Xã hội

Trách nhiệm của 4 người đứng đầu trong vụ chạy thận chết 8 người ở Hoà Bình

Từ hôm khởi tố và tạm giam 3 người trong vụ việc chết người tại bệnh viện đa khoa Hoà Bình, tôi không ngừng nghĩ đến đôi mắt của bác sĩ Lương, người vừa bị khởi tố.

Từ hôm khởi tố và tạm giam 3 người trong vụ việc chết người tại bệnh viện đa khoa Hoà Bình, tôi không ngừng nghĩ đến đôi mắt của bác sĩ Lương, người vừa bị khởi tố.

Trách nhiệm của 4 người đứng đầu trong vụ chạy thận chết 8 người ở Hoà Bình
 

Trên phương diện là người đồng nghiệp tất nhiên tất cả chúng tôi đều rất thương em. Bài viết của Thầy Bàng trên facebook đã phân tích đầy đủ nhất sự việc trên phương diện tình và lý của những người bác sĩ đang trực tiếp điều trị bệnh nhân.

Trách nhiệm của 4 người đứng đầu trong vụ chạy thận chết 8 người ở Hoà Bình - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can liên quan đến sự cố y khoa khi chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Nhưng chúng ta cũng cần biết luật pháp phải nghiêm minh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Theo tìm hiểu của tôi: "Là bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trực tiếp kí giấy đề xuất sửa chữa bảo dưỡng định kì hệ thống nước lọc RO2 và RO mini để phục vụ tốt cho việc chạy thận nhân tạo.

Trong ngày 28 tháng 5 năm 2017, hệ thống RO được sửa và thông báo qua điện thoại là xong hoàn chỉnh, nhưng chưa có biên bản bàn giao. Sáng 29 tháng 5, sau khi xem các điều dưỡng viên kiểm tra thấy máy chạy tốt, bác sĩ Lương đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân.

Việc làm đó của bác sĩ Lương đã sai vì hệ thống RO được bảo dưỡng xong nhưng chưa có biên bản nghiệm thu, bàn giao và thanh lí hợp đồng. Công an đã làm đúng chức năng khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bác sĩ Lương với tội danh "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác." – Điều 242 Bộ luật hình sự.

Vấn đề cần bàn nhất ở đây là trách nhiệm người đứng đầu. Anh Lương là người đứng đầu đơn nguyên TNT và anh đã phải chịu trách nhiệm một cách không thể buồn hơn là rơi vào vòng lao lý.

Cánh cửa tương lai tốt đẹp đã gần như khép lại trước mặt người bác sĩ trẻ này. Vậy trách nhiệm của những người đứng đầu khác ở đâu trong câu chuyện rất đáng buồn này?

Giám đốc bệnh viện và giám đốc công ty: Trách nhiệm và năng lực

Tôi xin đề cập đến 4 vị đứng đầu khác có liên quan đến thảm hoạ này. Vị đứng đầu đầu tiên cần nhắc đến chính là giám đốc BV Hoà Bình.

Ông phải là người chịu trách nhiệm chính trong các quy trình vận hành máy móc của BV do mình trực tiếp quản lý, ông phải trả lời được câu hỏi Ai thay mặt Ban lãnh đạo bệnh viện Hoà Bình đồng ý cho Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc trong khi hợp đồng ký với Thiên Sơn?

Ông có nghĩ đến những hậu quả như thế này khi ký các hợp đồng với các công ty tư nhân tham gia trực tiếp vào việc vận hành các máy móc thiết bị có liên quan đến tính mạng con người?

Trách nhiệm của 4 người đứng đầu trong vụ chạy thận chết 8 người ở Hoà Bình - Ảnh 2.
 

Vị đứng đầu thứ 2 là chủ công ty Thiên Sơn, một công ty tham gia vào lĩnh vực y tế không chỉ một thời gian ngắn mà đã có bề dày hoạt động rất nhiều năm.

Liệu ông hoặc các ông nghĩ gì khi "bán" trách nhiệm của mình cho công ty Trâm Anh một công ty không đủ khả năng trong việc vận hành máy móc do chính công ty ông lắp đặt?

Hay chăng chính các ông cũng không đủ năng lực để vận hành hệ thống này, Hay chính Thiên Sơn chỉ là công ty kinh doanh đứng giữa ăn "hoa hồng". Nếu vậy thì ngoài trách nhiệm với lương tâm chắc chắn các ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lỗ hổng quản lý

Vị đứng đầu thứ 3 chính là các lãnh đạo ngành y tế khi đưa ra các quy trình vận hành các thiết bị y khoa.

Chúng ta đã có rất nhiều quy trình, nguyên tắc nhưng sự việc tại Bệnh viện Hoà Bình đã thể hiện rõ lỗ hổng trong pháp luật đối với việc quản lý và vận hành các trang thiết bị y tế.

Người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo là các bác sĩ trong khi các bộ phận bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật lại là các công ty do Ban lãnh đạo bệnh viện lựa chọn.

Những thầy thuốc cần bắt buộc kiểm tra chất lượng máy móc ở những khâu nào? Bằng phương tiện kỹ thuật nào? Theo văn bản nào? Chẳng lẽ sau khi được đơn vị bảo hành thông báo mọi thứ đã tốt, bệnh nhân đang xếp hàng để đợi được điều trị chúng tôi lại cúi xuống ... "nếm" thử xem nước RO đã "sạch" hay chưa?

Rõ ràng hệ thống quản lí chất lượng và an toàn người bệnh ở nước ta đang có vấn đề, mà cái chết của 8 bệnh nhân cùng 10 người may mắn thoát nạn là minh chứng rõ nhất cho một lĩnh vực cực kì quan trọng nhưng lại đang chưa được quan tâm đúng mức.

Rất cần cơ quan chủ quản bình tĩnh rà soát lại văn bản, cách thức quản lý, vận hành các thiết bị vật tư tiêu hao ngành y tế. 

Cần phải chú trọng đào tạo về kiểm tra an toàn và chất lượng sản phẩm QA/QC (Quality assessment/ Quality Control), phải coi đây là tiêu chí để cấp phép cho các bệnh viện, phòng khám, các phương pháp điều trị mới ... được triển khai hoạt động.

Cần thấu hiểu môi trường y tế và những vụ án hình sự

Vị lãnh đạo cuối cùng ở đây là những người đứng đầu các cơ quan tố tụng hình sự, mong các vị hiểu được sự khác biệt giữa môi trường y tế và các vụ án hình sự khác.

Tất cả các bác sĩ chúng tôi luôn mong muốn bệnh nhân được chữa bệnh thành công, muốn công việc hàng ngày được thuận lợi nhưng trước áp lực của hàng trăm quyết định trong mỗi ngày làm việc, nhưng chúng tôi sẽ có những sai số.

Những sai số ấy trong ngành chúng tôi dù rất nhỏ nhưng sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng thậm chí không gì bù đắp nổi.

Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình nhưng chính sự công minh của các vị cũng sẽ có trách nhiệm khi khép hay không khép lại tương lai của một người bác sĩ. Khi tương lai ấy bị khép lại một cách thiếu tình lý và thấu hiểu, không phải chỉ gia đình nhỏ bé của anh bị sụp đổ mà bao nhiêu nhiệt huyết của tất cả các bác sĩ đang trực tiếp điều trị người bệnh sẽ bị dội một gáo nước lạnh.

Họ sẽ rút lại trong cái vỏ an toàn của mình và những người thiệt hại nhiều nhất chính là người dân trong đó có người thân của các vị.

Rất mong các vị sẽ là các quan toà công minh với mục đích cuối cùng là tìm ra khe hở của hệ thống để không bao giờ thảm hoạ Hoà Bình lần thứ 2 lại xảy ra trong lịch sử y học Việt Nam.

Theo PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu (Trí Thức Trẻ)