Xã hội

Trong thế giới “múa mồi”: Nụ cười và nước mắt...

Vậy là tiền công cho việc nhảy nhót suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ là 200.000 đồng. Nhưng như vậy kể ra vẫn còn may mắn....

Vậy là tiền công cho việc nhảy nhót suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ là 200.000 đồng. Nhưng như vậy kể ra vẫn còn may mắn....

Cuối buổi diễn, mệt nhoài, tôi lết lên cầu thang lấy tiền công. Theo như lời quảng cáo trên mạng thì có thể được tới 700.000 đồng / đêm diễn, nhưng thực tế chúng tôi chỉ được trả 300.000 đồng. Hôm sau về chúng tôi còn phải đưa lại cho bà chủ 1/3 số tiền ấy nữa. Vậy là tiền công cho việc nhảy nhót suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ là 200.000 đồng.

Nhưng như vậy kể ra vẫn còn may mắn. Theo lời vú Liên thì có người đã bị đuổi về giữa buổi mà không được trả đồng tiền công nào vì quá... già hoặc lỡ “ăn gian” giờ, nhảy không đủ 10 phút / tour.

Các vũ công biểu diễn ở một quán bar tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Hải Hiếu

Tủi cực

Khi biết tôi đang còn đi học, chị Mai chân thành khuyên nhủ: “Em còn có cơ hội đi học thì ráng học cho tốt. Nghề này bạc bẽo lắm em ơi. Em nhìn các chị đây, chỉ được mấy năm nữa thôi. Đến khi em cũng già, mập như các chị thì không ai kêu đi diễn nữa đâu” .

Trong làn khói thuốc bay bay, chị nói về nghề bằng những trải nghiệm ngọt ngào và cay đắng của mình. Chị bảo khi đã lớn tuổi, mỗi lần lên sân khấu nhảy nhót, cười cười mua vui cho thiên hạ, chị đều tự cảm thấy xót xa cho mình. Còn hồi trẻ, dĩ nhiên chị cũng mê ánh đèn sân khấu nên sớm rời trường học, đêm đêm cháy hết mình trên sàn diễn, rồi ngủ vùi cả sáng hôm sau.

Một bữa, Nhiên - vũ công múa cột - chỉ vào má đùi bên phải kêu đau. Ở đó có một vết xước còn mới, dài đến gần một gang tay, máu chưa khô hẳn. Đó là dấu tích của một đêm đi diễn ở tỉnh. Thay vì cột inox, một số bar ở tỉnh dùng cột nhôm. Chỉ cần cột không nhẵn nhụi là vũ công đang treo mình, trượt lên trượt xuống cây cột sẽ rách da, chảy máu ngay lập tức. “Lúc ấy đau quá, suýt nữa buông tay rơi xuống đất ” - Nhiên kể. Cách đây chưa lâu, trong lúc diễn Nhiên té từ trên đỉnh cột xuống. Đôi guốc gãy gót, máu từ đùi nhỏ xuống dọc bắp chân. Nhưng nhạc không dừng và tour diễn còn chưa đủ 10 phút. Nhiên vẫn cười, nhún nhảy quanh cây cột chứ không leo lên được nữa. Hết suất diễn, cô mới đi vào nhà vệ sinh dùng nước xối cho sạch máu.

Trang, 21 tuổi, là vũ công nhiều năm trong nghề. Trước đây Trang nhảy cho các vũ đoàn, gần một năm trở lại đây Trang chỉ chuyên nhảy cho các quán bar. Trang tâm sự: “Hầu như ai đi làm nghề này cũng có hoàn cảnh. Có người có con mà không có chồng. Có người vì kinh tế khó khăn nên hơn 30 tuổi mà hằng đêm vẫn phải đi nhảy. Có người làm riết rồi thời gian trôi qua lúc nào không hay, khi nhìn lại thì đã ngoài 30 tuổi”.

Với Trang, điều trở ngại lớn nhất là phải đi làm từ khuya đến gần sáng. Có những hôm chạy xe một mình bị chọc ghẹo sợ hết hồn. Trang nói những lúc như vậy một là cắm đầu cắm cổ chạy, hai là dừng xe giữa đường rồi la lớn lên để người đi đường giúp đỡ.

Trang bật cười: “Mỗi lần đi làm mình đều mặc quần áo kín mít. Phần vì sợ hàng xóm dị nghị vì “con nhỏ cứ nửa đêm nửa hôm lại trang điểm rồi đi một mạch qua đêm”, phần vì sợ đi đường bị chọc ghẹo. Vào quán bar dù ngây thơ không biết gì cũng phải giả vờ tỏ ra sành sỏi, như vậy người ta mới không dám nói gì mình, không có ý định dụ dỗ mình”.

Ba mẹ con Trang hiện đang sinh sống trong một phòng trọ. Người mẹ đã lớn tuổi, ánh mắt lộ đầy vẻ lo lắng: “Mỗi lần nó đi diễn là tui ngủ không được, nhiều đêm thức trắng đợi nó về. Lúc đầu cũng không cho đi, sau nó nói thì hiểu công việc, với lại nó mê nhảy quá, cấm cũng không được”.

Vũ công có thể bị tai nạn khi trình diễn bất kỳ lúc nào - Ảnh: H.H.


Cuộc ngã giá phía sau

Trên sân khấu lấp lánh ánh đèn, mỗi vũ công đều long lanh, tỏa sáng. Nhân viên bảo vệ quán bar đứng rất sát nên khách muốn tiếp cận vũ công không phải dễ. Khi thâm nhập thế giới này, chúng tôi đã thấy và nghe nhiều chuyện về bước đường sa ngã của một số vũ công không giữ được mình trước cám dỗ của đồng tiền. Thông thường các quán bar không khuyến khích, dường như “đứng ngoài cuộc”, chỉ khi nào khách quen hoặc bo đậm mới làm ra vẻ miễn cưỡng móc nối cho các vũ công ra nói chuyện cùng khách. Cuộc ngã giá chỉ diễn ra phía sau sàn diễn.

“Cuộc sống mà. Mỗi người một suy nghĩ, mình không nói được nó” - Linh và chị Mai thở dài khi nhắc đến một cô bé vũ công vừa gật đầu đi chơi với khách đêm hôm trước. Đơn giản đó là một lời mời đi ăn sau buổi diễn, rồi chuyện sau đó... H. - vũ công 19 tuổi ấy - chỉ cười lấp lửng...

H.Đ. - từng là quản lý bar lâu năm ở quận 1, là người mời các vũ công về diễn tại bar - khi nhắc đến những chuyện này chỉ cười bảo: Đó là chuyện tất nhiên dù số người như vậy rất ít. Thậm chí có cô đi diễn chỉ với mục đích “săn” đại gia, rồi tìm cách đẩy đưa cặp kè để khỏi phải đi diễn vất vả nữa. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chỉ lợi dụng nhau về tiền bạc.

Nhưng có những vũ công đã lầm tưởng về tình yêu. Như chuyện của Hiếu, cô vũ công xinh đẹp ở các beer club tại quận 3 một thời, sau khi gặp một đại gia ngành bất động sản đã vội bỏ nghề, chấp nhận làm bồ nhí của anh ta với lời hứa sẽ lấy cô làm vợ. Cuộc sống ẩn dật khá hạnh phúc hơn ba năm trời khiến Hiếu càng thêm hi vọng và tin mình sẽ là một cô bé Lọ Lem may mắn.

Hơn ba năm trôi qua, thời gian cũng đủ lâu để các đồng nghiệp cũ của cô thừa nhận cô là người may mắn và bắt đầu nghĩ biết đâu đó lại là tình yêu. Nhưng rồi ngay khi ấy, chàng “hoàng tử” đại gia gặp một cô đào mới xinh đẹp và trẻ hơn Hiếu tới mấy tuổi.

Giấc mộng tình yêu tan vỡ, Hiếu ngậm ngùi quay lại nghề, nhưng cảm giác mình là người thất bại, cảm giác mọi người đang nhìn mình dè bỉu khiến Hiếu không chịu nổi. Cô bỏ nghề và với trình độ lớp 9, không có nghề nghiệp trong tay, Hiếu giờ đang đi làm phục vụ ở một quán karaoke ở quận 1, TP.HCM.

Mỗi vũ công là một câu chuyện về thân phận, có người đi nhảy để gồng gánh cả gia đình, nhưng cũng có những người như Duyên chạy xe SH đi làm, đồ trang điểm, áo quần đều là những món hàng hiệu mắc tiền. Nhà Duyên kinh doanh cho thuê khách sạn mini.

Theo lời Duyên kể, chồng cô là người Singapore nên quan niệm rất thoáng, không phản đối chuyện cô đi diễn hằng đêm. Thậm chí anh còn đợi cô về hỏi xem vợ có đói không, có ăn gì không để chồng nấu.

Duyên từng đi nhảy ở bar nhiều năm trước, lúc mới lấy chồng thì bỏ nghề một thời gian. “Nhưng nhớ sàn quá không chịu được lại đi diễn. Tôi thích cảm giác được bảo vệ dẹp đường rồi sải bước lên sân khấu, người xem phải dạt ra hai bên cho mình đi. Giống như mình là một ngôi sao vậy. Tôi thích khi đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy hàng trăm người đang háo hức nhìn mình, trầm trồ và tung hô tên mình đầy ngưỡng mộ. Tôi chẳng thiếu tiền, nhưng mỗi khi nhận được một đồng tiền bo là tôi đều sung sướng cất kỹ ” - Duyên hào hứng kể.

Dù vậy, theo nhận xét của những người cùng làm, tuy Duyên không cần tiền nhưng  tiền bo  khá nhiều và sự ngưỡng mộ như với một “ngôi sao” với cô lại là một liều thuốc mê. Thi thoảng sau giờ diễn lúc nửa đêm, người ta lại thấy cô khoác tay một anh chàng hào hoa nào đó ra khỏi quán...

Mơ ước của Trang

Vừa bước chân vào phòng trọ của Trang, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là chiếc máy khâu vẫn còn dở dang đường chỉ. Khi được hỏi về lý do chọn công việc làm vũ công này, Trang khẳng định: “Thích chớ. Thứ nhất là thích. Thứ hai làm gì có nghề nào kiếm được 300.000 đồng một đêm như vậy. Thứ ba là nhảy giống như một cách rèn luyện thân thể”.

Từ khi bước chân vào nghề này, Trang biết nhiều người sẽ dị nghị nhưng cô bảo mình không làm gì bậy bạ nên không sợ, đây cũng là công việc bình thường như bao nghề khác. Hiện mỗi tháng Trang kiếm được khoảng 9 triệu đồng từ việc đi nhảy tại các quán bar trong TP hoặc các tỉnh lân cận. Diễn trong TP mỗi đêm được trả khoảng 300.000 đồng, đi tỉnh thì thù lao nhiều hơn (Bình Dương 700.000 đồng, Cần Thơ 1 triệu đồng).

Ngoài giờ làm và tập luyện, Trang kiếm thêm thu nhập từ việc may vá rồi bỏ sỉ cho shop thú cưng. Ngoài ra, Trang rao bán sản phẩm túi xách… trên mạng Internet, các diễn đàn. Số tiền kiếm được hằng tháng Trang trang trải, phụ giúp gia đình. Chi tiêu trong gia đình hầu như dựa vào Trang.

Khi nói về dự định tương lai của mình, cô vũ công 21 tuổi này thổ lộ: “Làm nghề này khoảng hai, ba năm nữa, kiếm được một số vốn mình sẽ chuyển sang kinh doanh những món đồ mình tự may. Sau này chỉ muốn có cuộc sống gia đình ổn định”. Khi tiếng nhạc trong phòng tập vang lên, Trang hào hứng, vui vẻ nhảy múa, sống đúng với lứa tuổi của mình. Không còn vướng bận nỗi lo cơm áo gạo tiền, chỉ còn lại đam mê, niềm vui, dù chẳng biết cô còn đủ sức bám trụ với nghề thêm bao lâu nữa...

>> Trong thế giới “múa mồi”: Một bước lên...sàn nhảy

Theo Mai Hoa - Ca Dao- Đức Thanh (Tuổi Trẻ)