Xã hội

Tàn cuộc rượu họp lớp ngày Tết, nam thanh niên tự đâm đầu cột điện, dập phổi, hôn mê

Sau bữa rượu liên hoan họp lớp, bệnh nhân Lê Quang Ch (25 tuổi, ở Hà Nam) lái xe cùng bạn đi hát, lại tiếp tục uống rượu. Tàn cuộc, nam thanh niên này tự lao vào cột điện trên đường về nhà, chấn thương nặng.

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Việt Đức vào khoảng 10 giờ sáng ngày 20/2 (tức mùng 5 Tết), trong tình trạng chấn thương sọ não, hàm mặt, hôn mê, thở qua bóp bóng nội khí quản, bị dập phổi hai bên, gãy xương hàm mặt, tụ máu não...

Theo lời người nhà bệnh nhân, trước đó, bệnh nhân Ch có tham gia họp lớp, liên hoan cùng bạn bè, trong đó có uống rượu, sau đó cả nhóm đi hát hò, tiếp tục uống rượu bia. Tan cuộc vui, Ch lái xe về nhà. Vì trong người sẵn men, nên Ch tự lao vào cột điện gây chấn thương nặng.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức nhận định, với tình trạng nhập viện của Ch, bệnh nhân chắc chắn đi với tốc độ cao. Sau khi được phát hiện, anh Ch được đưa vào Bệnh viện Phủ Lý sơ cấp cứu, rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức.

Tại Bệnh viện Việt Đức, dù đã được các bác sĩ tích cực, tập trung cấp cứu nhưng theo BS Vũ Văn Hà, Khoa Phẫu thuật tiết niệu - trực cấp cứu sáng 20/2, tiên lượng của bệnh nhân Ch rất nặng nề.

Tàn cuộc rượu họp lớp ngày Tết, nam thanh niên tự đâm đầu cột điện, dập phổi, hôn mê
45 phòng mổ toàn viện Việt Đức nhiều thời điểm rơi vào quá tải, vỡ trận do lượng bệnh nhân phải phẫu thuật nặng tăng cao.

Theo BS Hà, những ca cấp cứu được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu phần lớn là các ca 

Tai nạn giao thông

 nặng, chiếm 80% tổng số ca đến cấp cứu. Cụ thể, từ ngày 29 Tết đến hết ngày mùng 4 Tết có 831 ca nhập viện cấp cứu, trong đó 677 trường hợp tai nạn giao thông. Số ca nhập viện vì TNGT tăng không nhiều (khoảng 10%) song số ca bị chấn thương nặng do TNGT lại tăng đột biến. Đáng chú ý hơn, khoảng 60% số ca TNGT vào cấp cứu có sử dụng rượu bia.

Nhiều thời điểm, Bệnh viện Việt Đức rơi vào tình trạng “vỡ trận”. Đơn cử, mùng 4 Tết, bệnh viện tiếp nhận tới 92 ca chấn thương sọ não, nhiều ca đa chấn thương khác, đều phải phẫu thuật ngay. 45 giường mổ của viện quá tải. Trong khi ngày thường viện mổ cấp cứu khỏang 30 ca chấn thương nặng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký vào cuối giờ chiều ngày 20/2, từ 14/2 đến 7h sáng 20/2, tại các cơ sở y tế cả nước đã khám, cấp cứu cho gần 37.400 trường hợp tai nạn giao thông. Số lượt nhập viện điều trị nội trú là hơn 12.600 trường hợp tăng gần 13% so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, tăng cao trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết.

Ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 28,4% so với trong 6 ngày Tết Đinh Dậu 2017, không có ca tử vong. Số liệu cho thấy số ca tai nạn do pháo nổ tăng cao so với năm 2017 đặc biệt trong ngày 30 (121 ca) và mùng 1 Tết (44 ca).

Có gần 4.200 trường hợp đánh nhau phải đến viện cấp cứu. Dù số lượng này giảm nhưng số nhập viện điều trị lại tăng, với hơn 2.700 trường hợp. 13 ca đã tử vong. Số ca đánh nhau nhập viện tăng đặc biệt cao vào ngày mùng 2, với 640 ca.

Tại Hà Nội, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 14/2 - 20/2, Trung tâm cấp cứu 115 vận chuyển 500 bệnh nhân, chuyển viện 395 trường hợp, trong đó tai nạn giao thông 42 trường hợp, tai nạn sinh hoạt 16 trường hợp, tai nạn do đánh nhau 9 trường hợp, 33 trường hợp tử vong.

Được biết, để động viên những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện chi hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân với với mức chi 80.000đ/người/ngày, trong 4 ngày từ 15 - 18/2 (tức ngày 30 Tết đến ngày 3 Tết).

Từ ngày 14/2 đến 7h ngày 20/2, các cơ sở y tế tại Thủ đô tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn cho gần 10.400 người, trong đó: tai nạn giao thông là 969 trường hợp.

Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)