Xã hội

Thiếu kháng sinh phòng bệnh ở ổ dịch bạch hầu Bình Phước

Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú, Bình Phước, mua kháng sinh cung cấp cho 500 người lớn và 250 trẻ em trên địa bàn ổ dịch bạch hầu uống dự phòng trong 10 ngày.

Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú, Bình Phước, mua kháng sinh cung cấp cho 500 người lớn và 250 trẻ em trên địa bàn ổ dịch bạch hầu uống dự phòng trong 10 ngày.

"Hiện nay kháng sinh phòng bệnh không đủ đáp ứng cho nhu cầu địa phương, trong khi đó công tác nhân lực phòng dịch bệnh cũng rất mỏng nên công tác càng khó khăn", đại diện trung tâm y tế này cho biết.

Một bệnh nhân bạch hầu được điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: Phước Tuấn

Một bệnh nhân bạch hầu được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước cho biết đến chiều 13/7 tại ổ dịch ở 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú có 37 ca mắc bệnh bạch hầu được giám sát, trong đó 3 ca tử vong. Hiện 6 bệnh nhân đã xuất viện, 28 người đang điều trị tại các bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, Chợ Rẫy, Đa khoa tỉnh Bình Phước... Trong 36 mẫu đưa đi xét nghiệm, Viện Pasteur TP HCM xác định có 4 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho rằng Bình Phước đã ứng phó dịch bệnh bạch hầu rất nhanh và kịp thời, tuy nhiên chưa an tâm công tác dập dịch và phòng ngừa sắp tới. "Địa phương phải sẵn sàng chống dịch, ví dụ chuẩn bị số lượng thuốc kháng sinh, nhân lực địa phương, kinh phí...", ông Lân lo lắng.

Ông Tấn cho rằng UBND tỉnh Bình Phước cần công bố dịch. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Tấn cho rằng UBND tỉnh Bình Phước cần công bố dịch. Ảnh: Phước Tuấn

Theo ông Lân, với số lượng ca bệnh như hiện nay ở 2 xã, Bình Phước đã có thể công bố dịch quy mô cấp huyện hay xã và có thể điều động cán bộ y tế ở huyện khác hỗ trợ dập dịch trong thời gian sớm nhất để tránh lây lan trên diện rộng.

Cũng theo người đứng đầu Viện Pasteur TP HCM, 3 năm qua Bình Phước là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng văcxin bạch hầu rất cao, song tỷ lệ nhỏ chưa tiêm ngừa là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát các ổ dịch. Chính vì vậy, việc cần làm ngay của tỉnh là điều tra cộng đồng khu dân cư trong vùng dịch và xung quanh để tổ chức tiêm văcxin phòng bệnh. "Để giúp đỡ tỉnh Bình Phước dập dịch, Viện Pasteur cử chuyên gia ở lại nằm vùng, tạo cầu nối trong các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật", ông Lân đề xuất.

Ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết Sở Y tế đã đề xuất UBND tỉnh cấp 300 triệu đồng để chống dịch.  

Theo Phước Tuấn (VnExpress.net)