Xã hội

Triều cường và mưa kết hợp sẽ khiến Sài Gòn ngập rất nặng

 Nhiều chuyên gia chống ngập cho rằng TP.HCM cần tính đến những giải pháp cụ thể để chống ngập trong trường hợp triều cường và mưa kết hợp.

 

 Nhiều chuyên gia chống ngập cho rằng TP.HCM cần tính đến những giải pháp cụ thể để chống ngập trong trường hợp triều cường và mưa kết hợp.

Đô thị hóa tăng nhanh, nước không thoát kịp

Nguyên nhân ngập nặng được xác định do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) nên khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy.

Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến nhưng xử lý còn chậm. Bên cạnh đó, một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.

Trao đổi với PV, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết lượng mưa chiều tối 26/9 quá lớn đổ xuống TP khiến các cống thoát nước vốn cũ, lạc hậu không thể thoát nước kịp.

“Với lượng mưa quá lớn như vậy cộng thêm diện tích đô thị hóa của TP tăng mạnh khiến bề mặt không thấm nước, dẫn đến tình trạng ngập càng tăng mạnh. Hệ thống cống, kênh thoát nước bị lấn chiếm, rác ứ đọng cản dòng nước cũng là một cách lý giải cho việc ngập trên diện rộng vừa qua”, ông Phi nói.

Trieu cuong va mua ket hop se khien Sai Gon ngap rat nang hinh anh 1
Người dân khu vực Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) phải sống chung với ngập trong nhiều ngày liên tiếp. Ảnh: Tùng Tin.

 TS Phi nhấn mạnh, trước tình hình ngập úng như hiện nay, người dân TP chỉ có thể thích nghi, chứ không thể nào chịu đựng và cứ mãi sống chung với ngập úng được. Vấn đề chống ngập đã được các lãnh đạo nhiệm kỳ trước quan tâm, nhưng do thiếu tài chính nên các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chống ngập vẫn còn thiếu.

Ông chia sẻ: “Dù đã và đang có nhiều dự án chống ngập hàng nghìn tỷ đồng nhưng với những trận mưa kỷ lục như chiều 26/9 thì người dân TP chỉ có thể thích nghi chứ rất khó chống ngập trong tương lai gần. Đặc biệt thời gian tới, biến đổi khí hậu còn tác động nhiều đến thời tiết, nhiều trận mưa lớn hơn cũng có thể xảy ra”.

Cùng quan điểm với ông Phi, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết chính diện tích mặt đất bị thu hẹp, các công trình cao ốc, hạ tầng giao thông được bê tông hóa phủ khắp TP khiến những cơn mưa lớn không còn hệ thống thấm nước tự nhiên, dẫn đến cống nước không thể thoát kịp.

Ông Cương nói do biến đổi khí hậu, làm xuất hiện những cơn mưa lớn và kéo dài liên tục, trong khi hệ thống thoát nước của TP lại nhỏ, cũ và lạc hậu không đáp ứng kịp.

Lo triều cường dâng cao, mưa lớn nhiều

Các chuyên gia đều bày tỏ sự lo lắng khi biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp dẫn đến đỉnh triều cường sẽ tăng cao, thời tiết xuất hiện nhiều trận mưa lớn, liên tục sẽ làm công tác chống ngập của TP gặp khó khăn. Nền đất của TP đang ngày càng lún một vài cm cũng là điều đáng lo trong tương lai gần.

TS Võ Kim Cương cho biết: “Mỗi năm, nền đất có thể bị lún một vài cm, nhưng hàng chục năm sau thì sụt lún này có thể lên hàng mét. Bằng chứng là trước đây, tiêu chuẩn trong xây dựng khi thiết kế các con đường, bao giờ người ta cũng sẽ thiết kế mặt đường hơn mực nước cao nhất là 50 phân. Bây giờ, nước lại chảy ngược ra đường, chứng tỏ mặt nước cao hơn mặt đường”.

Ông Cương giải thích thêm khả năng mặt nước cao hơn do biến đổi khí hậu thì mọi người đều đã biết, nhưng mặt đường bị lún xuống thì lâu nay chưa có cuộc khảo sát, điều tra cụ thể nào. Từ những điều này, ông nghĩ cần có những cuộc khảo sát, điều tra để có thể đánh giá được mặt đường sụt lún như thế nào.

Trieu cuong va mua ket hop se khien Sai Gon ngap rat nang hinh anh 2
Căn nhà ông Nguyễn Văn Đáng trên tuyến đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức chịu cảnh nước ngập quá đầu gối, cả đêm phải mang hai chiếc giường ra chỗ cao để ngủ. Ảnh: Lê Quân. 

Trong hai nguyên nhân ngập chủ yếu là do triều cường và mưa lớn thì nhiều chuyên gia nhận định ngập do triều mới đáng lo ngại, còn những cơn mưa lớn TP có thể triển khai các giải pháp ngắn hạn được. “Triều cường ngày càng cao, nhiều khu vực sẽ bị ảnh hưởng liên tục, nếu không có giải pháp căn cơ thì rất khó giải quyết được bài toán chống ngập do triều cường. Còn ngập do mưa lớn thì chỉ cần làm tốt hệ thống thoát nước thì ngập sẽ rút rất nhanh”, ông Cương nhận định.

TS Hồ Long Phi cũng có suy nghĩ giải quyết ngập do triều cường mới là vấn đề then chốt hiện nay. “Hiện nay có một doanh nghiệp đang đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng làm kè ngăn triều. Hy vọng dự án hoàn thành sẽ giúp TP đỡ ngập do triều cường. Tuy nhiên khi thời tiết phức tạp, triều cường kết hợp với mưa lớn thì vấn đề chống ngập lại còn phức tạp hơn nhiều. Khi đó người dân phải tập sống thích nghi với ngập mà thôi”, TS Phi bày tỏ.

Theo Phước Tuần (Zing.vn)