Xã hội

Thêm 3 trường hợp không còn là đại biểu, Quốc hội còn bao nhiêu?

Theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều qua (14.5), ông Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh bị mất quyền đại biểu khi nhận án phạt tù, còn bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi đại biểu Quốc hội. Vậy hiện tại Quốc hội còn bao nhiêu thành viên?

Thêm 3 trường hợp không còn là đại biểu, Quốc hội còn bao nhiêu?
Quốc hội khóa XIV hiện còn 487 đại biểu (ảnh VPQH).

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016, có 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội (thiếu 4 đại biểu 4 ở 4 tỉnh Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai do các tỉnh này bầu thiếu một đại biểu so với con số được phân bổ).

Trước khi Quốc hội khóa XIV bước vào kỳ họp thứ nhất, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thông qua Nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu của Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (ngày 15.7.2016). Đối tượng này sau đó đã bị cơ quan điều tra khởi tố và ra lệnh truy nã quốc tế vì những sai phạm khi còn là lãnh đạo Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam. Hiện Trịnh Xuân Thanh đã bị án tù chung thân trong hai vụ án được xử đầu năm 2018.

Hai ngày sau vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có phiên họp khẩn. Tại đây, các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia đã thông qua Nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì bà này không đủ tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội, đồng thời có đơn xin rút. Bà Hường từng là đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII.

Quốc hội khóa XIV bước vào kỳ họp thứ nhất còn 494 đại biểu. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 11.2016), đại biểu Thích Chơn Thiện (SN 1942 –thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Thừa - Thiên Huế) - người cao tuổi nhất của Quốc hội khóa XIV - đã qua đời do tuổi cao sức yếu.

Đến tháng 12.2016, đại biểu Ngô Văn Minh (sinh năm 1959) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội qua đời do bệnh hiểm nghèo.

Vào năm 2017, ông Võ Kim Cự lúc đó đang là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, ông này sau khi bị Ban Bí thư kỷ luật cũng đã có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội. Đến tháng 5.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết cho ông Võ Kim Cự thôi đại biểu Quốc hội.

Tháng 3.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho ông Ngô Đức Mạnh, lúc đó là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thôi nhiệm vụ đại biểu. Việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu của ông Ngô Đức Mạnh do ông được phân công nhiệm vụ mới là làm Đại sứ tại Liên bang Nga.

Như vậy trong chiều qua có 3 trường hợp không còn là đại biểu Quốc hội: Trường hợp ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh mất quyền đại biểu biểu khi bị tòa phúc thẩm tuyên án (án có hiệu lực pháp luật - đương nhiên mất quyền đại biểu khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên có tội); trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh cho thôi đại biểu nhưng trước đó có liên quan đến kỷ luật.

Tính đến nay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV chưa có đại biểu nào bị bãi nhiệm. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 2 trường hợp bị bãi nhiệm là bà Châu Thị Thu Nga (đã bị tù chung thân) và Đặng Thị Hoàng Yến.

Quốc hội hiện còn 487 đại biểu. Theo chương trình dự kiến, sáng 21.5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc.

Theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân: Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 2 năm và thiếu trên mười phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

Theo Lương Kết (Dân Việt)