Xã hội

Tàu điện ngầm qua Hồ Gươm được áp dụng 'công nghệ chống rung'

Ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm được thiết kế như thế nào?

"Tháp Bút sẽ không chịu ảnh hưởng của rung động từ đường ray lên mặt đất", đại diện tư vấn Nhật Bản khẳng định.

Ngày 9/11, trong cuộc tọa đàm "quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 tại hồ Hoàn Kiếm" của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ông Noboru Nakagawa (Đại diện Tư vấn chung của dự án) đã trình bày phương án thi công các hạng mục liên quan.

Theo ông, tư vấn khẳng định toàn bộ ga ngầm nằm dưới đất được áp dụng biện pháp thi công tiên tiến để đảm bảo an toàn các công trình lịch sử; nhà thầu sẽ tiến hành các phần việc từ trên xuống và có hệ thống tường vây bao quanh nhà ga C9.

"Tường chắn đất bao quanh nhà ga nên không có việc nước hồ xâm nhập vào hố đào và không làm ảnh hưởng mực nước hồ Hoàn Kiếm", ông Noboru Nakagawa nói.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, độ lún dưới 1/500 là công trình an toàn, trong khi đó, tư vấn đã phân tích mức độ lún với ga C9 là 1/800, nghĩa là rất nhỏ. Ngoài ra, tư vấn đã nghiên cứu và sẽ áp dụng công nghệ đường sắt chống rung khi đoàn tàu chuyển động.

"Tháp Bút sẽ không chịu ảnh hưởng của rung động từ đường ray lên mặt đất, quá trình thi công cũng sẽ không có tác động đối với di sản trên", đại diện Tư vấn khẳng định.

Tàu điện ngầm qua Hồ Gươm được áp dụng 'công nghệ chống rung'
Phối cảnh cửa ga đặt tại vỉa hè Hồ Gươm. Ảnh: Ban quản lý dự án.

Với vị trí hướng tuyến đường sắt số 2 đi trên cao ngoài sông Hồng (cách xa Hồ Gươm), tư vấn Nhật Bản cho biết, nếu triển khai phương án này sẽ phải giải phóng mặt bằng rất lớn khu vực gần phố Hàng Đậu và cầu Chương Dương..., làm cho việc kết nối với tuyến số 3 phức tạp và phá vỡ quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị; lưu lượng hành khách sẽ ít nên không đạt hiệu quả trong giảm ách tắc giao thông khu trung tâm. 

Vị trí ga ngầm tiếp tục nhận ý kiến trái chiều

Tại cuộc tọa đàm, nhiều chuyên gia chia sẻ đồng tình về vị trí đặt ga ngầm dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng song vẫn đưa ra một số băn khoăn.

Kiến trúc sư Trần Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam nhận định, Hồ Gươm là di sản với không gian mở, ở đây có thể diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, nên ông ủng hộ đặt ga ngầm ở đây để người dân, du khách dễ dàng tiếp cận Hồ Gươm.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu đặt ga ngầm ra xa tháp Bút hơn; đơn cử có thể dịch chuyển về phía Công ty điện lực vì ở đó có khuôn viên rộng; nhà ga cũng có thể dịch sang cuối vườn hoa Lý Công Uẩn để tiếp cận được dòng người lên xuống gần các trung tâm thương mại, phố đi bộ. 

"Tôi tin tưởng kịch bản xây dựng của người Nhật song vẫn lo ngại khi tàu chạy sẽ ảnh hưởng tới các di sản bằng đá, gỗ", ông Tùng nêu lo lắng.

Từng nhiều lần phản đối vị trí ga C9 sát Hồ Gươm, kiến trúc sư Trần Huy Ánh vẫn bảo lưu ý kiến nên đưa tuyến tàu điện số 2 đi trên cao theo đường Trần Quang Khải. "Khi tàu điện đi vào trung tâm Hồ Gươm sẽ gia tăng ùn tắc giao thông, phá vỡ cảnh quan của Hồ", ông Ánh nói. 

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị nhận định, "10 năm rồi mà các chuyên gia và chính quyền vẫn bàn cãi về vị trí xây dựng ga C9, điều này sẽ khiến dự án chậm trễ. Trên thực tế, vị trí ga không vi phạm vùng bảo vệ di sản 1 mà ở khu vực bảo vệ di sản 2 và đã đúng theo các quy hoạch đã được phê duyệt, như vậy là đủ cơ sở để thực hiện".

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đơn vị này sẽ tập hợp ý kiến của các chuyên gia để báo cáo Thủ tướng, góp phần thúc đẩy tiến độ cho tuyến metro số 2. 

"Nhiều nước đã xây dựng metro dưới lòng di sản như Nhật Bản, Pháp, Anh... Họ đảm bảo được di sản không bị hư hỏng với công nghệ xây dựng tiên tiến", ông Chính nói. 

Ga ngầm C9 được quy hoạch ở khu vực đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè Điện lực Hà Nội. Dự kiến, nhà ga này sẽ nằm dưới lòng đất sâu 25 m, đỉnh ga đến mặt đất 5 m, dài 150 m, rộng 21 m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại.

Tháng 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2. Theo Ủy ban, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô".

Cuối tháng 10, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Thủ tướng xem xét lại các ý kiến của Ủy ban; chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được triển khai theo cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)