Xã hội

Tàu quét Sonar tìm hai tiêm kích Su-22 bằng sóng siêu âm

3 tàu Hải quân có thiết bị dò tìm cùng nhiều lực lượng được tăng cường đến hiện trường, sáng nay, để tiếp tục tìm kiếm các phi công và hai chiếc Su-22 rơi xuống biển.

3 tàu Hải quân có thiết bị dò tìm cùng nhiều lực lượng được tăng cường đến hiện trường, sáng nay, để tiếp tục tìm kiếm các phi công và hai chiếc Su-22 rơi xuống biển.

 
Sẽ có 3 tàu của Hải quân có thiết bị dò tìm được tăng cường đến hiện trường tìm các phi công và tiêm kích Su-22. Ảnh: Hoàng Trường
 
“Với những thiết bị dò tìm chuyên dụng, hi vọng sớm tìm thấy hai phi công. Bộ Tổng tham mưu và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân thường xuyên túc trực tại Sở chỉ huy ở hiện trường giám sát, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ”, ông Tuấn cho hay.
 
Ngoài ra, theo ông Tuấn, lực lượng tìm kiếm còn được tăng cường một tàu có thiết bị kéo và chứa các vật thể nặng của Cảnh sát biển; tàu biên phòng. Lực lượng Phòng không – Không quân, Kiểm ngư, đặc công, bộ đội địa phương… cũng điều thêm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện hiện đại đến hiện trường.
 

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, chỉ đạo công tác tìm kiếm hai chiếc máy bay. Ảnh: Hoàng Trường

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Đỗ Hồng Đó - Chính ủy Vùng 3 cảnh sát biển (Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết thêm, tàu cứu hộ, cứu nạn 9001 công suất lớn của Cảnh sát biển Vùng 3 được điều động tham gia cẩu kéo và chứa các vật thể nặng sau khi trục vớt các bộ phận của Su-22 từ đáy biển lên.

Sở chỉ huy được lập trên tàu Kiểm ngư 781 ngay trên vùng biển Phú Qúy, nơi từng phát hiện phần đuôi Su-22 để trực tiếp giám sát, chỉ đạo các lực lượng phối hợp nhịp nhàng công tác dò tìm dưới đáy biển cũng như trục vớt, cứu hộ.

Trong ngày 18/4, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác có mặt tại hiện trường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn. Một số bộ phận của hai máy bay gặp nạn tiếp tục được phát hiện. Các “người nhái” đã phát hiện và kéo lên mặt nước được một thùng dầu phụ, khung nắp buồng lái của máy bay. Các chiến sĩ cũng đã tiếp cận vật thể  nghi là bộ phận của thân máy bay dưới đáy biển.
 

Tàu biên phòng ra hiện trường tìm kiếm hai chiếc máy bay vào sáng 19/4. Ảnh: Hoàng Trường

Trước đó, ngày 16/4, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11h35. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km.

Hai phi công gặp nạn gồm trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863.
 
>> Chưa xác định được số phận 2 phi công lái tiêm kích bom Su-22
>> Vớt được khung kính buồng lái của Su-22 gặp nạn
>> Vụ máy bay Su 22 gặp nạn: Các anh đều là những phi công giỏi
>> Danh tính phi công trên hai chiếc Su-22 rơi gần đảo Phú Quý
 
Theo Nhóm PV (VnExpress.net)