Xã hội

Thực hư chuyện nhóm phụ nữ người dân tộc dùng bùa mê cướp tài sản

Nhóm người phụ nữ ăn mặc theo kiểu người dân tộc, nói tiếng Kinh lơ lớ đi bộ khắp mọi nơi, gặp ai đi một mình thì nhào tới hỏi đường.

Nhóm người phụ nữ ăn mặc theo kiểu người dân tộc, nói tiếng Kinh lơ lớ đi bộ khắp mọi nơi, gặp ai đi một mình thì nhào tới hỏi đường.

Nhóm người dân tộc thôi miên cướp tài sản?

Gần nửa tháng qua, người dân nhiều tại các địa phương ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng liên tục chia sẻ những câu chuyện về tình trạng bị thôi miên cướp tài sản. Các câu chuyện được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook khiến nhiều người vô cùng lo lắng. Theo những câu chuyện trên, nhóm người gây ra các vụ gây mê, thôi miên để cướp tài sản là những phụ nữ người dân tộc.

Chị Dương Thị Minh (trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là chủ một tiệm thuốc Tây, cho biết trưa ngày 6/9 có 4 người phụ nữ ăn mặc giống người dân tộc đi vào tiệm. Ban đầu, họ hỏi mua thuốc nhức đầu nhưng khi chị Minh đưa thuốc ra thì họ không mua nữa. Sau đó, nhưng người này quay ngược lại giới thiệu những bịch thuốc đựng trong túi ni lông lấy ra từ giỏ xách.

“Họ có da ngăm đen, đậm người, giọng lơ lớ. Họ nói chuyện, hỏi han liên tục khiến tôi bị rối trí không trả lời kịp. Mấy người đó còn lôi gói thuốc ra, tôi chẳng biết là thuốc gì. Họ nói đó là thuốc bồi bổ sức khỏe của người Chăm, uống vào rất tốt.

Tôi không đề phòng nên cầm gói thuốc họ đưa để coi thử thì không còn kiểm soát được mình. Sau khi tỉnh lại, họ đã đi đâu mất, tôi kiểm tra lại quầy thì cửa vẫn khóa kín bên trong. Vậy nhưng thùng tiền bị mất hết và nhiều thuốc đắt tiền, cả mấy bịch thuốc thực phẩm chức năng. Tôi nghĩ mình bị thôi miên rồi tự động làm theo yêu cầu của họ”, chị Minh thuật lại.
 

Một người dân tộc Chăm đang hỏi đường trên phố Đà Nẵng


Cũng trong ngày 6/9, Công an huyện Duy Xuyên cũng nhận được nhiều vụ trình báo của người dân việc bị thôi miên, cướp tài sản. Tuy nhiên, tất cả nạn nhân đều không nhớ rõ bị kẻ xấu hại bằng cách thức như thế nào.

Trước đó từ cuối tháng 8/2015, trên một diễn đàn mạng xã hội Facebook của TP Đà Nẵng cũng liên tục được đăng tải những câu chuyện tương tự. Thành viên diễn đàn, chị Le Dung Nguyen kể lại, trưa ngày 27/8 khi đang ở văn phòng cơ quan một mình tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) thì thấy một nhóm 3 người phụ nữ mặc áo quần dân tộc xuất hiện. Họ có nước da ngăm đen, nói giọng Kinh lơ lớ và đeo trên lưng mỗi người một bao tải khá to.

“Thấy tôi ở một mình, họ ập vào cả ba người rồi hỏi đường về bến xe trung tâm. Tôi không chút đề phòng nên nhiệt tình chỉ đường cho họ. Ít phút sau họ lại nói nhìn tôi da hơi xanh, họ có bán thuốc để bồi bổ. Tôi xua tay không mua thì bị một người trong nhóm cầm tay lại. Sau đó tôi không còn biết gì nữa, lúc sực tỉnh lại thì họ đã đi rồi. Tất cả hơn 3 triệu trong ví của tôi đã không cánh mà bay nhưng rất may tiền bạc của công ty ở tầng trên vẫn còn nguyên”, chị Le Dung Nguyen chia sẻ trên trang cá nhân.

Cũng với câu chuyện tương tự nhưng Facebook Hoang Linh lại may mắn không bị bùa mê thôi miên nên không gặp thiệt hại. Theo lời kể của trên Facebook chị Hoang Linh, vào trưa ngày 4/9 có một nhóm 4 người phụ nữ như miêu tả ở trên đến ngồi nghỉ trong quán café của gia đình.

Do quán buổi trưa không có khách nên chỉ có một mình chị Hoang Linh trông giữ. Thấy vậy, nhóm người này đi đến quầy nói chuyện và khuyên chị Linh nên mua thuốc Nam của họ để bồi bổ sức khỏe.

“Ban đầu, họ nói một thang thuốc Nam có giá 600.000 đồng. Họ quảng cáo thuốc uống vào giúp ăn tốt, ngủ ngon, da dẻ hồng hào mát mẻ và không có mụn. Do có đọc mấy câu chuyện về họ trên Facebook nên tôi cảnh giác không để họ chạm vào người mình và từ chối mua thuốc. Sau đó họ giảm giá xuống còn 400.000 đồng, rồi chỉ còn 50.000 đồng nhưng tôi vẫn nhất quyết không mua. Khi đó tôi rất hoảng sợ vì họ cứ sấn đến gần mình, còn tôi thì cứ đi lùi lại. May mắn là lúc đó có anh chở nước ngọt giao hàng đến nên tôi mới thoát nạn”, chị Linh kể trên Facebook.
 
Theo chị Linh, khi có người chở nước ngọt đến, chị đã cố gắng la lớn rằng hãy vào bên trong mang vỏ chai ra ngoài. Chị Linh cho biết không dám nói thẳng bị 4 người phụ nữ đe dọa vì sợ họ có dao sẽ hành động liều lĩnh. Người giao hàng dù không rõ vấn đề nhưng cũng đi vào quán. Thấy có người, 4 phụ nữ dân tộc tản ra rồi nhanh chóng rời khỏi quán. “Đến bây giờ nghĩ lại mình vẫn thấy run sợ. Nếu lúc đó không có người xuất hiện kịp thời thì mình cũng không dám nghĩ đến hậu quả sẽ xảy ra cho mình nữa”, chị Linh tâm sự.
 

Nhóm phụ nữ Chăm đi bộ trên đường để bán thuốc


Nhiều người dùng Facebook khác ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ câu chuyện, hình ảnh của về nhóm người phụ nữ dân tộc trên mạng xã hội. Theo những câu chuyện được kể lại thì điểm chung của nhóm người phụ nữ được cho là có bùa mê này chỉ xuất hiện vào đầu giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều. Họ thường đi theo nhóm và tấn công mục tiêu là phụ nữ chỉ có một mình. Họ đi bộ khắp thành phố, vào tận những kiệt, hẻm sâu. Hành tung của họ cũng liên tục di chuyển giữa các địa phương khác nhau.
 
Lo sợ cho sự an toàn của cộng đồng, nhiều người kêu gọi nhau đề phòng khi thấy nhóm người phụ nữ dân tộc xuất hiện. “Bây giờ ra đường không biết tin ai được. Thấy nhóm người này thì mau khóa cổng, tránh xa thôi mọi người ơi, không lại rước họa vào thân”, một người dùng Facebook viết.
 
Chỉ bán thuốc, xem bói
 
Những câu chuyện về nhóm người phụ nữ dân tộc có bùa mê, thôi miên để cướp tài sản khiến nhiều người lo sợ. Tuy nhiên, tất cả những người bị hại đều cho rằng do thiệt hại kinh tế không quá lớn nên không trình báo sự việc lên cơ quan công an. Vậy, sự thật là có hay không nhóm người dùng bùa mê để cướp tài sản hay đó chỉ là những câu chuyện đồn nhảm?
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân sống tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), các quận Hải Châu, Thanh Khê, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đều xác nhận thời gian gần đây có một nhóm phụ nữ thường xuyên đi bộ tại địa phương. “Họ là người dân tộc Chăm, quê ở Ninh Thuận. Họ đi từ trong đó ra đây để bán thuốc nam là từ cây lá bí truyền của người Chăm để kiếm sống. Mấy người đàn bà này cũng có coi chỉ tay để đoán vận mạng theo cách của người Chăm. Tôi thấy họ đi bộ cực nên có mời vô nhà uống nước, mua thuốc và nhờ họ coi chỉ tay. Tôi thấy chẳng có thôi miên hay trộm cắp chi cả”, bà Lê Thị Thu, trú xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, khẳng định.
 
“Họ đi bộ mỗi ngày mấy chục cây số để bán thuốc thôi. Mấy cây thuốc dân gian trị đau lưng, nhức mỏi họ phơi khô rồi mang bán. Tôi thấy chẳng có thuốc mê hay thôi miên chi cả. Thấy họ đi bộ tội nghiệp quá nên tôi mua của họ 20 thang, mỗi thang thuốc 10.000 đồng. Tôi trả tiền xong là họ đi liền chứ không thấy chi bất thường cả. Có điều họ nói tiếng Kinh của mình chưa sõi lắm nên nhiều khi gặp khó khăn khi nói chuyện”, ông Trương Hồng, trú thị xã Nam Phước, huyện Duy Xuyên, nói.
 
Theo chủ nhà trọ 555 tại thị trấn Nam Phước, nhóm người phụ nữ này có đến thuê phòng trọ trú lại qua hai đêm. “Họ sinh hoạt bình thường nhưng ngủ dậy hơi trễ. Họ trả tiền đàng hoàng và khi trả phòng còn dọn dẹp khá sạch sẽ”, ông chủ trọ cho biết.
 
Về thông tin nêu trên, Công an huyện Duy Xuyên cũng cho biết chưa hề nhận được thông tin trình báo từ người dân liên quan đến việc bị lừa đảo như tin đồn đã nêu. “Nếu có sự việc như vậy xảy ra trên địa bàn thì chính quyền địa phương và công an chúng tôi đã nắm rõ. Hơn nữa theo thông tin ban đầu thì nhóm người này đi bộ, sau khi gây án sẽ khó mà tẩu thoát được. Tôi nghĩ đây là câu chuyện được phao tin đồn nhảm mà thôi”, đại diện Công an huyện Duy Xuyên nói.
 
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng cũng xác nhận thời gian qua có một nhóm phụ nữ là người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đi bán dạo thuốc Nam, rễ cây đinh lăng trên địa bàn. Ngoài việc bán thuốc, họ còn mời người mua xem chỉ tay, bói tướng số.
 
“Từ các thông tin phản ánh trên diễn đàn về TP Đà Nẵng, chúng tôi đã chỉ đạo đến các công an phường, xã tiến hành điều tra, làm rõ thông tin. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa phát hiện hay có ai đến trình báo là nạn nhân của nhóm người này. Mặc dù vậy, do những loại thuốc họ bán không rõ nguồn gốc nên người dân cần thận trọng. Đặc biệt, không nên chia sẻ những thông tin trên cộng đồng mạng, tạo dư luận xấu, gây hoang mang cho xã hội”.
 
>> Sự thật về những trò bỏ bùa, chuốc ngải lan truyền trên mạng
 
Theo Hoàng Long (Phụ Nữ TPHCM)