Xã hội

Thủ tướng chất vấn: Khám có tiền với khám BHYT bị phân biệt?

Sáng 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Sáng 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao tỷ lệ BHYT tiến tới  BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng  gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm... Đây là một trong những việc quan trọng nhất để bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng đánh giá: “Sau 25 năm thực hiện, các ngành đã cố gắng nâng diện tham gia BHYT lên 75%. Đây là cố gắng rất đáng trân trọng nhưng mục tiêu 78% vào cuối năm nay đã cao chưa? Tôi cho chưa phải là cao”.

 

Do đó Thủ tướng đề nghị nâng chỉ tiêu tham gia BHYT lên để người dân được hưởng phúc lợi xã hội, được chăm sóc sức khoẻ, thể hiện sự tiến bộ trong lãnh đạo điều hành. Thủ tướng nói:“Chúng ta phải bàn xem đến 2020 chỉ tiêu tham gia BHYT bao nhiêu là vừa, 85% hay 90%. Tôi nghĩ phải 91%”. 

Để thực hiện được mục tiêu, Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, phải có phân công cụ thể, không chỉ vì mục tiêu số lượng mà còn cả chất lượng. Người đứng đầu Chính phù đặt câu hỏi: “Khi chỉ tiêu đã có, tiền bạc đã có thì chất lượng phục vụ thế nào, có phân biệt giữa khám tự do, khám có tiền với khám BHYT không, có phân biệt khi mua thuốc không?”.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo và đề xuất một số kiến nghị để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo Nghị quyết 21 của Đảng về một số vấn đề trong công tác BHXH, BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý lĩnh vực này. Để hoàn thành mục tiêu sớm bao phủ BHYT toàn dân, BHXH kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ tới 2020, với định hướng tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT.

 Cụ thể, đề nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách. BHXH Việt Nam chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện… để người dân có thể mua BHYT tại bất cứ đâu. 

Với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, cho phép các thành viên được tham gia ở các thời điểm khác nhau trong năm và có giảm trừ từ thành viên thứ hai. Với các đối tượng vùng bãi ngang, trong khi chờ trình Thủ tướng danh sách các xã vùng bãi ngang, cho phép tiếp tục bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này theo Quyết định trước đây. Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút với người dân tham gia BHYT, có lộ trình tăng giá dịch vụ bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.  

Chấn chỉnh thái độ với người bệnh

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, ngành y tế đặc biệt chú trọng thực hiện đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách, quy định nghiệp vụ tổ chức của các bệnh viện trong tiếp nhận, chăm sóc người dân, bệnh nhân, đồng thời chấn chỉnh thái độ, xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến Trung ương có hành vi không đúng với người bệnh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đổi mới cơ chế tài chính, quy định thống nhất giá đổi mới tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh, trước mắt là hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật đối với người bệnh có thẻ BHYT, đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhưng không ảnh hưởng đến chính sách xã hội, người nghèo, vùng khó khăn, làm tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đồng thời từng bước thu hút thêm người dân tham gia BHYT...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo chỉ tiêu của Quốc hội, đã đạt 80% nhưng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đạt 90%, Bộ Y tế kiến nghị các bộ, ngành, đặc biệt là từng địa phương thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về BHYT, nhất là các tỉnh, địa phương có tỷ lệ BHYT còn dưới 70%; tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ, kỹ thuật y tế đối với người bệnh chưa sử dụng BHYT để bảo đảm bình đẳng và thu hút người dân tham gia BHYT dưới dạng tự nguyện và hộ gia đình; các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...

Xử lý tình trạng phân biệt đối xử

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Với những đối tượng được ngân sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần như người nghèo, trẻ em, nông dân, ngư dân… vừa qua khi ngân sách địa phương cùng hỗ trợ với ngân sách Trung ương thì tỷ lệ tham gia BHYT tăng lên. Bây giờ chúng ta xác định ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương cùng tiếp tục hỗ trợ. Như Thứ trưởng Minh nói kết dư quỹ BHXH vẫn còn 450 tỷ, đề nghị Thủ tướng cho bảo đảm khoản này. Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ thêm". 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần xem xét phương án mở rộng hỗ trợ người tham gia BHYT tự nguyện lúc đầu. Phó Thủ tướng đề xuất: "Chúng ta có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới mục tiêu các cơ sở y tế cơ bản tự chủ về tiền lương, phụ cấp sau khi tính vào giá dịch vụ trong khi hiện 1 năm chúng ta dành 11.000 tỷ đồng chi lương cho ngành y tế. 

Tôi đề nghị ngân sách không giảm khoản này và chuyển sang hỗ trợ cho một số đối tượng mua BHYT tự nguyện lần đầu từ năm 2017. Các bộ cần bàn cụ thể không chỉ hỗ trợ cho nông dân, ngư dân nghèo, cận nghèo mà cần mở rộng hỗ trợ người mua lần đầu, mua theo hộ gia đình, để người dân quen dần với việc mua và sử dụng BHYT".

Để tránh trục lợi BHYT, bà Minh cho biết trước ngày 30/6 tới, hệ thống tin học hoá giám định thanh toán chi trả BHYT tại 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc sẽ được liên thông đồng bộ". Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng: " Thanh toán BHYT giống như ngân hàng với 14.000 “điểm giao dịch”, vì vậy, BHYT phải lựa chọn một hệ thống thống nhất. 

Về mặt công nghệ thông tin, chương trình tin học hóa không thay thế các chương trình, phần mềm tin học đang sử dụng trong các bệnh viện mà chỉ chiết xuất số liệu phục vụ thanh toán BHYT. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã có văn bản và tại hội nghị này tôi đề nghị các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm. Trước mắt nếu bệnh viện nào không thực hiện kết nối liên thông dữ liệu phục vụ giám định, thanh toán BHYT thì BHYT treo lại không thanh toán”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải tiến tới không còn sự khác biệt giữa người đi khám BHYT với các dịch vụ khác. Để làm được điều này cần đổi mới cơ chế quản lý các bệnh viện, tiến tới năm 2021 người dân có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào cũng được khám chữa bệnh như nhau.
 

Theo Thái Hà (Tiền Phong)