Xã hội

'Thần chết' rình rập ở hơn 400 chung cư cũ không có hệ thống PCCC

Hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn gây nguy hiểm cao.

Hàng nghìn vụ cháy, nhiều người tử vong

Vừa qua, hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn số 115/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ Công an kiến nghị về việc “Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố".

Theo thống kê của HoREA, từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, toàn Thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở. Riêng trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.  

Đặc biệt ngày 23/3/2018, đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại tầng hầm chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8. Vụ cháy này đã làm chết 13 người và 51 người bị thương, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây tác động tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.

'Thần chết' rình rập ở hơn 400 chung cư cũ không có hệ thống PCCC
Vụ hoả hoạn kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza - TP.HCM hồi tháng 3/2018 vẫn là nỗi ám ảnh của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM đang còn tồn tại nhiều sai phạm điển hình dẫn đến mất an toàn PCCC tại chung cư, nhà cao tầng. Theo ông Châu, hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.

Bên cạnh đó, chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy, có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố, có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...

Ngoài ra, nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội, và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng. Trong đó, công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Có chung cư, hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục "báo cháy giả", nên cư dân có thói quen "bình thản" khi nghe báo cháy, mà nếu cháy thật, thì rất nguy hiểm. Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền". Hệ thống PCCC và thiết bị PCCC bị xuống cấp, lão hóa, hư hỏng không được bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì theo quy định, hoặc kiểm tra sử dụng thực tế…

HoREA đưa ra một ví dụ điển hình là chung cư Bảy Hiền Tower, số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, vào năm 2016 chủ đầu tư chưa thi công hệ thống PCCC đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở.

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả mọi chủ thể có liên quan đến trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng, từ chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư, các hộ dân chung cư đến lực lượng PCCC chuyên nghiệp.

Phải quy định trách nhiệm đối với chủ đầu tư

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị, nhằm giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc sẽ xảy ra về phòng cháy chữa cháy, các ngành cơ quan chức năng cần có những biện pháp, điều khoản luật quy định cụ thể để răn đe và xử lý. Cần quy định trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà chung cư, phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy. Ban Quản trị chung cư phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành chung cư, trong đó, có kiến thức, kỹ năng về PCCC.

'Thần chết' rình rập ở hơn 400 chung cư cũ không có hệ thống PCCC - 1
Nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng.

Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải được tham gia Ban Quản trị chung cư để đảm bảo chất lượng hoạt động quản lý, vận hành chung cư đối với các chủ đầu tư cũng là đồng chủ sở hữu chung cư vì vẫn còn sở hữu phần khối đế, văn phòng, căn hộ cho thuê... sau khi đã bán căn hộ cho người mua nhà. Phải công khai danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn PCCC, hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc để công luận giám sát.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị đối với dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới, thì cần  quy định khu vực để xe phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, với hệ số sử dụng đất phù hợp, được miễn tiền sử dụng đất diện tích khu vực để xe, để nhà đầu tư có thể thực hiện, thu hồi vốn, không làm tăng giá thành để không ảnh hưởng đến người mua nhà.

Tầng hầm chung cư chỉ nên sử dụng để bố trí hệ thống kỹ thuật, hoặc làm các dịch vụ ít có nguy cơ xảy ra cháy nhằm phục vụ cư dân chung cư.  Đối với các chung cư có chỗ để xe tại các tầng hầm chung cư, kiến nghị bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn PCCC khu vực hầm để xe của chung cư (là khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây cháy lớn nhất tại các chung cư) để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ đầu tư dự án chung cư mới, hoặc nâng cấp, chỉnh trang khu hầm để xe tại các chung cư cũ hiện nay…

Bên cạnh đó, hiệp hội kiến nghị bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định về niên hạn sử dụng xe máy, xe ô tô và có biện pháp xử lý đối với xe máy đã hết niên hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn an toàn, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy, nổ tại các chung cư, nhà cao tầng, để giảm thiểu các vụ cháy có thể xảy ra tại các chung cư, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo Phùng Sơn (Nguoiduatin.vn)