Xã hội

Tăng phí gấp 3: Vỉa hè băm nát, tiền vào túi ai?

Tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè là hợp lý, nhưng quan trọng là quản lý, không để lấn chiếm, xuống cấp, kiểm soát được nguồn thu.

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, theo hướng tăng các mức phí.

Có đại biểu băn khoăn, ai hưởng lợi khi tăng phí lòng đường, hè phố.

Có đại biểu đề nghị, tăng mức phí, đồng thời tăng cường quản lý vỉa hè, công khai đấu thầu các điểm dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy, công khai nguồn thu, tránh thất thoát...

Có đại biểu giải thích, tăng phí vỉa hè không phải vì tăng nguồn thu là chính, mà mục tiêu chính là giảm áp lực giao thông nội đô...

Khó kiểm soát = không thuyết phục?

Tăng phí gấp 3: Vỉa hè băm nát, tiền vào túi ai?
Phố 19 tháng 12 (Hoàn Kiếm), ô tô đỗ cả lòng đường, vỉa hè, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ cho người đi bộ. Ảnh: Trần Thường

Thực tế việc quản lý lòng đường, hè phố của TP Hà Nội bấy lâu quá yếu kém.

Điển hình là tình trạng lấn chiếm trái phép vỉa hè để kinh doanh, trong đó có kinh doanh giữ ô tô, xe máy tràn lan, biến lòng đường, hè phố thành của riêng, đang ở mức khó kiểm soát. Mức phí cũng tuỳ tiện, không tuân thủ mức giá quy định của TP.

Để giảm mật độ phương tiện giao thông cá nhân đi vào nội đô, HĐND TP ra nghị quyết tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố, tức tăng phí trông giữ ô tô, xe máy là khó thuyết phục, không cơ bản.

Khi HĐND TP chưa ra nghị quyết tăng phí thì trước đó, các bãi trông giữ ô tô, xe máy đã tăng vô tội vạ, người dân không biết kêu ai, khi lực lượng chức năng vô tình hay cố ý làm ngơ.

Như thế, việc tăng phí, có khi chỉ là hợp thức hoá mức giá lạm thu hiện nay. Tăng phí không khiến những người có nhu cầu đi vào nội đô bằng phương tiện cá nhân phải hạn chế hoặc từ bỏ vì mức phí mới.

Bài toán giảm áp lực giao thông nội đô yêu cầu những giải pháp đồng bộ, toàn diện, như tuân thủ quy hoạch đô thị khoa học; tăng cường phương tiện giao thông công cộng; chuyển đổi một số trụ sở bộ, ngành đã dời ra các quận ngoại đô thành các điểm đỗ xe tĩnh; chấm dứt tình trạng các khu chung cư, nhà chọc trời mọc lên ở những quận trung tâm TP...

Tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè là hợp lý, nhưng quan trọng, là quản lý được vỉa hè, kiểm soát được nguồn thu.

Phải quy hoạch điểm đỗ ô tô tĩnh

Tăng phí gấp 3: Vỉa hè băm nát, tiền vào túi ai? - 1
Trước tòa nhà HH2 Bắc Hà (đường Tố Hữu). Ảnh: Trần Thường

Người dân Thủ đô đang rất nghi ngờ khi tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố kinh doanh vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, thì việc tăng phí được đưa ra lần này dễ tạo cớ cho các điểm dịch vụ có phép và không phép tiếp tục đua tăng giá, càng khiến người dân thêm bức xúc và hồ nghi.

Vì thế, tăng phí vỉa hè cần đi liền với các giải pháp quản lý lòng đường, hè phố, trước hết, đảm bảo không gian an toàn cho các phương tiện lưu thông dưới lòng đường và người đi bộ trên hè phố.

Các điểm đỗ ô tô tĩnh phải được quy hoạch, quản lý bằng công nghệ hiện đại, và thực hiện đấu thầu công khai minh bạch, khuyến khích DN đầu tư thông minh.

Cần xem nguồn thu từ phí sử dụng lòng đường, hè phố là nguồn thu quan trọng, bổ sung cho nguồn thu ngân sách.

Theo Uông Ngọc Dậu (VietNamNet)