Xã hội

Tổng bí thư: Cùng quyết tâm 'đốt lò' để đẩy lùi tham nhũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó.

- Thưa Tổng Bí thư, hình ảnh "lò" đã nóng được nhắc đến rất nhiều, như một sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ trước những nỗ lực, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực. Ông đánh giá thế nào về những kết quả trong năm qua?

- Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến. Và không phải đến bây giờ, công tác phòng, chống tham nhũng mới được tiến hành, mà đã thực hiện từ lâu.

Nhìn lại năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực khiến nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn.

Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm.

Ngay trong những ngày đầu năm 2018 này, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), vụ tham ô tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó.

Năm vừa qua, 8 đoàn công tác của Trung ương được thành lập, đi đến 20 tỉnh, thành phố để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc. Việc này đã thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

"Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.

Tổng bí thư: Cùng quyết tâm 'đốt lò' để đẩy lùi tham nhũng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

- Nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại rằng phải chăng còn có những "lỗ hổng" trong công tác cán bộ. Theo ông có biện pháp nào khắc phục việc này?

- Đúng là năm vừa qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.

Thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị cũng cho thấy, công tác cán bộ còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là rất cần thiết, nhưng không phải cốt để có cái "mác" lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy… Hay cán bộ được luân chuyển là để rèn luyện, trưởng thành, chứ không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, "tráng" qua thực tế để rồi về giữ chức nọ, chức kia. Nhiều người thời gian luân chuyển chưa được bao lâu, chưa kịp thể hiện, chưa đóng góp được gì nhiều cho cơ sở đã ngấp nghé xin về…

Trên cơ sở đúc rút từ thực tiễn, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; về quy trình 5 bước đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; về luân chuyển cán bộ; về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản... Việc tuyển chọn, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ... cũng được quy định chặt chẽ, đồng bộ, có nhiều đổi mới, cải tiến nhằm hạn chế các sơ hở, tiêu cực.

- Thưa Tổng Bí thư, có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sẽ làm "chùn", làm "chậm" sự phát triển. Ông nghĩ sao về việc này?

- Thực tế đã cho câu trả lời. Những kết quả đạt được về kinh tế, văn hoá, xã hội, về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã làm nên những thành tựu quan trọng, đáng tự hào trong năm qua. Không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước.

Lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 30 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới...

Năm vừa qua cũng đã ghi nhận những thành công nổi bật trong công tác đối ngoại, với việc đăng cai tổ chức rất thành công Năm APEC - 2017, tiến hành 18 chuyến thăm cấp cao đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ, thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam... Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng đã xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Hai nhiệm vụ này luôn song hành, bổ trợ cho nhau. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Và đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, chứ không phải ngược lại.

- Tổng Bí thư từng nhấn mạnh phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo đó, chúng ta cần tập trung vào những nội dung cốt yếu nào?

- Chúng ta phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; không vì sức ép tăng trưởng mà coi nhẹ việc giải quyết những vấn đề có tính nền tảng, lâu dài; không vì chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng tăng trưởng.

Cùng với phát triển kinh tế, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chúng ta cũng cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Theo Xuân Hoa (VnExpress.net)