Xã hội

Sinh viên đóng tiền chống trượt trong kỳ thi là tham nhũng giáo dục

Vụ sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đóng tiền để chống trượt kỳ thi cấp chứng chỉ môn tiếng Anh là tham nhũng, hối lộ trong giáo dục.

Dư luận xã hội đang xôn xao xung quanh thông tin sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đóng tiền 1,9 triệu đồng/người để chống trượt kỳ thi cấp chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh.

Sinh viên đóng tiền chống trượt trong kỳ thi là tham nhũng giáo dục
Cảnh đóng tiền

Theo đó, các giảng viên đến từ khoa Ngoại ngữ của trường sẽ thu tiền rồi dạy sinh viên học thuộc lòng bộ đề thi cho sẵn. Vấn đề đáng chú ý là, những sinh viên không đăng ký khóa học chống trượt 1,9 triệu đồng/người chắc chắn trượt dù giỏi tới đâu.

Theo thông tin đăng tải trên mạng xã hội, có hai cách để các sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp cận với gói thi “chống trượt”.

Thứ nhất, tại nhóm kín trên facebook có tên “Nhóm thi tiếng Anh đầu ra HAUI”, quản trị viên sẽ phát thông báo mời gọi kèm khuyến mại là “nộp tiền sớm được giảm 100.000 đồng”.

Thứ hai, sinh viên liên hệ với khoa Ngoại ngữ của trường để đăng ký. Tuy nhiên, nếu trượt thì được “bảo hành” ở đợt thi sau.

Sau khi đóng tiền, về lý thuyết, các sinh viên sẽ được ôn luyện 6 buổi được tổ chức thành nhiều lớp tại tầng 5 nhà A9. Tuy nhiên trên thực tế, phần đa các sinh viên chỉ có mặt tại buổi đầu để đóng tiền và buổi cuối lấy tài liệu, nghe dặn dò.

Bên hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn VOV.VN, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhận định, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đóng tiền 1,9 triệu đồng/người để chống trượt đạt chuẩn đầu ra môn tiếng Anh trong kỳ thi cấp chứng chỉ môn học này đã cho thấy, đây là vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, cấp văn bằng ở nước vốn như là một căn bệnh, rất nhức nhối.

Nhiều người rất yêu chuộng bằng cấp nên lệ thuộc vào nó, coi bằng cấp như là bảo bối, giấy thông hành vào đời, leo cao luồn sâu lên quyền lực. Vì vậy, họ bất chấp sự giả dối nên dẫn đến tham nhũng về bằng cấp. Khi ai đó tham nhũng về bằng cấp được thì mới tham nhũng được quyền lực và kinh tế và từ đó mới có điều kiện thực hiện những tham nhũng khác.

Câu chuyện sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đóng tiền chống trượt 1,9 triệu đồng/người để đạt chuẩn đầu ra môn tiếng Anh chỉ phản ánh một góc khuất rất nhỏ trong vấn đề bằng cấp. Không phải chỉ là việc mua bán, làm giả bằng cấp ở ngoài xã hội, câu chuyện sinh viên nộp tiền chống trượt môn học, lấy bằng cấp đã được đề cập nhiều.

Vụ việc ở Đại học Công nghiệp Hà Nội là dấu hiệu của việc đưa và nhận hối lộ cũng như môi giới hối lộ.

Sinh viên đóng tiền chống trượt trong kỳ thi là tham nhũng giáo dục - 1
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Thông qua vụ việc này, ngành Giáo dục tiếp tục tuyên truyền cho các trường đại học thực hiện nghiêm túc việc thi cử, cấp văn bằng cũng như tiếp tục rà soát chặt chẽ việc làm này ở các cơ sở đào tạo khác.Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc để đạt được chuẩn đầu ra môn học hay có được chứng chỉ tốt nghiệp không được thực hiện bằng kiến thức, năng lực thực sự của học sinh mà là bằng tiền.

Đây là việc làm đáng lên án, có dấu hiệu của tội phạm, cần phải được xem xét, xử lý nghiêm không chỉ ở mặt hành chính mà còn ở mặt hình sự đối với những cá nhân có liên quan (kể cả ở trong và ngoài trường học) để trả lại sự công bằng cho những người có năng lực thực sự, học tập nghiêm túc.

Về vụ việc này, PGS.TS.Trần Đức Qúy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, ngay sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo nhà trường đã làm việc với các cá nhân, đơn vị liên quan trong trường để xác minh các nội dung mà báo nêu.

Qua giải trình ban đầu của các cá nhân, đơn vị, nhà trường xác nhận hai cô giáo trong video clip mà báo phản ánh đúng là giảng viên của trường. Tuy nhiên, cô giáo có giải trình và nhận trách nhiệm về phát ngôn không chuẩn xác dẫn đến hiểu sai chủ trương của khoa Ngoại ngữ và nhà trường.

PGS.TS.Trần Đức Qúy cho rằng, đây là khoản thu do một số sinh viên còn yếu về ngoại ngữ, đăng ký học bổ sung kiến thức nâng cao năng lực, để có thể đạt chuẩn đầu ra theo quy định. Khoa Ngoại ngữ đã xây dựng chương trình và tổ chức các lớp bồi dưỡng để sinh viên tự nguyện đăng ký học tập.

Học phí sinh viên nộp theo khối lượng giảng dạy của chương trình do khoa Ngoại ngữ xây dựng. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nhà trường chỉ tổ chức kiểm tra để công nhận đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định nội bộ của trường.

“Thông tin sinh viên của trường phải đóng tiền chống trượt được báo chí phản ánh khiến ông ngỡ ngàng, vì chưa bao giờ trường Đại học Công nghiệp xảy sự việc như vậy.

Nhà trường sẽ tiếp tục làm việc với các cá nhân, đơn vị làm rõ các nội dung phản ánh và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị sai phạm (nếu có).

Tuy nhiên, nhà trường vẫn tổ chức họp và làm tường trình báo cáo sự việc lên cơ quan chủ quản là Bộ Công thương. Sau đó, trường cũng làm văn bản báo cáo gửi Bộ GD-ĐT”, hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định./.

Theo Bích Lan (VOV.vn)