Xã hội

Sinh viên trường cao đẳng bị bắt phải đi làm công nhân "thời vụ"?!

Dù học chuyên ngành kế toán nhưng nhiều sinh viên năm cuối phải bắt buộc đi thực tập trải nghiệm như một “công nhân” tại nhà máy lớn.

Dù học chuyên ngành kế toán nhưng nhiều sinh viên năm cuối phải bắt buộc đi thực tập trải nghiệm như một “công nhân” tại nhà máy lớn.

Sự việc sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội phải bắt buộc đi thực tập trải nghiệm như một “công nhân” tại nhà máy Sam Sung ở Thái Nguyên khiến dư luận bức xúc.

Chia sẻ với PV, em B.T.Q, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, cũng là người đang thực tế làm “công nhân” tại nhà máy Sam Sung cho biết, việc đi trải nghiệm tại nhà máy Sam Sung là bị ép buộc chứ không phải tự nguyện. Nhà trường thông báo, ai không đi không được tốt nghiệp.

“Tháng 8/2016, khi bọn em học xong quân sự thì nhà trường thông báo đột ngột đi thực tế tại nhà máy Sam sung để trải nghiệm khiến ai cũng ngỡ ngàng, không sinh viên nào đồng ý cả. Khi đi vào đó thì con trai được xếp làm bên pin, nghe nói độc hại còn con gái chúng em được xếp làm bên main, công việc nhẹ hơn. Bọn em được hưởng lương là 3 triệu 960 nghìn đồng và làm việc tay chân như công nhân bình thường”, em Q. cho biết.

Theo Q., không phải riêng chuyên ngành kỹ thuật phải đi mà tất cả các chuyên nghành như quản trị văn phòng, kế toàn cũng phải đi thực tế với thời gian là 6 tuần.

“Chúng em không hiểu vì sao học kinh tế lại đi vào đây làm công nhân. Bọn em vào đây làm việc vất vả và áp lực. Như bọn em làm ca đêm từ 8h tối cho đến 5h sáng nhưng phải làm tăng ca cho đến 8h sáng. Bọn em có điện về cho gia đình, bố mẹ cũng lo nhưng chỉ biết động viên thôi. Nếu học kỹ thuật, máy móc vào đây thực tế còn được, đằng này bọn em học kế toán lại làm như thế”, Q. chia sẻ.

Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, nơi bị tố ép sinh viên đi thực tế

Theo phản ánh của một số sinh viên, nếu không đi, sinh viên sẽ không được ra trường và đó là yêu cầu bắt buộc. Sinh viên có thắc mắc đến thầy cô thì không nhận được lời giải thích rõ ràng và cũng không được biết chương trình này do ai đề ra, của nhà nước, của tỉnh hay của Bộ Giáo dục?

Cũng theo phản ánh của những sinh viên này, việc đi trải nghiệm thực tế trên là do nhà trường và công ty tự liên hệ với nhau. Bên cạnh đó, có những thông tin cho rằng, bằng việc đưa các em đi thực tế tại nhà máy Sam Sung thì nhà trường bỏ túi khoảng 3 tỷ đồng trên công sức làm việc của sinh viên.

Không nắm rõ hợp đồng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Quang – Phó hiệu trưởng trường cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội cho biết, việc sinh viên thực tế là nằm trong kế hoạch của nhà trường.

“Trong chương trình 10 tuần thực tập thì có 6 tuần thực tế tại Sam Sung, 4 tuần là thực tập chuyên môn sâu về ngành mình đang học. Nhà trường xây dựng một đề cương để các em làm quen với dây chuyền công nghệ, ý thức kỷ luật lao động và học cách sắp xếp, tổ chức của các dây chuyền, thiết bị. Nằm trong kế hoạch đào tạo không ép ai, trước khi thực hiện, chúng tôi đã mời giáo viên chủ nhiệm, sinh viên, doanh nghiệp để nói về các điều kiện thực hiện giúp chúng tôi và các thỏa thuận. Trong thời gian thực tập, sinh viên được doanh nghiệp trả lương, hỗ trợ ăn, ở, đi lại. Đến thời điểm đây là tuần cuối làm việc ở Sam Sung, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ảnh nào của SV”, ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, việc thực tế, trải nghiệm tại doanh nghiệp có thỏa thuận trong nội dung công việc. Các sinh viên được thực hiện theo sắp xếp của doan nghiệp vào các dây chuyền, có em vào văn phòng, có em vào các bộ phận chuyên môn, sắp xếp các linh kiện.

Trước câu hỏi về việc nhà trường sẽ được cắt tiền % từ ngày công của sinh viên thì ông Quang cho biết, đây là hợp tác đào tạo, còn về khoản kinh phí hay hỗ trợ gì của Sam Sung cho nhà trường, thì ông không được đọc hợp đồng nên không được biết. "Khi sinh viên không thực hiện được công việc và vi phạm kỷ luật, doan nghiệp sẽ trả về. Vừa rồi nhà trường đã tiếp nhận lại một số em thì nhà trường lại cho đi các doanh nghiệp khác", ông Quan nói.

Trước những phản ánh của sinh viên trong quá trình làm việc bị ngất, làm việc quá sức và phải làm việc như công nhân, tăng ca 12 tiếng thì ông Quang cho rằng không nắm được sự việc đó bởi không ai báo cáo lên.

“Nhà trường không được phản ánh về chuyện này. Chúng tôi có bộ phận trực tiếp phối hợp với người ta trên đó, đơn vị quản lý rất chặt. Chúng tôi không ký hợp đồng 12 tiếng, chỉ làm việc 8 tiếng theo giờ lao động phổ thông. Cá nhân em nào làm 12 tiếng là việc của các em với đơn vị. Chúng tôi không được phản ánh về việc làm 12 tiếng. Không em nào xin phép, báo cáo nhà trường để làm 12 tiếng. Hiện tại các em đã năm thứ ba, đã là đầy đủ năng lực công dân. Khi sinh viên đề nghị thì nhà trường mới đứng ra. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn phải bảo vệ quyền lợi cho sinh viên của mình khi các em có đề nghị”, ông Quang cho biết.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem bản hợp đồng ký kết giữa nhà trường và bên Sam Sung thì ông Quang cho rằng bản hợp đồng do thầy hiệu trưởng giữ, ông chỉ phụ trách chuyên môn (?).

Được biết, 359 sinh viên đang thực tế tại Sam Sung, thế nhưng việc các sinh viên này được phân công làm ở những bộ phần nào trong nhà máy... thì nhà trường lại không nắm rõ (?!).

Theo Ngọc An - Dương Nhung (Nguoiduatin.vn)