Xã hội

Thiên tai ngày càng bất ngờ và cực đoan hơn, hậu quả khó lường trước được

Nghiên cứu, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, bất ngờ và ngày càng cực đoan, tính tàn phá khốc liệt hơn.

Thiên tai ngày càng khốc liệt

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, bất ngờ và ngày càng cực đoan, tính tàn phá khốc liệt hơn.

“Ví dụ sạt lở đất giờ đây không chỉ dừng ở lớp phủ bì, mà sạt lở cả nửa quả đồi, hay lũ ống và lốc xoáy xảy ra đồng thời ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính riêng năm 2017 đã có 16 cơn bão lớn nhỏ và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta, làm chết 325 người, 61 người mất tích, 664 người bị thương vì mưa bão, ngập lụt, lốc xoáy, sạt lở đất; 8.126 nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn và hơn 561.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 60.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Hà dẫn chứng.

Trong năm 2017, có nhiều hiện tượng thiên tai khốc liệt đã diễn ra. Riêng trận lũ quét tàn khốc vào rạng sáng ngày 3/8/2017 tại Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu đã làm thiệt mạng 29 người, 12 người mất tích, 231 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 425 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, 398 hộ phải sơ tán, di dời. Tổng thiệt hại ước tính trên 940 tỷ đồng.

Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở đất tại xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) vào rạng sáng 12/10/2017, khiến 18 người bị vùi lấp. Thậm chí ngay tại Thủ đô Hà Nội, ngoại thành cũng có thời điểm ngập trắng hàng tuần lễ như tại huyện Chương Mỹ. 

Tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt trận lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23/6 đến ngày 26/6 xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang... làm 33 người chết, mất tích; ước tính thiệt hại khoảng 762 tỷ đồng. Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, hiện có 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc ở đang ở trong nhà tạm. Hơn 42.100 hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất cần phải di dời để bảo đảm an toàn.

Khó khăn vẫn tiếp tục

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, năm 2017 - 2018, nhiều loại hình thiên tai đã xuất hiện và diễn ra rất phức tạp với nhiều bất thường. Trong đó, miền núi phía Bắc nước ta là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên tai do có địa hình rất phức tạp với nhiều đồi núi cao, bị chia cắt hình thành các vùng khí hậu khác nhau.

Thiên tai ngày càng bất ngờ và cực đoan hơn, hậu quả khó lường trước được
Quan trắc viên đo mực nước trên sông tại Trạm Thủy văn Đầu Đẳng (Bắc Kạn)

Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức đối với ngành Khí tượng Thủy văn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Những hạn chế trong cảnh báo mưa đá, lũ quét, sạt lở đất có nguyên nhân chủ yếu từ điều kiện khách quan như biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Cùng đó, các thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Các thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất... không đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế.

Sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê nghiên cứu đầy đủ. Bên cạnh đó, lũ quét thường xảy ra ở quy mô nhỏ, liên tiếp, mang tính địa phương. Vì vậy, chỉ cảnh báo ở cấp trung ương là không thể đảm bảo kịp thời cho hoạt động phòng chống lũ quét, sạt lở đất nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tiệm cận, sử dụng các sản phẩm cảnh báo lũ quét hiện đại bậc nhất trên thế giới (như của Hoa Kỳ) làm công cụ hỗ trợ cảnh báo. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất thường chỉ xuất hiện ở một vài điểm trong tỉnh, thời gian xuất hiện không đồng thời và việc cảnh báo chi tiết đến huyện, xã hoặc khu vực có nguy cơ cao, rất cao chỉ có thể thực hiện trước được khoảng 3 - 6 giờ với độ chắc chắn không cao.

Ngoài ra, đặc điểm hoàn lưu, địa hình ở vùng núi phía Bắc và Trung Bộ của nước ta cho thấy, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra vào ban đêm, gây khó khăn trong truyền thông tin cảnh báo, nhất là đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa càng làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

Cảnh báo sớm để giảm nguy cơ thiên tai

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO, thực tế cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai, ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai. Để hiệu quả, hệ thống cảnh báo sớm cần phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với đẩy mạnh nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, để luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Hồng Thái cho biết, dự kiến đến năm 2025 trên toàn quốc sẽ có khoảng 4.000 trạm đo mưa tự động được lắp đặt dựa trên hoạt động xã hội hóa công tác quan trắc đảm bảo mật độ từ 40 - 120 km2/điểm.

Cùng với đó, sẽ cập nhật các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỷ lệ 1/10.000 để phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh có nguy cơ cao.

Theo Trung Hiếu (Báo Tin Tức)