Xã hội

Thứ trưởng Xây dựng: 'Bản đồ Thủ Thiêm bị thất lạc đã hết hiệu lực'

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng dự án khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai trên cơ sở bản đồ phê duyệt năm 2005 chứ không phải 1996.

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 3/5, VnExpress đã nêu câu hỏi về việc thất lạc bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM) và đề nghị đại diện Chính phủ cho biết ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời, theo quy trình, khu đô thị Thủ Thiêm triển khai theo hai bước là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung là bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết là bản đồ 1/2.000, sau đó cụ thể hoá và phân giới cắm mốc trên thực địa. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước.

"Đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh hai lần, lần đầu tiên là quy hoạch chung năm 1996 và lần thứ hai là điều chỉnh quy hoạch năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ", ông Hùng cho hay.

Thứ trưởng Xây dựng: 'Bản đồ Thủ Thiêm bị thất lạc đã hết hiệu lực'
Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh: Võ Hải

Theo Thứ trưởng Xây dựng, hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng,... của khu đô thị Thủ Thiêm đều thực hiện trên quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005.

"Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ 2005, như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới hiện giữ đầy đủ, việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này. Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005", ông Hùng khẳng định.

Đối với việc thất lạc tài liệu, Thứ trưởng Xây dựng nói ảnh hưởng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, liên quan đến triển khai chi tiết của quy hoạch trước ra sao, tất cả sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ.

Thứ trưởng Bộ xây dựng nói về bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ thiêm    

Trước đó tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết không tìm thấy bản đồ quy hoạch chi tiết 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm. Việc này thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến.

Ngày 3/5, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho biết, đơn vị là nơi quản lý dữ liệu quy hoạch của thành phố, nhưng từ đó đến nay chưa từng thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm kèm Quyết định 367 có con dấu phê duyệt của Chính phủ.

"Quyết định ký ngày 4/6/1996 của Thủ tướng về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có dòng nào nói tới bản đồ 1/5.000, nội dung cũng không hề nhắc tới bản đồ nào đính kèm", đại diện Sở QHKT nói và cho biết quyết định này của Thủ tướng căn cứ vào Nghị định 91 ngày 17/8/1994.

Khoảng năm 2008, khi xảy ra hàng loạt khiếu nại liên quan đến đất đai ở Thủ Thiêm, một số người dân đề nghị được xem bản đồ quy hoạch 1/5.000, Sở QHKT cũng kiểm tra lại tất cả hồ sơ lưu trữ nhưng không hề thấy có bản đồ này.

BOT Cai Lậy: Giữ nguyên trạm, giảm thu phí là "ưu việt"

Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc xử lý trạm BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án và phân tích ưu, nhược điểm cụ thể; đồng thời lượng hoá, quy đổi giá trị mỗi phương án thành thời gian thu phí bao nhiêu lâu...

Theo kết luận tại cuộc họp ngày 23/4, Thủ tướng đánh giá cao các phương án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của Bộ Giao thông, giao Bộ này chủ trì cùng tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch để quyết định chọn một trong hai phương án Bộ kiến nghị thực hiện.

Cụ thể, phương án một là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con. "Đây là phương án ít xáo trộn tới tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy và ít gây ô nhiễm môi trường...", ông Đông đánh giá.

Phương án hai, đặt thêm trạm nữa trong tuyến tránh và thu phí cả 2 trạm; khi hoàn vốn trạm ở Quốc lộ 1 thì dỡ và khi hoàn vốn tại trạm tuyến tránh sẽ dỡ bỏ cả hai. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì chi phí thu tăng lên, kéo dài thời gian thu phí, ảnh hưởng tới người dân.

"So sánh 2 phương án thì phương án một là ưu việt. Bộ tiếp tục triển khai bằng cách phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang về thời điểm tổ chức thu và làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, Bộ sẽ thông báo rộng rãi", ông nói.

Thứ trưởng Giao thông trả lời về phương án xử lý BOT Cai Lậy

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Trạm hoạt động từ ngày 1/8/2017, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm nhiều lần. Bốn tháng sau, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông Vận tải trình phương án giải quyết.

Nhiều người tham gia "Hội thánh đức chúa trời" đã vi phạm thuần phong mỹ tục

Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời", Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, vừa qua các cơ quan chức năng đã vào cuộc, Ban tôn giáo Chính phủ có bốn văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Theo ông Thăng, qua phương tiện thông tin đại chúng thì nhiều người khi tham gia vào "Hội thánh Đức Chúa trời" đã vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống dân tộc, ví dụ như chưa đúng trong việc thờ cúng tổ tiên. Những hành vi đó chiếu theo tín ngưỡng tôn giáo cũng bị nghiêm cấm; các vi phạm sẽ được nhà chức trách kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật như vừa qua đã thực hiện ở Thanh Hoá, Thái Nguyên...

Ban tôn giáo Chính phủ phối hợp tích cực với Bộ Công an và các ngành liên quan để tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh bị lôi kéo, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. "Tinh thần chung là chúng ta tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo nhưng chỉ rõ những vi phạm", ông Thăng nói.

Thứ trưởng Xây dựng: 'Bản đồ Thủ Thiêm bị thất lạc đã hết hiệu lực' - 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Võ Hải

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm, các cơ quan chức năng đã báo cáo "Hội thánh của Đức Chúa Trời" là một tổ chức du nhập từ nước ngoài. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cho đồng bào; bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của người Việt Nam. 

Theo ông, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng có đề cập đến "Hội thánh Đức Chúa Trời", yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá, chấn chỉnh các hoạt động không hợp pháp, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ông Vũ Chiến Thắng - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, thông tin hiện có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở một số tỉnh, thành liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Theo Hoàng Thuỳ - Hoài Thu - Võ Hải (VnExpress.net)