Xã hội

Tranh cãi xung quanh đề xuất lùi giờ làm, giảm giờ nghỉ trưa

Mới đây, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Chính phủ cần xem xét điều chỉnh thời gian làm việc trong phạm vi cả nước, theo hướng làm việc muộn hơn, giảm thời gian nghỉ trưa. Về vấn đề này, chiều 2.11, nhiều chuyên gia lao động đã có ý kiến phản biện.

Theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), khi đề xuất chính sách áp dụng đại trà, trước hết phải nghĩ xem có phù hợp với môi trường xã hội của Việt Nam hay không.

“Theo tổ chức lao động khoa học, không có nước nào nghỉ trưa 30 phút. Còn giờ làm đúng là nên lùi lại muộn hơn khoảng 1 tiếng so với hiện tại để có thời gian cho bậc cha mẹ chăm sóc và đưa con tới trường” – ông Thọ nêu quan điểm.

Tranh cãi xung quanh đề xuất lùi giờ làm, giảm giờ nghỉ trưa
Lao động cần tối thiểu từ 20-30 phút nghỉ trưa, không bao gồm thời gian ăn cơm để nghỉ nghơi, tái sản xuất sức lao động. Ảnh: I.T

Ông Thọ phân tích, theo đồ thị năng lực, lao động của con người xác định mức tối ưu sản sinh công năng tối đa. Ngay cả công việc đã quen, thông thường mất khoảng 1 tiếng để làm quen sau đó khả năng làm việc tăng dần, sau 1 tiếng đạt mức tối đa và duy trì tới gần khi nghỉ trưa sẽ giảm dần.

Buổi chiều, chu kỳ cũng lặp lại nhưng ở mức thấp hơn một chút, thời gian hội nhập chỉ mất khoảng 15-30 phút, phần lùi xuống giảm khả năng làm việc kéo dài hơn buổi sáng. Dựa trên những phân tích nà, ông Thọ cho rằng nên bố trí thời gian làm việc buổi sáng tới 12h, nghỉ trưa 1 tiếng đến 13h, buổi chiều làm từ 1h tới 5h.

Còn ông Nguyễn Anh Thơ  - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động  (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện nay, Bộ Luật lao động đã quy định một ngày làm việc bình thường không quá 8 giờ, không quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc nên quyền quyết định thuộc về người sử dụng lao động hoặc các địa phương.

Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thường làm theo các cơ quan hành chính, sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h. Theo khuyến cáo, thời gian nghỉ trưa nên là 1 tiếng, các địa phương khác là 1,5 tiếng để ngoài việc giành thời gian ăn trưa, lao động có thể có tối thiểu 20-30 phút nghỉ trưa. Điều này là phù hợp nhịp sinh học con người, từ đó giúp hồi phục, duy trì sự tỉnh táo và năng suất lao động.

Ông Thơ cho rằng không nên kéo lùi giờ làm việc, giờ làm việc hiện nay từ 7h30 là hợp lý, vẫn đủ thời gian cho cha mẹ bố trí các nhu cầu sinh hoạt buổi sáng. Phương án bố trí làm việc bắt đầu từ 8h30 sáng như ý kiến của đại biểu Cảnh có thể phù hợp cho một số đô thị khi thời tiết lạnh giá.

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội ngày 31.10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Chính phủ cần xem xét điều chỉnh thời gian làm việc trong phạm vi cả nước trong thời gian tới. Ông cho rằng, trước khi nêu ra ý kiến này, ông đã tham khảo ý kiến và tài liệu từ nhiều nguồn, một số cán bộ, công chức, người nước ngoài.

Theo đại biểu Cảnh, trên thế giới cũng như Châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8h30 hoặc 9h. Thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy, đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực.

Trả lời bên hành lang quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, cần phải có đánh giá cụ thể về tác động của những thay đổi (nếu có) tới các vấn đề như giao thông, sức khỏe, hiệu quả công việc. Không thể tự nhiên nghĩ ra nên thay đổi thế này, thay đổi thế kia rồi làm theo. Cần phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng suất lao động.

Theo Thùy Anh (Dân Việt)