Xã hội

Tiệc liên hoan cuối năm: 'Vui thôi, đừng vui quá'

Dịp cuối năm, ngoài công ty, cơ quan, gia đình... tổ chức tiệc tất niên, các nhóm bạn cũng xem đây là dịp nhậu thả ga để chia tay bạn bè, đồng nghiệp trước khi nghỉ Tết.

Làm thế nào để có những bữa tiệc tất niên vui vẻ nhưng vẫn an toàn sau khi đã sử dụng các thức uống có cồn? Tuổi Trẻ Online lắng nghe chia sẻ của một số bạn trẻ về vấn đề này.

Tiệc liên hoan cuối năm: 'Vui thôi, đừng vui quá'
Sau những buổi tiệc rượu, các bạn trẻ thường đi thêm "tăng 2", "tăng 3" ở các tụ điểm giải trí đến tận khuya. Trong ảnh, những cô gái say xỉn bước ra khỏi một quán bar tại Sài Gòn lúc 2h30 sáng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đặt ra giới hạn cho bản thân

Mặc dù luôn "tâm niệm" không được xỉn sau bất cứ cuộc vui nào nhưng với Nguyễn Tuấn Nam (26 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông tại TP.HCM), cho biết khi đã uống được vài chai bia thì rất khó… kiểm soát bản thân. 

Tiệc tất niên công ty năm ngoái, vì lần đầu ngồi chung bàn với các sếp nên cứ nhấc lên ly nào, Nam lại nốc cạn ly đó. Tiệc tàn, Nam tự mình điều khiển xe máy từ một nhà hàng tại quận Phú Nhuận về đến quận 2, khi gần đến nhà thì đụng xe vào một cô gái đi cùng chiều khiến cả hai ngã nhào xuống đường. "Rất may, cả cô ấy và tôi chỉ bị xây xát nhẹ và có những người đi đường đỡ cả hai dậy. Lúc đó tôi mới biết là mình đã thực sự say" – Nam nói. 

Sau đợt đó, nam nhân viên này đều đưa ra một nguyên tắc là với những cuộc nhậu lường trước được sẽ khó kiểm soát bản thân, Nam đều đi xe ôm đến quán và bắt xe ôm trở về sau khi tàn cuộc. "Tôi luôn tự dặn mình là nếu chạy xe máy về nhà khi đã uống nhiều rượu bia không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà còn có nguy cơ gây họa cho người khác nên cách tốt nhất là thà tốn thêm vài chục ngàn tiền xe ôm nhưng mình yên tâm" - Nam nói.

Còn với Hoàng Hữu Tuấn (25 tuổi, nhân viên marketing của một công ty địa ốc tại quận 6, TP.HCM), việc không để say xỉn trước những buổi tiệc cuối năm cũng là cách thể hiện bản lĩnh của mình. 

Theo Tuấn, trong những cuộc vui này, bạn bè thường "gài độ" để ép mọi người đọ "đô" trên bàn tiệc. Do đó, bản thân Tuấn cũng phải "cứng" để khước từ những lúc đồng nghiệp ép uống quá nhiều. 

"Tôi luôn đặt ra một ngưỡng giới hạn khi uống các thức uống có cồn là vui thôi đừng vui quá, tức là không để bản thân say xỉn hoặc không kiểm soát được hành vi của mình. Khi đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra vì đó không phải là tôi lúc tỉnh táo nữa rồi" - Tuấn bộc bạch.

Tiệc liên hoan cuối năm: 'Vui thôi, đừng vui quá' - 1
Mất kiểm soát bản thân do lạm dụng rượu bia sẽ mang đến những hệ lụy khôn lường. Trong ảnh, một cô gái say xỉn được bạn trai bồng lên taxi đưa về sau một đêm sử dụng thức uống có cồn tại một tụ điểm giái trí ở Sài Gòn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều cách để về nhà an toàn

Để tổ chức buổi tiệc tất niên cho toàn thể nhân viên của mình, một công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã ra một thông báo nội bộ "dặn dò" nhân viên trong chuyện đi lại. 

Trong đó, công ty này đề nghị nhân viên sử dụng các phương tiện công cộng như taxi, xe buýt để đến và về sau bữa tiệc. Các chi phí đi lại trong buổi tiệc này sẽ được công ty thanh toán theo hóa đơn thực tế. Lý do được công ty này tế nhị đưa ra là có sử dụng những thức uống có cồn.

Theo anh Trần Nam Thắng (nhân viên của công ty này), đây là một thông báo rất tâm lý bởi công ty đã quan tâm đến sự an toàn của nhân viên. 

"Thường các buổi tiệc tất niên nhân viên các bộ phận của cả công ty hội ngộ nên ai cũng vui, cũng muốn cụng ly với nhau, vì thế công ty khuyến khích nhân viên đi phương tiện công cộng lại thanh toán luôn chi phí đi lại thì ai cũng yên tâm, ngay cả người thân ở nhà cũng bớt lo hơn khi mình tự điều khiển xe đi" -  anh Thắng kể.

Tiệc liên hoan cuối năm: 'Vui thôi, đừng vui quá' - 2
Biết kiểm soát bản thân là cách mà các bạn trẻ bảo vệ chính mình trước những cuộc nhậu để tránh những hệ lụy đáng tiếc từ việc lạm dụng rượu bia - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Còn với Mai Thành Lộc (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM), trước những buổi tiệc, liên hoan như dịp tất niên này, Lộc lại chọn cách di chuyển bằng các loại xe ôm, taxi công nghệ. 

Theo Lộc, trước đây sau mỗi cuộc nhậu, mọi người thường tự chạy xe máy về nhà. Nhưng từ ngày có các loại xe ôm, taxi công nghệ thì Lộc lại chọn đặt các loại xe này để đi về, vừa an toàn lại không tốn nhiều chi phí di chuyển. 

"Năm nào giáp Tết, cảnh sát giao thông cũng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, dù uống vài chai cũng dễ bị vượt quá nồng độ cồn cho phép nên phương án an toàn nhất mà tôi và bạn bè thường lựa chọn là tuyệt đối không chạy xe khi đã uống bia rượu, cứ ra đặt xe ôm công nghệ đi về nhà" - Lộc nói.

Theo Ngọc Hiển (Tuổi Trẻ)