Xã hội

Thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng trong 7 vụ án tham nhũng, kinh tế

Tổng bí thư cho biết, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đã được chú trọng hơn, riêng vụ Hứa Thị Phấn là hơn 10.000 tỉ đồng.

Chiều 25/6, phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, lĩnh vực này đã được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực.

"Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước", ông nói.

Thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng trong 7 vụ án tham nhũng, kinh tế
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: VGP

Theo Tổng bí thư, đến nay các chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng cơ bản đã tương đối đủ, "cái cần nhất bây giờ là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện".

Ông nêu rõ, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới... "Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao", người đứng đầu Đảng nhấn mạnh.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nhất là các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỉ đồng, hơn 12.000 ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hơn 300 văn bản quản lý nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Theo Tổng bí thư, đáng chú ý là, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được chú trọng hơn; việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Cụ thể như, vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỉ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỉ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỉ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỉ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỉ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỉ đồng...

Như vậy, việc thu hồi tài sản trong 7 vụ nêu trên đạt hơn 26.000 tỷ đồng.

Thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng trong 7 vụ án tham nhũng, kinh tế - 1
Các đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: VGP

"Không chạy chức, chạy quyền"

Cũng trong phát biểu bế mạc, Tổng bí thư cho hay Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều đổi mới, nhất quán, rõ ràng, chỉ đạo giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; "không chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ.

"Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm" sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại", Tổng bí thư nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông cho rằng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng bí thư nói "chúng ta tuyệt nhiên không được tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được". Ông yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát.

"Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm", người đứng đầu Đảng nói.

Tổng bí thư lưu ý việc tập trung xây dựng các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 và Trung ương 7 khoá XII, nhất là: Hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bảo đảm khả thi và hiệu quả; sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, Luật Thanh tra, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong phòng, chống tham nhũng. 

"Mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn", Tổng bí thư nêu rõ.

Ông cũng cho rằng, quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hoá", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. 

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Trước đó, tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đề xuất dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết kinh sợ, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, ràng buộc.

“Đặt kỷ luật của Đảng lên trước pháp luật, nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Trạc nói.

Từ thực tế phòng chống tham nhũng tại địa phương, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là vô cùng quan trọng.

Thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng trong 7 vụ án tham nhũng, kinh tế - 2
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN.

Ông Phong chia sẻ, TP HCM yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải gương mẫu và chủ động tự phát hiện vụ việc ở đơn vị phụ trách; kết quả phòng chống tham nhũng được xác định là tiêu chí, thước đo, phẩm chất và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Tăng cường giám sát quyền lực

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ.

Ông Khái đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, kể cả người nghỉ hưu; tuyển chọn cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu phải đổi mới, đảm bảo công khai minh bạch. “Tăng cường thanh tra kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, kiên quyết không có vùng cấm trong xử lý vụ án tham nhũng”, ông Lê Minh Khái phát biểu.

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho rằng, công tác thu hồi tài sản cần chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán để sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; sự phối hợp này nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản, không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản.

Ông Lê Quý Vương kiến nghị, cấp có thẩm quyền chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường kiểm toán chuyên đề, đột xuất đối với những dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư công, mua sắm công có giá trị lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án thua lỗ lớn…

Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng; qua kiểm tra, giám sát, Ban chỉ đạo kiến nghị xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 7 bị cáo; cảnh cáo 2 bị cáo.

Theo Viết Tuân (VnExpress.net)