Xã hội

Sở Tài nguyên: Cảnh báo không khí Hà Nội có hại là "không đủ cơ sở"

Phó giám đốc Sở Tài nguyên cho rằng, kết quả nghiên cứu chất lượng không khí của GreenID không có giá trị vì “không nằm trong quy định nhà nước”.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên cho rằng, kết quả nghiên cứu chất lượng không khí của GreenID không có giá trị vì “không nằm trong quy định nhà nước”.

so-tai-nguyen-canh-bao-khong-khi-ha-noi-co-hai-la-khong-du-co-so

Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định. Ảnh: Võ Hải.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên, có thể GreenID lấy số liệu quan trắc tại một thời điểm, một vị trí như một điểm giao thông hay một công trình đang phá dỡ nên kết quả không thể phán ánh toàn diện chất lượng không khí của thủ đô.

Tuy nhiên, ông Định cũng thừa nhận, vào mùa khô ô nhiễm không khí do bụi ở Hà Nội rất cao do thành phố đang có nhiều công trình xây dựng lớn. “Ô nhiễm không khí bụi hiện nay chúng tôi cũng đưa vào trong nhóm có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng”, ông Định nói.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên cho biết thêm, hiện thành phố có 10 trạm quan trắc không khí và sắp tới lắp đặt thêm 70 trạm, người dân có thể truy cập vào Cổng giao tiếp điện tử của thành phố để biết được mức độ ô nhiễm không khí tại các điểm có đặt trạm quan trắc.

so-tai-nguyen-canh-bao-khong-khi-ha-noi-co-hai-la-khong-du-co-so-1

Số liệu quan trắc lúc 16h ngày 19/9 (công bố trên Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội) cho thấy không khí ở hầu hết điểm được quan trắc đạt chỉ số tốt.

Theo kết quả nghiên cứu chất lượng môi trường Việt Nam của GreenID, trong những tháng đầu năm số ngày chất lượng không khí ở mức "rất có hại cho sức khỏe" tại Hà Nội gia tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý I, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM 2.5 (hạt bụi lơ lửng đường kính từ 2,5 micromet trở xuống) trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia (50 μg/m3) và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội vừa đề xuất thành phố cho lắp đặt 3 trạm quan trắc nước mặt trên các sông Tô Lịch, Nhuệ và Cầu Bây. Các bên liên quan đã tổ chức khảo sát thực địa, thống nhất phương án lựa chọn vị trí lắp đặt 3 trạm.

Cũng theo Sở Tài nguyên, 3 trạm quan trắc tự động nước mặt tại hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm và suối Lai Sơn (nằm trong khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn) đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)