Xã hội

Tôi bị hội viên 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo như thế nào?

Lần đầu tôi gặp hội viên “Hội Thánh Đức Chúa Trời” là ở sân Nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM). Lúc đó, tôi đang gặm bánh mì sau khi đi hội chợ Hello Weekend.

Tôi bị hội viên 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo như thế nào?
Một buổi sinh hoạt của "Hội Thánh Đức Chúa Trời" - Ảnh: VOV

Tôi đang ngồi chơi, đột nhiên hai người phụ nữ tiến gần. Một chị rất đẹp nói chuyện với tôi, còn người còn lại tiếp cận đối tượng khác. Tôi ít khi nói chuyện với người lạ, nhưng chị gái trò chuyện có ngoại hình rất sắc sảo. Tôi còn nhớ chị cao, vóc dáng thanh mảnh.

Chị hỏi tôi có biết mẹ Gierusalem đã sáng thế chưa. Tôi nói tôi là người Công giáo, và tôi chưa từng nghe việc này. Thế là chị bắt đầu thuyết giảng, nói rằng: "Đây là hồng ân", "Mẹ mang sứ mệnh thế gian xuống"…

Tôi nói đến giờ bạn đến rước và buộc phải về. Chị giữ lại, kêu cho chị xin thêm thời gian được không. Chị xin số điện thoại của tôi và nhá số qua. Không hiểu sao lúc đó tôi lại cho số điện thoại.

Khi ra đến trạm xe buýt, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, chỉ muốn ngất lịm trên xe. Sau đó vài hôm, đột nhiên có số lạ liên lạc, xác nhận lại tên tôi và hẹn ngày gặp để tiếp tục "truyền đạo".

Khá may mắn, hôm về nhà, tôi kể cho gia đình. Ba mẹ tôi dặn dò người Công giáo không truyền đạo một cách mê tín như thế, đừng tin họ, và tôi đã quyết định nghe không gặp chị ấy.

Lần thứ hai tôi gặp người tương tự là ở cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM). Tôi đang ngồi ăn thì có vài người tới. Rút kinh nghiệm đợt trước, tôi tìm cách từ chối. Tôi thấy sau đó họ đã trò chuyện với những bạn sinh viên ngồi khu vực gần đó.

Lần thứ ba tôi gặp là ở đường sách Nguyễn Văn Bình. Lúc đó, tôi ngồi chơi và có một bạn gái đến. Bạn hỏi: "Bạn là sinh viên phải không?", sau đó chúng tôi trò chuyện cũng lâu.

Bạn hỏi nhiều về sách, về ngành học, cuộc sống ở TP.HCM. Đột nhiên, bạn hỏi tôi đạo gì và bắt đầu rao giảng về mẹ Gierusalem và "Hội Thánh Đức Chúa Trời" làm tôi rất sợ hãi. Tôi cũng nói rõ: "Tôi đạo Công giáo và không tin vào những điều khác". Lập tức, bạn này bắt bẻ: "Việc này rất hệ trọng đến thế giới. Mẹ Gierusalem đã đến và cứu rỗi…". Nghe không lọt, tôi tìm cách thoát thân.

Tôi nhận thấy, Hội này thường đánh mạnh vào những người đi một mình - giống tôi, và thường là phái nữ, vì yếu tâm lý, không vững tin. Đặc biệt, họ còn rất mềm mỏng, hỏi rõ thời gian để "nạn nhân" khó tẩu thoát. Họ thường đi từ một đến nhiều người, liên tục hỏi về thông tin, gia cảnh...

Vào Hội sách TP.HCM gần đây, khi đang đi lựa sách, đột nhiên tôi thấy một bạn nam cứ nhìn trân trân vào mình. Ánh mắt bạn ấy gần như không có hồn, có cảm giác thôi miên. Bạn ấy hỏi tôi: "Em có thể nói chuyện với chị được không?". Quá sợ hãi đa cấp và truyền đạo lừa đảo, tôi nhất quyết nói không.

Hiện nay, một số trang mạng xã hội của các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM đã lên tiếng về "Hội Thánh của Đức Chúa Trời", khuyên sinh viên không nên tham gia.

Tôi bị hội viên 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo như thế nào? - 1

Tôi bị hội viên 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo như thế nào? - 2

Tôi bị hội viên 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo như thế nào? - 3
Thông báo của một số trường đại học và sinh viên về dấu hiệu lợi dụng tôn giáo, trục lợi người nhẹ dạ cả tin

Hội viên "Hội Thánh Đức Chúa Trời" cũng truyền đạo ở khắp nơi từ cửa hàng tiện lợi, Nhà Văn hóa Thanh niên, đường sách… Thậm chí, bạn tôi khi đi chơi trong trung tâm thương mại cũng từng gặp.

5 điều cần nhớ khi gặp người truyền đạo trái phép, lừa đảo

1. Không nên tiếp xúc: Bạn cần nói rõ ràng: "Tôi đang bận", "Tôi có người sắp đến đón"… Sau đó, tìm cách rời ngay khỏi nơi đó.

2. Từ chối cung cấp thông tin: Nếu những người truyền những thông tin khó nghe liên tục làm phiền, bạn có thể từ chối cung cấp thông tin cá nhân hoặc bịa ra tên, tuổi, trường lớp, địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại.

3. Báo hiệu nguy hiểm: Theo một số tài khoản Facebook, nhiều bạn trẻ vì tò mò đã quyết định gia nhập sau khi nghe truyền giáo. Điều này sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng lẫn phiền toái. Nếu suy đoán về nguy hiểm trước mắt, bạn có thể thông báo kể tình hình cho gia đình, bạn bè, các tổ chức đoàn hội trong trường biết.

4. Cân nhắc khi nộp tài chính: Hội viên "Hội Thánh Đức Chúa Trời" thường bắt người tham gia nộp 10% thu nhập như một phần "hội phí". Tuy nhiên, với các đạo khác, tiền bạc như một hình thức quyên góp, tùy lòng hảo tâm. Không ai có thể ép bạn nộp tiền. Vì thế, hãy cân nhắc rõ "phí sinh hoạt".

5. Từ chối bỏ học, bỏ làm đi truyền đạo: Việc truyền đạo như một hình thức tín ngưỡng. Bạn hoàn toàn có thể từ chối.

Theo cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Ban Tôn giáo Chính kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc...

Theo Phương Vy (Tuổi Trẻ)