Xã hội

Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị đóng khung thép để quảng bá du lịch

"Chúng tôi treo biển quảng bá điểm đến du lịch để khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định nói.

"Chúng tôi treo biển quảng bá điểm đến du lịch để khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định nói.
Ngày 6/5, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ giàn sắt thép treo biển quảng bá du lịch ở các di tích tháp Chăm cổ gồm: Tháp Đôi (ở phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước).

Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị đóng khung thép để quảng bá du lịch
Biển quảng bá được đóng lên tháp Đôi (TP Quy Nhơn). 

Từ chiều 5 đến sáng 6/5, hàng loạt tài khoản trên các trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít trong quần thể tháp Chăm cổ bị xâm hại.

Họ phản ánh một số công nhân khoan vào tường gạch cổ, lắp đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích, quảng bá du lịch, vừa mất mỹ quan vừa xâm hại tháp Chăm với những vết khoan thủng tường gạch cổ. 

"Trong khi các nhà khoa học cẩn thận trùng tu, bảo tồn giá trị di sản tháp Chăm cổ thì ngành Văn hóa Bình Định lại cho người khoan đục làm tổn hại giá trị di tích", bà Hà (du khách TP.HCM) phàn nàn. 

Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị đóng khung thép để quảng bá du lịch - 1
Biển quảng bá du lịch xâm hại tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước). 

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định, xác nhận đơn vị yêu cầu một số công nhân cho lắp đặt biển quảng bá du lịch trên tháp Bánh Ít và tháp Đôi.

"Chúng tôi có ý định treo biển quảng bá điểm đến du lịch để du khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các điểm di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa. Sau khi nghe thông tin du khách phản ứng, Sở đã cử anh em kiểm tra tháo dỡ ngay các dòng chữ gắn trên di tích, chuyển đến treo ở vị trí khác phù hợp", ông Chánh nói.  

Cụm di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII) và cũng là quần thể còn nhiều tháp nhất (bốn tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định. Về mặt kiến trúc, tháp Bánh Ít mở ra một phong cách mới của kiến trúc Chăm ở Bình Định.

Tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982; gần đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm, được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh...

Tháp Đôi (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) là công trình kiến trúc Chăm cổ, được xây vào cuối thế kỷ thứ XII, gồm kết cấu hai khối liền kề. Tháp lớn cao 20 m, tháp nhỏ thấp hơn một chút. Năm 1980, Tháp Đôi này được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)