Xã hội

Sốc với lý do 17,5% gái mại dâm tại Hà Nội nhiễm HIV

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ báo chí Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã công bố số liệu đáng báo động về tình hình phụ nữ bán dâm tại Hà Nội nhiễm HIV chiếm tỉ lệ 17,5% - cao gấp 5 lần so với Cần Thơ và TP.HCM.

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ báo chí Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã công bố số liệu đáng báo động về tình hình phụ nữ bán dâm tại Hà Nội nhiễm HIV chiếm tỉ lệ 17,5% - cao gấp 5 lần so với Cần Thơ và TP.HCM.

Trao đổi với PV, T.S Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay việc gia tăng tỷ lệ phụ nữ lây nhiễm HIV tại một thành phố lớn có rất nhiều nguyên nhân. Và một trong những nguyên nhân đó chính là do nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho các dự án bị cắt giảm.
 
Thưa ông, ông có thể cho biết nguyên nhân nào khiến tỷ lệ phụ nữ bán dâm tại Hà Nội bị lây nhiễm HIV cao hơn rất nhiều so với các thành phố khác?

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí

 
Hiện tại, công tác Y tế và công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể tới đó chính là nguồn tài trợ cho các dự án xóa bỏ, hỗ trợ cho người tiêm chích, cho các tệ nạn xã hội bị cắt giảm một cách đột ngột.  Không đủ kinh phí sẽ dẫn thiếu hụt các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Và khi đó nguy cơ dẫn đến việc dịch bệnh bùng phát trở lại với tỷ lệ kháng thuốc cao là khó tránh khỏi. Chi phí điều trị cũng sẽ tăng cao nhiều lần so với hiện nay. Tính đến ngày 31/3/2015, số nhiễm HIV lũy tích hiện còn sống trên cả nước là 227.064 người, số bệnh nhân AIDS là 70.865 và số bệnh nhân tử vong do AIDS lũy tích là 72.772 người. Cũng theo báo cáo Số ca HIV/AIDS, tử vong phát hiện mới tiếp tục giảm, nhưng lũy tích số người nhiễm HIV ngày càng gia tăng, số ca nhiễm HIV mới hàng năm ngày càng tăng trong nữ giới và hình thái lây nhiễm qua đường tình dục đã chiếm phần trăm cao nhất (52%).

Bên cạnh đấy, so với các thành phố khác, việc lây nhiễm HIV tới phụ nữ từ nhiều nguồn khác nhau, một phần lớn cũng do việc tiêm chích ma túy bừa bãi, sử dụng cùng một kim tiêm đã dẫn đến việc lây nhiễm nhanh chóng giữa các con bệnh. Đó chính là những nguyên nhân sâu xa nhất để tỷ lệ phụ nữ bán dâm tại Hà Nội cao hơn nhiều so với các thành phố khác.

Vậy có giải pháp nào để giảm tỷ lệ lây nhiễm đó hay không, thưa ông?

Nếu nói về giải pháp thì có rất nhiều các giải pháp khác nhau, trong đó có thể nhắc đến đó là việc cắt giảm kinh phí trước mắt đã khiến hoạt động thông tin giáo dục truyền thông giảm theo và hậu quả là nhận thức của người dân về bệnh không cao. Các dịch vụ về can thiệp giảm tác hại như phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng có thể không tăng trong những năm tới do không đủ kinh phí.

Ngoài ra, tại các địa bàn xã, phường phải chú trọng các hoạt động can thiệp như: phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng, phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus (ARV); khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi cần thiết; hỗ trợ người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone…

Đó là những giải pháp hữu hiệu và cấp bách nhất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để giảm thiểu tối đa nhất tình trạng lây nhiễm.

Ngoài Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM thì còn có các tỉnh thành phố nào có tỷ lệ nhiễm HIV cao, thưa ông?

Ngoài Hà Nội thì còn các tỉnh khác có dịch trầm trọng như dọc biên giới Nghệ An - Lai Châu, tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai... Riêng tại  Đồng Nai, theo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Sở y tế Đồng Nai báo cáo lên Cục thì: Tính đến tháng 4 năm 2015, đã có 7.169 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có 3.423 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 2.428 người tử vong. Và theo dự báo, nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu, thì đến năm 2020, số người lây nhiễm HIV/AIDS có thể lên đến 700.000 người…Và cứ mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam, lại có thêm 100 người phải sống chung với căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS.

Lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục, vậy phải chăng là tỷ lệ nữ giới bị nhiễm HIV cao hơn nam giới?

Con đường lây truyền bệnh chính trước đây là ma túy chiếm đến 60% thì nay giảm dần, điều đó rất đáng chú ý. Và 34% số những người nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm lại là nữ giới mà trước đó chỉ là 15-20%. Mỗi năm có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV, chiếm 0,12% và có 1.200 người không được điều trị dự phòng.

Quang cảnh buổi găp mặt báo chí


Hiện nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có tỷ lệ giảm, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với các thành phố khác. việc hỗ trợ điều trị những người nhiễm HIV nói chung và công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn do các tổ chức quốc tế đang giảm mạnh hỗ trợ thuốc ARV, trong khi nguồn ngân sách trong nước hiện đang chiếm tỉ lệ rất nhỏ, 5-7%. Trong khi đó có rất ít doanh nghiệp dược quốc tế đăng ký thuốc ARV tại Việt Nam, trong khi đó bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả cho điều trị ARV, chưa có hệ thống phân phối thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.

Vậy mục tiêu Việt Nam kỳ vọng kết thúc đại dịch HIV/AIDS năm 2030 sẽ khó thực hiện?

Phải thừa nhận mục tiêu này  thực sự là thách thức với Việt Nam, tuy nhiên cần quyết tâm thực hiện bằng được.  Là quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chương trình này chính vì vậy Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính đang xúc tiến việc sử dụng nguồn quỹ Bảo hiểm y tế để chi trả tiền thuốc ARV. Với mục tiêu còn lại hoàn toàn mang tính chuyên môn, có thể thực hiện được bằng cách lập điểm xét nghiệm trên toàn quốc. Đại dịch không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp. Đây là việc cần phải làm và chúng ta càng làm sớm thì càng tiết kiệm, càng dễ làm và hiệu quả.

Cảm ơn ông!

>> Hà Nội: 17% người bán dâm nhiễm HIV

Theo Minh Khuê (Một Thế Giới)