Xã hội

Tổ y tế đặc biệt đầu tiên giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ ba bác sĩ sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài, Tổ y tế đặc biệt đã được thành lập với 6 thành viên.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa giới thiệu nội dung "50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Theo đó, tháng 5/1967, sau sinh nhật lần thứ 77, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu giảm sút. Vì vậy, Bộ Chính trị họp phiên bất thường do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn chủ trì, bàn việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài thi hài khi Hồ Chủ tịch đi vào cõi vĩnh hằng.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính uỷ Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng, đó là phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, nếu không nhân dân sẽ lo lắng và Bác sẽ phê bình, không đồng ý cho thực hiện chủ trương này. Bên cạnh đó, hội nghị cũng phải chọn ngay một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Bộ Chính trị nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.

Tổ y tế đặc biệt đầu tiên giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 29/8/1975. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện Nghị quyết cùa Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đại diện Chính phủ rời Hà Nội lên đường sang Matxcova đàm phán với Liên Xô. Lúc này, Chính phủ Liên Xô khẳng định sẽ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng.

Sau thoả thuận đó, Ban Tổ chức Trung ương quyết định triệu tập 3 người gồm Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh lý Quân y Viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm khoa Khoa Ngoại Bệnh viện Việt - Xô sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài. Bác sĩ Quyền được chỉ định làm tổ trưởng.

"Sau 7 tháng miệt mài học tập, ba bác sĩ đã nắm vững kiến thức, chuyên môn, được phía bạn đánh giá rất cao và bày tỏ sự khâm phục về tinh thần, thái độ học tập", ông Kiếm nói và cho biết, ngày 7/4/1968, khoá học kết thúc, các bác sĩ trở về nước.

Tháng 6/1968, theo đề nghị của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y Viện 108. Hai bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều được điều động vào quân đội để tham gia Tổ y tế đặc biệt này.

Như vậy, khi thành lập, Tổ có 6 người gồm Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền (tổ trưởng); Đại uý bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; Thượng uý bác sĩ Lê Điều; Thiếu uý bác sĩ Nguyễn Văn Châu; y sĩ Nguyễn Trung Hát, y tá Phạm Ngọc Ảm.

Lúc này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng chỉ thị cho Bộ tư lệnh Công binh xây dựng công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở phía sau Nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng xong vào cuối năm 1968.

Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần; hội trường Ba Đình là nơi quàn thi hài để nhân dân và bè bạn quốc tế tới viếng. Bộ tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ chuẩn bị các công việc cần thiết và thi công công trình này với mật danh 75B.

Ngày 23/8/1969, thấy tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến xấu hơn, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã điện thông báo cho Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô yêu cầu cử Đoàn chuyên gia y tế làm công tác giữ gìn thi hài sang Việt Nam. Năm ngày sau, đoàn chuyên gia Liên Xô gồm 5 người đã đến Hà Nội và kiểm tra ngay công tác chuẩn bị của Việt Nam. Đoàn bày tỏ sự hài lòng về những việc Việt Nam đã làm.

"9h47 ngày 2/9/1969 (tức ngày 21/7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, thi hài Bác được chuyển về Quân y Viện 108 để các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam bắt đầu công việc", ông Kiếm nói.

Từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỷ mỷ, chính xác được thực hiện để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời. Sau gần 3 giờ làm việc liên tục, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam hoàn thành công việc.

Từ trưa hôm đó đến hết ngày 5/9/1969, các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt thay phiên nhau làm việc, đạt kết quả bước đầu, bảo đảm có thể đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tổ chức lễ viếng. 20h ngày 5/9, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về hội trường Ba Đình, đặt nằm trên giường gỗ trải nệm trắng, trong chiếc hòm kính trong suốt. Phía trên là bàn thờ, khói hương trầm nghi ngút; cạnh đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước thay nhau túc trực.

3h sáng ngày 6/9, Ban tổ chức Lễ tang và Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài cùng các chuyên gia y tế Liên Xô, Việt Nam tổng kiểm tra việc chuẩn bị cho ngày đầu tiên viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba giờ sau đó, các thành viên Bộ Chính trị cùng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước có mặt đông đủ quanh linh cữu. Hàng triệu người dân xếp thành hàng, lặng lẽ cúi đầu nhích dần từng bước trên quảng trường để viếng Bác trong cơn mưa tầm tã.

Lễ truy điệu được Đảng, Nhà nước cử hành ngày 9/9/1969 tại quảng trường Ba Đình, sau đó thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về công trình 75A, chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài.

Tổ y tế đặc biệt đầu tiên giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo Anh

Lo ngại chiến tranh leo thang, miền Bắc bị ném bom nên ngoài việc củng cố xây dựng công trình 75A, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị phải tìm chọn vị trí xa Hà Nội để xây dựng một công trình, khi cần thiết sơ tán thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi Hà Nội.

Khu vực K9 với đồi thông yên tĩnh nằm trong khu rừng dài và rộng ở hữu ngạn sông Đà được lựa chọn. Ngày 15/12/1969, công trình K9 hoàn thành vượt mức thời gian quy định 10 ngày và được đổi tên thành K84 (K9 + K75) để giữ bí mật.

23h ngày 23/12/1969, đoàn xe đặc biệt xuất phát từ 75A đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến K84, sau hơn 4 giờ hành quân.

Để quản lý và rèn luyện bộ đội đi vào nề nếp thống nhất, kỷ luật chặt chẽ, ngày 16/2/1970, Đoàn 69 được thành lập trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; đến tháng 5/1970, kỹ thuật cơ bản giữ gìn lâu dài thi hài Bác đã hoàn thành. Ngay sau đó, phái đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô đã sang kiểm tra, đánh giá kết quả công tác giữ gìn thi hài Bác tại Hà Nội.

Hội đồng khoa học liên Chính phủ Liên Xô và Việt Nam được thành lập. Sau hai ngày làm việc, Hội đồng khoa học kết luận: "Qua 8 tháng bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, lại phải di chuyển xa, nhưng thi hài của Người vẫn được bảo tồn rất tốt, phù hợp với hình thể và những nét đặc trưng của cơ thể lúc còn sống. Hội đồng khẳng định thi hài Bác có đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài, khi cần có thể tổ chức cho nhân dân và bè bạn quốc tế tới thăm viếng".

"Thành công trên của các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đó là tiền đề, là cơ sở quyết định cho việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong giai đoạn tiếp theo", tướng Kiếm nói.

Từ Tổ y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay, Việt Nam đã được các chuyên gia Liên Xô đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu, làm chủ được công nghệ gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)