Xã hội

TP HCM xử lý thế nào khi trẻ bị xâm hại

Trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị được quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ trẻ em bị tổn hại về thể chất, tâm lý, nhân phẩm.

TP HCM xử lý thế nào khi trẻ bị xâm hại
Ảnh minh họa

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM vừa trình UBND thành phố dự thảo về quy trình phối hợp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Các bước sẽ được thực hiện chặt chẽ, nhằm bảo vệ quyền lợi tối đa cho trẻ, bao gồm: tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin; đánh giá mức độ tổn hại của trẻ, bảo đảm an toàn cho trẻ; lên kế hoạch hỗ trợ và rà soát.

Xử lý thông tin trong 2 giờ

Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn thương về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi...

Khi phát hiện trẻ em bị xâm hại, mọi tổ chức và cá nhân phải báo sự việc cho chính quyền địa phương (UBND phường, xã, thị trấn); công an; cơ quan lao động thương binh và xã hội các cấp; hoặc đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em: 111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69.

Trong vòng hai giờ từ lúc nhận tin, cán bộ phải báo cáo kiểm chứng thông tin. Chủ tịch UBND phường, xã cấp giấy giới thiệu đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời thông báo cho công an.

Chậm nhất 2 giờ từ khi tiếp nhận, bệnh viện phải có chẩn đoán ban đầu. Từ lúc nhận thông báo của bệnh viện, trong vòng 8 giờ chủ tịch UBND phường, xã phải kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ đến công an...

VKS 'chốt' khởi tố trong một tuần 

Nhận được kiến nghị này, trong 3 ngày công an phường, xã phải gửi hồ sơ đến cấp huyện. Chậm nhất 12 giờ sau đó, công an huyện phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân.

Cơ quan giám định có thời hạn 3 ngày để ra kết luận. Tiếp đó, công an huyện gửi hồ sơ vụ việc cho VKS xem xét khởi tố vụ án trong một ngày.

Bảo mật thông tin trẻ bị xâm hại và gia đình

Tất cả báo cáo liên quan việc trẻ bị xâm hại được yêu cầu đóng dấu mật. Các thông tin liên quan nạn nhân và gia đình cũng phải được bảo mật theo quy định. 

Dự thảo quy định này do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, sau khi đã lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Dự thảo dựa trên các quy định của Luật, Nghị định, chỉ thị và thông tư về trẻ em hiện hành.

Theo Luật Trẻ em năm 2016, tại Việt Nam đang có 18 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, gồm: Ủy ban Quốc gia về trẻ em; TAND, VKS các cấp; Quốc hội; các bộ: Lao động - thương binh và xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin truyền thông; UBND các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...

Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn những vụ trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều do báo chí và cộng đồng phát hiện, phản ánh. Điều này khiến dư luận bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Theo Trung Sơn (VnExpress.net)