Xã hội

Thực hư chuyện tượng Phật không đầu màu nhiệm ở Quảng Nam

Theo lời đồn đại, trong ngôi miếu ở bãi đất ven sông Thu Bồn thuộc xóm Bàu Ca, thôn An Hà, xã Điện Phong, có một bức tượng Phật không đầu. Tượng là do một ông lão đánh cá trên khúc sông gần xóm Bàu Ca trong lúc kéo lưới đã mắc vào.

Theo lời đồn đại, trong ngôi miếu ở bãi đất ven sông Thu Bồn thuộc xóm Bàu Ca, thôn An Hà, xã Điện Phong, có một bức tượng Phật không đầu. Tượng là do một ông lão đánh cá trên khúc sông gần xóm Bàu Ca trong lúc kéo lưới đã mắc vào.

Tin đồn về tượng Phật không đầu

Theo lời đồn đại, trong ngôi miếu ở bãi đất ven sông Thu Bồn thuộc xóm Bàu Ca, thôn An Hà, xã Điện Phong, có một bức tượng Phật không đầu. Tượng là do một ông lão đánh cá trên khúc sông gần xóm Bàu Ca trong lúc kéo lưới đã mắc vào. Chuyện huyễn hoặc rằng, khi kéo lưới lên thấy bức tượng hỏng, ông lão nghĩ, chắc ngôi chùa nào đó bỏ đi nên gỡ ra thả lại xuống sông. Lạ kỳ thay, những mẻ lưới tiếp theo, bức tượng Phật vẫn mắc vào. Đến lần thứ tư, ông lão bèn đưa bức tượng vào bờ và đặt trên một bãi đất trống…

Rồi chừng 1 năm sau, khi đánh cá trên khúc sông cũ, ông lão lại vớt được chiếc đầu của tượng Phật nên đã đem để bên bức tượng hỏng đã vớt trước đó. Về sau, nghe tin nên người dân địa phương lập miếu đưa bức tượng Phật vào, gắn lại chiếc đầu tượng và ngày đêm thắp hương thờ cúng. Và, từ ngày dựng miếu thờ tượng Phật, trong thôn, trong xã bỗng xảy ra những chuyện lạ kỳ. Đầu tiên, một người phụ nữ trong thôn bị bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân.
 

Bức tượng Phật được kẻ xấu tô vẽ nhuốm màu kỳ bí để tung tin đồn nhảm.

Do không có điều kiện nên người phụ nữ này không đến thầy thuốc thăm khám sức khỏe mà đến miếu thắp hương khấn vái Phật thì tối đó bệnh đau đầu bỗng nhiên khỏi hẳn. Tin đồn lan ra, nhiều người trong thôn bị bệnh cũng đưa nhau đến miếu Phật thắp hương khấn vái. Không chỉ riêng bệnh thông thường, những bệnh nan y như xơ gan cổ trướng, phong, lao… cũng được tai qua nạn khỏi.

Không chỉ riêng người bị bệnh, những ai muốn đi đường xa bình an, buôn bán xuôi chèo mát mái chỉ cần đến khấn vái với lòng thành sẽ được toại nguyện… Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm thổi lên thành ngàn, thành triệu và người dân tứ xứ ùn ùn kéo về Bàu Ca nghi ngút khói hương cúng bái tượng Phật. Nhưng, sự thật có như tin đồn?...

Chuyện hoang đường, nhảm nhí

Từ quốc lộ 1A, chúng tôi qua cầu Gò Nổi khoảng 1 cây số, rồi đi theo con đường bê tông ra phía bờ sông Thu Bồn hơn 1 cây số nữa thì đến miếu ông Phật. Ngôi miếu tọa lạc giữa một cánh đồng bãi bồi, hướng mặt ra phía bờ sông. Bên trong miếu có đặt một bức tượng Phật ở tư thế tọa thiền trên tòa sen.

Ngay phía trước cửa miếu là một cây bồ đề cổ thụ, gốc to đến độ 3 người ôm không xuể. Phía trước nữa là một bức bình phong rộng hơn 3m, giữa có kệ đặt 3 bát hương. Thấy chúng tôi, ông Đỗ Xuân Thủy, ở thôn An Hà, đang làm đồng gần đó, bước đến hỏi chuyện. Khi nghe về tin đồn, ông Thủy cười bảo: "Đồn nhảm mà nghe chi!".

Theo ông Thủy, bức tượng Phật không đầu do một người đánh cá vớt lên từ dưới sông Thu Bồn là đúng. Nhưng, sau đó dân làng Bàu Ca đắp thêm đầu cho tượng, chứ không có chuyện lão ngư vớt thêm đầu như lời đồn đại.

Khi phát hiện bức tượng, người dân Bàu Ca đã lập miếu thờ. "Tượng mới vớt được cách đây vài ba chục năm chứ không xa xưa chi đâu. Ban đầu miếu chỉ làm bằng tre nứa, lợp tôn, về sau được xây bằng gạch, vôi, lợp ngói. Trải qua thời gian, bờ sông bị sạt lở, bom đạn tàn phá, miếu thờ tượng Phật được dời dần vào phía trong khu dân cư, được xây rộng và kiên cố hơn", ông Thủy giải thích.

Hỏi tìm người đắp đầu cho tượng Phật, mới biết đó là ông Trần Khuây (56 tuổi, ở thôn An Hà, xã Điện Phong). Ông Khuây cho hay, những năm trước ngày giải phóng 1975, do bom đạn chiến tranh ác liệt nên dân xóm Bàu Ca di cư đi nơi khác sinh sống. Đất nước thống nhất mọi người mới trở về. Lúc này, ngôi miếu thờ tượng Phật cũng bị đổ nát do bom đạn và tượng cũng bị hỏng.

Tới năm 1979, thấy tượng Phật khuyết đầu, ông Khuây bỗng nảy sinh ý tưởng đắp đầu cho tượng. Vào thời gian này, địa phương chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, đập phá miếu, am thờ nên việc ông đắp đầu cho tượng diễn ra lặng lẽ, ít người biết đến. Lúc đó, xi-măng lại không được bán rộng rãi nên ông tận dụng xi-măng thừa trong quá trình làm công nhân xây thủy lợi Phú Ninh mang về đắp đầu tượng. Bức tượng Phật có đầu từ đó…
 

Miếu ông Phật ở xóm Bàu Ca.

Mãi cách đây chừng 15 năm, bỗng rộ lên tin đồn tượng Phật hiển linh "cho thuốc" chữa bệnh; ban phúc đức, tài lộc nên người trong Nam, ngoài Bắc kéo về. Những người đến dâng lễ đều đóng tiền hương khói nên dân xóm Bàu Ca dùng số tiền này để xây miếu kiên cố như bây giờ. Bức tượng cũng được tu sửa, đắp thêm cho cao lớn hơn, quét sơn màu trông đẹp mắt hơn.

Càng ngày người đến chiêm bái càng tăng nên dân làng phải xây thêm bức bình phong và bố trí bát hương ở đó để đáp ứng nhu cầu. Khi bờ sông bị sạt lở nặng, chính quyền địa phương phải di dời toàn bộ dân xóm Bàu Ca vào khu định cư mới. Tuy đã di chuyển chỗ ở nhưng hằng ngày người dân Bàu Ca vẫn về vườn cũ canh tác và hương khói cho miếu ông Phật.

Ông Võ Văn Hà, Trưởng thôn An Hà xác nhận, từ khi rộ tin đồn nhảm, nhiều người kéo đến dâng lễ tượng Phật "xin thuốc" rất đông, hằng ngày có đến vài trăm người. Hiện tượng này kéo dài gần cả năm trời, giai đoạn cao điểm có cả ngàn người, chen chúc nhau như đi trẩy hội, ảnh hưởng xấu đến ANTT địa phương.

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng tội phạm phát sinh. Song song với việc lập hàng rào ngăn các lối đi vào miếu, huy động lực lượng túc trực tuần tra; xã còn vận động người dân không nên nghe tin đồn nhảm, mê tín dị đoan. Nhờ đó, ANTT mới dần được vãn hồi…

Tuy nhiên, gần đây cũng có một số người lén lút đến miếu thờ tượng Phật để "xin thuốc" chữa bệnh, xin tài, lộc… "Việc thờ cúng là quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Nhưng, tin vào việc tượng Phật có thể cho thuốc chữa bệnh, ban phát lộc tài là không có cơ sở khoa học và hoang đường, dị đoan", ông Hà nói.

Cùng chung quan điểm với ông Hà, ông Lương Thành (55 tuổi) và người dân thôn An Hà, xã Điện Phong đều nói thẳng, họ không bao giờ tin vào chuyện tượng Phật có thể cho thuốc chữa được bệnh, nhất là những bệnh nan y.

"Biết là có bệnh thì vái tứ phương. Nhưng, theo tui cũng như tất cả người dân thôn An Hà này, khi có bệnh thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tin vào lời đồn đại nhảm nhí thì chỉ tiền mất, tật mang, lại chuốc họa vào thân…", khẳng định điều đó và ông Thành còn cho biết thêm, hằng năm vào ngày 20/2 âm lịch, người làng Bàu Ca tổ chức cúng tại miếu ông Phật, theo quan niệm "cúng xóm" trong tín ngưỡng dân gian xứ Quảng mà thôi...
 
Theo Sông Hoài (Cảnh Sát Toàn Cầu)