Ông Trần Việt Phường - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết điểm nhấn của đường hoa nghệ thuật năm nay là cổng chính được thiết kế thành đại cảnh với mô hình chú chó hoạt hình ngồi dưới gốc mai vàng; phía sau là những tia hoa vút lên thể hiện cho sự vươn lên và phát triển.

"Đường hoa là sự kết hợp với trên 30 mô hình tiểu cảnh, tạo thành điểm tham quan vui chơi giải trí thú vị cho nhân dân ở địa phương, du khách trong và ngoài nước khi đến với Cần Thơ trong những ngày Tết đến xuân về", ông Phường nói.

Lúc 20 giờ, nhiểu người đổ về công viên Lưu Hữu Phước, quận Ninh Kiều xem chương trình nghệ thuật "Cần Thơ - 50 năm hào khí mùa xuân" với sự tham gia của khoảng 200 nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng tại Cần Thơ, TP HCM.

Chương trình pháo hoa tầm cao tại TP Cần Thơ diễn ra lúc 24h đêm giao thừa, kéo dài 15 phút, tại khu vực cồn Cái Khế. Người dân thành phố và du khách có thể thưởng thức chương trình từ khu vực Bến Ninh Kiều - cầu đi bộ, công viên bờ kè sông Hậu… Tại các quận huyện của thành phố cũng có chương trình pháo hoa tầm thấp trong đêm Giao thừa Xuân Mậu Tuất 2018.

21h10

Hàng nghìn bạn trẻ Quảng Ngãi đổ về công viên Ba Tơ đi dạo, chụp ảnh selfie. Đây là công viên lớn nhất TP Quảng Ngãi, được trang trí với nhiều tiểu cảnh bắt mắt vào dịp Tết Nguyên đán làm điểm nhấn cho không khí đón xuân của thành phố. Năm nay, công viên Ba Tơ được đầu tư trang trí 2,4 tỷ đồng, trong đó một nửa từ nguồn xã hội hóa.

Chào xuân Mậu Tuất - 25
Các bạn trẻ Quảng Ngãi đổ ra đường chờ đón thời khắc giao thừa. Ảnh: Phạm Linh.

21h10

Nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa cũng háo hức chờ đón giao thừa không kém đất liền. Đêm 30, tiết trời trên đảo mát mẻ. Ngoài lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu, bộ đội tập trung ở hội trường lớn đón giao thừa.

Từ buổi trưa, nhiều đảo đã tổ chức cho bộ đội ăn tất niên, trang trí mai, đào từ hoa nhựa, cành cây. Những chiến sĩ khéo tay bày biện mâm ngũ quả, khắc chữ tốt lành trên quả dưa hấu.

Chào xuân Mậu Tuất - 26
Bộ đội đón giao thừa trên đảo Sinh Tồn.

Hội trường lớn xã đảo Sinh Tồn trang trí đẹp đẽ hơn ngày thường bằng những dây màu lấp lánh. Một cây mai được tạo hình từ cây gai trên đảo, hoa mai bằng nhựa và giấy màu bộ đội tự tay cắt. Thêm một cành hoa lính đảo làm từ ốc biển quấn đèn nhấp nháy. Một chậu lan bung xoè cánh phớt hồng trưng giữa hai dãy bàn.

Mở màn đêm giao thừa, đội lân “cây nhà lá vườn” của đảo trình diễn màn múa, đi khắp các phân đội và hộ dân để chúc Tết. Hơn 20h, cán bộ, chiến sĩ, người dân, cán bộ uỷ ban xã đảo quây quần xem văn nghệ, tổ chức hái hoa dân chủ… chờ đến thời khắc giao thừa khiến đảo nhỏ rộn rã tiếng cười, tiếng hát.

Chào xuân Mậu Tuất - 27
Chiến sĩ Nguyễn Hữu Duy đón cái Tết đầu tiên trên đảo, thể hiện tài khéo léo khắc chữ lên quả bí.

21h00

Một số con đường dẫn về trung tâm TP HCM như Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi... đều đông nghẹ xe cộ. Hầu hết người dân đổ tham quan đường hoa Nguyễn Huệ. Các bãi xe quanh khu vực hầu như không con chỗ trống và từ chối nhận thêm xe. 

Tại đường hoa, không gian không còn chỗ trống, các tiểu cảnh, đại cảnh đều đông đúc người dân tham quan, chụp ảnh. Khu vực này cũng là vị trí ngắm pháo hoa tầm cao nên mỗi dịp năm mới, lễ hội... đều đông đúc người dân.

Chào xuân Mậu Tuất - 28

Chào xuân Mậu Tuất - 29
Các tuyến đường trung tâm TP HCM đông nghịt. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chào xuân Mậu Tuất - 30
Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghịt người dân tham quan. Ảnh: Quỳnh Trần.

21h00

Tại thành phố Matsuyama (tỉnh Ehime, Nhật Bản), nhóm thanh niên Việt Nam làm việc tại đây tụ họp tổ chức tiệc tất niên, cùng nhau đếm ngược thời khắc giao thừa, dù ngày mai vẫn phải đi làm.

Nguyễn Văn Sơn (22 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết đây là năm đầu tiên đón Tết xa nhà. "Ở nhà mọi năm rất vui. Năm nay vì công việc nên phải xa, em rất thèm không khí Tết tại quê nhà. Không biết nói gì hơn vào lúc này, em mong cha mẹ mạnh khỏe, hạnh phúc trong năm mới", Sơn nói.

Chào xuân Mậu Tuất - 31
Nhóm lao động Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tiệc tất niên, đếm ngược thời gian đón giao thừa. 

20h40

Hồ Gươm (Hà Nội) luôn là nơi thu hút đông người trong giây phút giao thừa nhất. Nhiều gia đình đưa con nhỏ đi sớm với hy vọng tìm được vị trí đẹp để ngắm pháo hoa tầm cao. Đêm nay, trận địa pháo hoa được đặt ở trước trụ sở báo Hà Nội mới.

Tranh thủ lúc vắng người, nhiều người đến viếng đền. Tuy nhiên, hiện đền Ngọc Sơn đóng cửa, nên một số người bái vọng từ xa. Phía đối diện qua đường Đinh Tiên Hoàng, ông đồ Tư thư thái ngồi viết câu đối.

Chào xuân Mậu Tuất - 32
Cầu Thê Húc rực sáng. 
Chào xuân Mậu Tuất - 33
Ông đồ Tư ngồi trước cửa đền Bà Kiệu viết thư pháp.
Chào xuân Mậu Tuất - 34
Gia đình chị Ngọc Anh và chị Thanh đưa con đi xem pháo hoa. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

20h40

Tại Đồng Nai, hàng nghìn người dân đang tập trung về phố đi bộ Nguyễn Văn Trị cạnh bờ sông để thưởng lãm đường hoa xuân Mậu Tuất 2018. Ngoài điểm nhấn là chú chó vàng cao hơn 5 m, đường hoa năm nay chú ý đến những điểm cổ kính cổ xưa của Biên Hòa 320 năm thành lập.

Năm nay tỉnh Đồng Nai sẽ bắn pháo hoa chào mừng năm mới tại cầu Hóa An, nằm cạnh đường hoa xuân. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, từ tối, nhiều tuyến đường bị cấm hoặc hạn chế phương tiện qua lại. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh còn tổ chức đêm ca nhạc chào đón năm mới tại đường hoa xuân.

20h30

Người dân Hải Phòng đổ về quảng trường Nhà hát lớn

Nhiệt độ ngoài trời ở trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 19 độ C, không mưa. Người dân đang đổ về khu vực quảng trường Nhà hát lớn để xem chương trình ca múa nhạc chào đón năm mới và pháo hoa bắn lên từ bờ hồ Tam Bạc trong giờ khắc giao thừa. Đây là một trong 13 điểm bắn pháo hoa của Hải Phòng năm nay.

Chào xuân Mậu Tuất - 35
Đường phố Hải Phòng đêm 30. Ảnh: Giang Chinh

Để đảm bảo trật tự giao thông, lực lượng cảnh sát đã xuống đường phân làn và cấm xe ôtô trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Quang Trung.

Trong đêm 30, cành lộc được bày bán nhiều ở các góc phố, thu hút các bạn trẻ dừng xe mua.

20h30

20h, TP HCM tối cuối cùng của năm Đinh Dậu trời mát mẻ. Tại Bến xe Miền Đông, không gian khá vắng vẻ, các hàng ghế hành khách trống trơn. Thỉnh thoảng có một vài khách đến bến để kịp cho những chuyến xe cuối cùng về quê đón Tết. Họ được nhiều "cò" vé chào mời, săn đón. Hầu hết các quầy vé tại bến đã đóng cửa, chỉ một số nhà xe về Nha Trang, Phan Rang… vẫn còn vé bán cho khách. 

Chào xuân Mậu Tuất - 36
Anh Lê Gia Bảo lên chuyến xe Sài Gòn - Phan Rang. Ảnh: Mạnh Tùng.

Vội vã với hành lý trên anh, anh Lê Gia Bảo (quê Ninh Thuận) đến bến kịp lúc chuyến xe chạy về Phan Rang khởi hành. Sau một năm làm ăn ở Sài Gòn, anh mong ước được về đúng mùng một Tết để sum vầy với gia đình. Mong năm mới thuận lợi, ai cũng được mạnh khỏe, bình an là mừng rồi, anh chia sẻ.

Trong khi đó, tổ bảo vệ và lao công tại Bến xe miền Đông tranh thủ họp mặt và chụp ảnh lưu niệm ca trực cuối cùng năm Đinh Dậu. Bà Nguyễn Thị Phương Dung (lãnh đạo bến xe) cho biết, sẽ có hai chuyến xe khách cuối cùng khởi hành đúng giờ giao thừa, đưa những hành khách từ Sài Gòn về các tỉnh dọc miền đất nước trở ra Bắc.

20h25

Đà Nẵng tiết trời ấm áp. Từ chập tối, nhiều người đã đưa gia đình đến đường hoa dọc hai bên sông Hàn để thưởng lãm. Năm nay, các đường hoa xuân ở hai đầu cầu Rồng và đoạn trước trụ sở HĐND TP Đà Nẵng được thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Cảnh sát cơ động túc trực tại các đường hoa để đảm bảo an ninh.

Chào xuân Mậu Tuất - 37
Đường hoa ở Đà Nẵng được đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Nguyễn Đông

Ở nhiều gia đình, việc chuẩn bị cho mâm cúng giao thừa được nhiều người sốt sắng chung tay. “Tết là dịp kính nhớ tổ tiên. Năm nay gia đình không về quê Thanh Hóa đón Tết được, nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất để thể hiện tấm lòng thành”, anh Nguyễn Minh Châu (35 tuổi, trú đường Nguyễn Hữu Thận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nói. Mâm cúng giao thừa của gia đình anh ngoài gà trống, đĩa xôi còn có thêm đĩa giò được bố vợ gửi từ quê vào.

Năm nay, Đà Nẵng bắn pháo hoa tầm cao trong vòng 15 phút sau thời khắc giao thừa. Người dân ở Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Hải Châu có thể thưởng lãm pháo hoa tại cầu Nguyễn Văn Trỗi (đoạn giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý). Người dân vùng ngo