Xã hội

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm

Phát biểu trong phiên họp hôm nay, Thủ tướng nói Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm.

18h40: BOT Cai Lậy: Giữ nguyên trạm, giảm thu phí là "ưu việt"

Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc xử lý trạm BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án và phân tích ưu, nhược điểm cụ thể; đồng thời lượng hoá, quy đổi giá trị mỗi phương án thành thời gian thu phí bao nhiêu lâu...

Theo kết luận tại cuộc họp ngày 23/4, Thủ tướng đánh giá cao các phương án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của Bộ Giao thông, giao Bộ này chủ trì cùng tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch để quyết định chọn một trong hai phương án Bộ kiến nghị thực hiện.

Cụ thể, phương án một là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con. "Đây là phương án ít xáo trộn tới tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy và ít gây ô nhiễm môi trường...", ông Đông đánh giá. 

Phương án hai, đặt thêm trạm nữa trong tuyến tránh và thu phí cả 2 trạm; khi hoàn vốn trạm ở Quốc lộ 1 thì dỡ và khi hoàn vốn tại trạm tuyến tránh sẽ dỡ bỏ cả hai. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì chi phí thu tăng lên, kéo dài thời gian thu phí, ảnh hưởng tới người dân. 

"So sánh 2 phương án thì phương án một là ưu việt nhất. Bộ tiếp tục triển khai bằng cách phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang về thời điểm tổ chức thu và làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, Bộ sẽ thông báo rộng rãi", ông nói. 

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm
Tài xế dùng tiền xu để trả phí qua trạm BOT Cai Lậy hồi cuối năm 2017. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Trạm hoạt động từ ngày 1/8/2017, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm nhiều lần. Bốn tháng sau, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông Vận tải trình phương án giải quyết.

18h30: Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc là bản đồ cũ năm 1996

Tại cuộc họp báo, VnExpress nêu vấn đề thất lạc bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm và đề nghị Chính phủ cho ý kiến. "Việc thất lạc giấy tờ quan trọng từng xảy ra ở Bộ Nội vụ, cụ thể là hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Vậy những trường hợp như vậy thì xử lý ra sao?".

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 1
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2011, thuộc Đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: BQL KĐT Thủ Thiêm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, theo quy trình triển khai quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm triển khai theo hai bước là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung là bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết là bản đồ 1/2.000, sau đó cụ thể hoá và phân giới cắm mốc trên thực địa. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước. 

"Đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh hai lần, lần đầu tiên là quy hoạch chung năm 1996 và lần thứ hai là điều chỉnh quy hoạch năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ", ông Hùng cho hay.

Theo Thứ trưởng Xây dựng, hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là thực hiện trên quy hoạch được phê duyệt năm 2005. Tất cả bản đồ, căn cứ pháp lý từ 2005 như quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới hiện vẫn có đầy đủ, và việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này. 

"Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005", ông Hùng khẳng định.

Đối với việc thất lạc tài liệu, Thứ trưởng Xây dựng nói ảnh hưởng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, liên quan đến triển khai chi tiết của quy hoạch trước ra sao, tất cả sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam thông tin thêm, cơ quan thanh tra sẽ phối hợp với TP HCM kiểm tra vấn đề trên; khi có kết quả cụ thể sẽ thông báo.

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 2
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời báo chí. Ảnh: Võ Hải

Trước đó tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết không tìm thấy bản đồ quy hoạch chi tiết 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm. Việc này thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến.

Ngày 3/5, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho biết, đơn vị là nơi quản lý dữ liệu quy hoạch của thành phố, nhưng từ đó đến nay chưa từng thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm kèm Quyết định 367 có con dấu phê duyệt của Chính phủ.

"Quyết định ký ngày 4/6/1996 của Thủ tướng về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có dòng nào nói tới bản đồ 1/5.000, nội dung cũng không hề nhắc tới bản đồ nào đính kèm", đại diện Sở QHKT nói và cho biết quyết định này của Thủ tướng căn cứ vào Nghị định 91 ngày 17/8/1994.

Khoảng năm 2008, khi xảy ra hàng loạt khiếu nại liên quan đến đất đai ở Thủ Thiêm, một số người dân đề nghị được xem bản đồ quy hoạch 1/5.000, Sở QHKT cũng kiểm tra lại tất cả hồ sơ lưu trữ nhưng không hề thấy có bản đồ này.

18h25: Vụ 400 khách hàng Agribank mất tiền: Mới có 8 khách hàng được bồi hoàn

Liên quan tới vụ 400 khách hàng Agribank bị mất tiền thẻ ATM trong đêm, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay sau khi khách hành phản ánh, ngân hàng Agribank đã chủ động rà soát những thẻ trong phạm vi và thời gian thẻ bị mất, thực hiện khoá 53 thẻ. Báo cáo mới nhất của Agribank, có 12 khách hàng mất tiền.  "Tới hôm nay ngân hàng đã trả tiền cho 8 khách hàng, 4 khách hàng còn lại ngân hàng đang tiếp tục tra soát để sớm trả tiền cho chủ thẻ", bà Hồng cho biết. 

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc khẳng định, cơ quan này đã ban hành văn bản quy định liên quan tới sử dụng thẻ, quy trình xử lý mất thẻ, lộ thông tin... và yêu cầu các ngân hàng tuân thủ nghiêm ngặt. "Trong chỉ đạo điều hành hàng năm, Thống đốc luôn lưu ý đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán thẻ", bà nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, khi có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng yêu cầu các ngân hàng chủ động kết hợp với khách hàng sớm giải quyết, xử lý đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Về tỷ lệ rủi ro trong thanh toán thẻ của Việt Nam so với các nước, bà Hồng cho hay, các nước trên thế giới cũng có rủi ro khi thanh toán thẻ. Số liệu tháng 9/2016 của Visa, tỷ lệ rủi ro trong thanh toán thẻ của Việt Nam bằng 1/3 tỷ lệ mức trung bình các nước trong khu vực, thế giới. 

Từ 19h30 ngày 25/4, nhiều nhân viên của một đơn vị truyền thông tại Hà Nội nhận được tin nhắn trừ tiền trong tài khoản dù không giao dịch, thậm chí đã khóa thẻ. Cuối ngày 26/4, Agribank thừa nhận nguyên nhân bị rút trộm tiền là thẻ của khách hàng đã bị đánh cắp thông tin dữ liệu tại ATM trong quá trình sử dụng.

18h20: Cân nhắc kỹ việc 'bỏ bán xăng RON 95, chỉ bán xăng sinh học'

Trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất khai tử xăng khoáng RON 95, chỉ bán xăng sinh học trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, đây là đề xuất mới được đưa ra của SaiGon Petro tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. 

Theo đó, Saigon Petro đề xuất, ngoài xăng E5 RON92 thì chỉ bán E5 RON 95 (95% RON95 và 5% ethanol".

Tuy nhiên, ông Hải khẳng định, đề xuất này từ phía doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý xem xét kỹ và tổng hợp báo cáo Chính phủ. Bởi hiện nay chỉ duy nhất Công ty TNHH Tùng Lâm là cơ sở cung cấp cồn E100 - nguyên liệu chính dùng pha trộn xăng sinh học E5 RON 92. "Nguồn nguyên liệu có đủ hay không và giá cạnh tranh hay không phải tính toán, cân nhắc kỹ. Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này để trước hết là có lợi cho người nông dân trồng sắn. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sự cạnh tranh, tính thị trường để không làm tăng giá thành của E5 RON 92 và E5 RON 95", ông nói. 

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 3
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Võ Hải

Thứ trưởng Công Thương cho biết, bộ này sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, cạnh tranh trên thị trường của 29 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. 

Cũng theo ông Hải, hai tháng đầu năm theo báo cáo doanh nghiệp đầu mối xăng E5 đạt tỷ lệ tiêu thụ 42% trên tổng lượng xăng tiêu thụ, xăng RON95 là 58% (trước đây là 30%). Từ ngày 23/4 Bộ Công Thương đã đưa mặt hàng RON 95 vào tính giá cơ sở như mặt hàng xăng phổ biến.

18h15: Không có chuyện mất cân đối thu chi quỹ hưu trí

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60, đại diện Bộ Lao động thương binh và xã hội cho biết, nội dung đề xuất này nằm trong đề án tổng thể về cải cách bảo hiểm xã hội và không có chuyện tới năm 2025 mất cân đối thu chi quỹ hưu trí.

Theo đại diện Bộ Lao động, trước đây Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có tính toán và đưa ra mốc 2025 trên, nhưng đó là thời điểm trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong thực tế, Bộ Lao động đã tính toán và nhận thấy quỹ được ổn định và đảm bảo trong thời gian lâu hơn là 2025. "Bộ sẽ tiếp tục tính toán và công bố việc này sau", vị này cho biết.

Ngoài ra, việc đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được Bộ Lao động cân nhắc trên nhiều yếu tố chứ không đơn thuần riêng về cân đối quỹ quỹ, như hiệu quả sử dụng nhân lực, năng suất lao động, bình đẳng giới, việc làm.... 

18h03: Nhiều người tham gia "Hội thánh đức chúa trời" đã vi phạm thuần phong mỹ tục

Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời", Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, vừa qua các cơ quan chức năng đã vào cuộc, Ban tôn giáo Chính phủ có bốn văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Theo ông Thăng, qua phương tiện thông tin đại chúng thì nhiều người khi tham gia vào "Hội thánh Đức Chúa trời" đã vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống dân tộc, ví dụ như chưa đúng trong việc thờ cúng tổ tiên. Những hành vi đó chiếu theo tín ngưỡng tôn giáo cũng bị nghiêm cấm; các vi phạm sẽ được nhà chức trách kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật như vừa qua đã thực hiện ở Thanh Hoá, Thái Nguyên...

Ban tôn giáo Chính phủ phối hợp tích cực với Bộ Công an và các ngành liên quan để tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh bị lôi kéo, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. "Tinh thần chung là chúng ta tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo nhưng chỉ rõ những vi phạm", ông Thăng nói.

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 4
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: Võ Hải

17h40: Chậm trễ trong xử lý vụ 'Hội thánh Đức chúa trời'

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đánh giá về hoạt động văn hoá, xã hội thời gian qua, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, nhất là có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh… 

"Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết, cho thấy sự chậm trễ, bất cập trong lĩnh vực này", ông đề cập.

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 5
Nhóm người liên quan đến "Hội thánh của Đức Chúa Trời" bị nhà chức trách Nghệ An mời làm việc đêm 29/4. Ảnh: P.V

Trước đó, ông Vũ Chiến Thắng - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, thông tin hiện có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở một số tỉnh, thành liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Ông cho biết, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội...

17h36: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu

Chiều 3/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 4/2018 của Chính phủ diễn ra cùng ngày.

Ông cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 đạt 6,8%; lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

"Ổn định tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 6
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Võ Hải

Dẫn lại báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Dũng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 11,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 14%. Nếu tháng 5 tiếp tục khánh thành lò số 2 Formosa sẽ có sản lượng thép 45,5 triệu tấn và lắp ráp điện tử vẫn đà tăng trưởng thì chỉ số công nghiệp sẽ đạt con số ấn tượng. 

Ông Dũng cũng khẳng định Chính phủ và các bộ, ngành không chủ quan bởi đang xuất hiện các yếu tố tác động có thể kiến giá một số mặt hàng thiết yếu tăng. Đơn cử, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang dấu hiệu tăng trở lại; giải ngân vốn đầu tư vẫn thấp do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện… 

​Về gia hạn miễn thị thực, Bộ trưởng Dũng cho hay, Thủ tướng đồng ý tiếp tục miễn visa cho khách quốc tế tới Việt Nam từ các nước khu vực Tây Âu thêm 3 năm. 

17h35: Không để tình trạng ‘trên nóng, dưới nóng, mà ở giữa lạnh'

Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách, Thủ tướng cho rằng, cần mạnh mẽ, toàn diện hơn, đồng thời nêu ví dụ, chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rời thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129).

“Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có báo cáo tôi một địa phương đã lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu: Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.

Theo lãnh đạo Chính phủ, môt tồn tại, thử thách nữa là hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.

“Thanh tra Chính phủ phải chủ trì xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 7
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

17h30: Việc xử lý vụ Vũ "nhôm", Út "trọc" được dư luận quan tâm

Ngày 3/5, Chính phủ họp phiên họp thường kỳ tháng 4/2018. Nhìn lại 1/3 chặng đường đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương; việc tổ chức thành công 4 hội nghị toàn quốc trong tháng 4 bàn triển khai các vấn đề cụ thể, từ phòng chống thiên tai, tháo gỡ khó khăn đầu tư xây dựng, logistics, đến thúc đẩy xuất khẩu. 

"Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các diễn đàn, xúc tiến thương mại đầu tư, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp, cho nên không khí đầu tư làm ăn kinh doanh đồng đều ở khắp mọi miền", ông nói.

Thủ tướng: Việc xử lý các vụ Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc' được dư luận quan tâm - 8
Phiên họp thường kỳ tháng 4/2018 của Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục có xu hướng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 11,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 14%. Du lịch, dịch vụ phát triển mạnh. Lượng khách quốc tế đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng gần 30%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Xuất khẩu 4 tháng đạt gần 74 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Xuất siêu 3,39 tỷ USD.

Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên internet… Chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hành động của Chính phủ, của bộ, ngành được xã hội đánh giá cao, đồng tình. 

Các cơ quan chức năng ở địa phương xử lý một số vụ việc tạo niềm tin cho nhân dân như Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án thuốc ung thư làm từ bột than tre, hay ở Đắk Nông khởi tố vụ vỏ cà phê nhuộm than pin…

Phan Văn Anh Vũ (43 tuổi) hay còn gọi Vũ "nhôm" là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21/12/2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội "Làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 4/1, ông Vũ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore. Mới đây nghi phạm này bị khởi tố thêm tội danh "Trốn thuế" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Út "trọc" là bị can Đinh Ngọc Hệ trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Theo PV (VnExpress.net)