Xã hội

Thực hư cô gái tung tin 800 con lợn dịch bị đào xẻ thịt bán

Thông tin kèm hình ảnh lợn chết nằm la liệt được cô gái đăng trên Facebook cá nhân khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Chiều 24/3, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết, trên địa bàn không xuất hiện ổ lợn dịch nào như thông tin mà 1 người  đăng tải trên Facebook.

Thực hư cô gái tung tin 800 con lợn dịch bị đào xẻ thịt bán
Thông tin thất thiệt về ổ dịch lợn ở Đắk Nông trên trang Facebook cá nhân của T.T.H

Theo vị này, thông tin trên Facebook cá nhân không đúng sự thật, dễ gây hiểu nhầm và ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi của địa phương cũng như khu vực Tây Nguyên.

Trưa cùng ngày, tài khoản Facebook T.T.H đăng tải nội dung thông tin: “Cảnh báo Gia Nghĩa mình khi mua thịt lợn nha. Người quen làm bên kiểm dịch mới bắt ổ dịch ở Đăkmin hơn 800 con chôn rồi mà bọn gian thương đào lên mổ xẻ để bán đấy.

Lâu nay ai báo chia sẻ dịch sán lợn là bọn phản động hại dân nuôi lợn thì xem lại nha. Không phải cứ cầm miếng thịt tươi trên tay là an toàn đâu, hãy hết sức cẩn trọng trong mùa dịch này.

Rất thông cảm cho nhà nuôi lợn sạch, nhưng đã ra tới chợ chẳng ai dám chắc miếng nào là của con lợn khỏe cả.

Thật khủng khiếp, chết dịch còn đào lên nhập bán cho người dân.”

Kèm thông tin, chủ Facebook còn đăng hình ảnh lợn chết nằm la liệt từ ngoài sân vào trong nhà nghi của một hộ dân chăn nuôi.

Ngay khi thông tin đăng tải, nhiều người vào chia sẻ, bình luận tỏ ra hoang mang, nghi ngờ về thông tin.

Thực hư cô gái tung tin 800 con lợn dịch bị đào xẻ thịt bán - 1
Chủ Facebook đã gỡ bài viết và đăng thông tin đính chính 

Liên lạc với chủ Facebook T.T.H, người này xác nhận chính mình đăng thông tin dịch lợn ở Đắk Mil. Theo T.T.H, những hình ảnh, thông tin trên được một người bạn chia sẻ, gửi qua Zalo cho H.

Sau đó, H. đã đăng lên Facebook cá nhân nhằm mục đích cảnh báo cho người dân về dịch lợn để đề phòng.

Tuy nhiên, khi thấy có nhiều thông tin trái chiều và có người gọi điện hỏi thăm thực hư nên H. đã gỡ bài viết.

Đến chiều tối cùng ngày, H. đã đăng thông tin đính chính, rằng ở Đắk Nông chưa có ổ dịch lợn nào.

Một lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Đắk Nông cho biết, sẽ kiểm tra tính xác thực của thông tin mà chủ Facebook T.T.H đăng tải.

Trước đó, một phụ nữ ở Lâm Đồng tung tin dịch sán heo trên Facebook cá nhân đã bị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh này xử phạt 10 triệu đồng, buộc đính chính xin lỗi.

Theo Trùng Dương (VietNamNet)