Xã hội

Tổng Bí thư thăm hầm vũ khí dùng tấn công Dinh Độc Lập năm 1968

Ông Nguyễn Phú Trọng ghi nhận sự gian khổ của gia đình chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai khi xây dựng, giữ gìn hầm vũ khí chiến đấu hồi Tết Mậu Thân.

Sáng 31/1, sau khi dự Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm khu hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập của cố chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai).

Khu di tích lịch sử - văn hoá nằm trên Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) gồm hai căn hầm sát nhau, được gia đình ông Lai phục dựng từ năm 2005.

Tổng Bí thư cặn kẽ thăm hỏi các nhân chứng lịch sử về quá trình đào hầm, chuyển vũ khí vào cất giấu để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nửa thế kỷ trước.

Tổng Bí thư thăm hầm vũ khí dùng tấn công Dinh Độc Lập năm 1968
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hầm vũ khí của biệt động trong chiến dịch Mậu Thân. Ảnh: Việt Dũng.

Bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) kể lại quá trình ông Lai (nhà thầu khoán cho Dinh Độc Lập) bí mật đào hầm và giữ vũ khí trong nội thành Sài Gòn từ năm 1962 đến năm 1968.

Căn hầm chính được ông Lai thiết kế hoàn hoàn bí mật, nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, chứa được khoảng 15 người, hơn hai tấn vũ khí. Ngoài ra, ông Lai còn đào thêm căn hầm bên cạnh rộng gần gấp đôi, chuẩn bị tập kết vũ khí về nhưng khi ấy chiến dịch Mậu Thân nổ ra bất ngờ nên phải dừng lại.

Suốt thời kỳ chống Mỹ, ông Trần Văn Lai còn mua nhiều căn nhà khác để đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật.... Sau chiến dịch Mậu Thân ông Năm Lai bị tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản.

Nhiều năm sau giải phóng, ông Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) đã chuộc lại những căn nhà này, phục dựng hầm bí mật để làm di tích lịch sử cho người dân, du khách tới tham quan.

Ông Phan Văn Hôn (74 tuổi) - một trong những chiến sĩ biệt động, kể lại trận chiến đấu vào đêm Mùng 1 rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân. Đội 5 của ông gồm 15 người tập kết tại hầm bí mật của ông Lai, nhận vũ khí đi đánh Dinh Độc Lập. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, kéo dài đến trưa Mùng 3 Tết thì hy sinh 8 người, 7 người còn lại bị bắt.

Còn ông Nguyễn Đức Hoà (nhân chứng lịch sử của trận đánh) nghẹn ngào nói về nỗi trăn trở khi đồng đội đã hy sinh nhưng chưa được công nhận liệt sĩ.

Tổng Bí thư thăm hầm vũ khí dùng tấn công Dinh Độc Lập năm 1968 - 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe các nhân chứng lịch sử kể lại quá trình xây dựng căn hầm và trận tấn công Dinh Độc Lập năm 1968. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Chăm chú lắng nghe, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động, nâng niu từng kỷ vật tại căn hầm. Đó là những giỏ cần xé, tấm bồ tre mà lực lượng biệt động Sài Gòn dùng để nguỵ trang chở vũ khí từ căn cứ vùng ven vào nội thành; ôtô chở đội biệt động đi đánh Dinh Độc Lập...

Ông cũng chiêm ngưỡng kiến trúc bí mật của căn hầm ngay bên dưới căn nhà; khen ngợi truyền thống của gia đình bà Thiệp và động viên cố gắng phát huy, giữ gìn khu di tích độc đáo, hào hùng này.

Tổng Bí thư ghi nhận, động viên ông Hôn, ông Hoà và những chiến sĩ biệt động đã xả thân trong trận đánh 50 năm trước.

Cuộc Tổng tiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng và của quân giải phóng trên toàn miền Nam nói chung tuy tổn thất lớn về lực lượng nhưng đã gây tiếng vang tại Mỹ và trên toàn thế giới. Chiến dịch này đã tạo bước ngoặt, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, xuống thang chiến tranh tiến tới rút quân về nước. Đó là tiền đề dẫn đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Theo Tuyết Nguyễn (VnExpress.net)