Xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Đừng ra trung ương biếu xén nữa'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở 'các chủ tịch, bí thư địa phương không phải lên trung ương biếu xén nữa, rồi lại phải hợp thức hóa, mua hóa đơn, huy động chỗ này chỗ kia'.

Tiếp tục phiên làm việc của Chính phủ chiều 28-12, sau khi nghe các bộ trưởng, thành viên Chính phủ báo cáo một số chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giải quyết khiếu nại tố cáo…, Thủ tướng đã đề nghị các đại biểu cần thảo luận thẳng thắn.

"Đừng có Tết nhất biếu xén nữa"

Theo Thủ tướng, nói về môi trường đầu tư kinh doanh, chúng ta thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại, ở địa phương này địa phương khác, ngành này ngành khác vẫn chưa thực sự vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Trong năm rồi chúng ta cắt trên 5.000 thủ tục hành chính, trong đó các bộ Công thương, Nông nghiệp, Xây dựng cắt giảm mạnh, sẵn sàng từ bỏ quyền lực quản lý của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Nhưng rừng thủ tục này vẫn còn rất nhiều, vẫn còn phức tạp, cản trở. Cắt thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác, thậm chí có những thủ tục do cấp sở quy định ra" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Đừng ra trung ương biếu xén nữa'
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các địa phương không được ra trung ương biếu xén nữa - Ảnh: CTV

Đề cập đến cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng lưu ý là phải thay đổi về nhận thức. Thế giới đang chuyển động rất mạnh mà cán bộ của chúng ta chưa biết làm thế nào thì tiến triển sao được. 

Ông đề cập đến trường hợp tỉ phú Trung Quốc Jack Ma với công ty Alibaba riêng thương mại điện tử đã hàng nghìn tỉ USD, trong khi chúng ta mỗi người dùng mấy cái điện thoại nhưng chỉ để nghe và gọi.

"Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải bàn bạc, trao đổi về cái này, ví dụ nói về chính quyền thông minh thì HĐND phải có nghị quyết để có mục tiêu, giải pháp cụ thể" - Thủ tướng gợi ý.

Với vấn đề khiếu kiện, Thủ tướng trăn trở trước tình trạng dân nhiều nơi kéo về Hà Nội, TP.HCM nhưng chúng ta không chịu đối thoại, không giải quyết tốt ở cấp dưới.

"Chủ tịch các tỉnh, thành phố, chủ tịch các huyện, xã ở đâu, có chịu đối thoại với dân không, hay cứ đẩy lên Trung ương? Năm nay tôi sẽ thực hiện chủ trương: dân ở địa phương nào ra Hà Nội khiếu kiện đông người thì tôi sẽ mời Chủ tịch tỉnh ra nhận dân về" - Thủ tướng nhấn mạnh.  

Ông nói thêm: "Báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng thì toàn ở đâu chứ địa phương mình, ngành mình không thấy đề cập, không thấy tham nhũng. Người dân nói "trên nóng dưới lạnh" là đề cập đến tình trạng này".

Trước khi lãnh đạo các địa phương phát biểu, Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở: Đừng có tết nhất biếu xén nữa. Các chủ tịch, bí thư địa phương không phải lên trung ương biếu xén nữa, rồi lại phải hợp thức hóa, mua hóa đơn, huy động chỗ này chỗ kia…

Doanh nghiệp vẫn giải quyết công việc dựa vào quan hệ

Trình bày báo cáo chuyên đề về kết quả thực hiện các nghị quyết số 35 và 19 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu: Công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

"Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; tình hình gây phiền hà, những nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp" - ông nói.

Mặc dù pháp luật quy đinh doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm và điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong văn bản từ cấp Nghị định của Chính phủ trở lên, tuy nhiên vẫn còn tình trạng có địa phương cấp đăng ký kinh doanh nhưng giới hạn điều kiện theo ngành nghề, địa điểm kinh doanh theo vào quyết định của UBND.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Theo ông Dũng, một số UBND các tỉnh chưa đảm bảo tổ chức đối thoại với doanh nghiệp công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm. Tình trạng doanh nghiệp than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều.

Công tác cải cách việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại liên quan đến doanh nghiệp của tòa án các cấp còn chậm, kéo dài khiến doanh nghiệp ít lựa chọn phương án kiện ra tòa khi có tranh chấp. 

Việc tòa án giải quyết phá sản doanh nghiệp chưa nhiều và nói chung công tác thi hành án dân sự rất cần tiếp tục nâng cao về thời gian thực hiện và hiệu quả.

"Các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cũng còn ít hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, ít phản ánh khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan nhà nước. Nguyên nhân do việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp chậm, hoặc không trả lời. Mặc khác, một số doanh nghiệp vẫn có thói quen xử lý các khó khăn, vướng mắc theo con đường phi chính thức, dựa vào quan hệ" - ông Dũng cho hay.

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)