Xã hội

Sinh thường phong bì 500 ngàn, sinh mổ 1 triệu, ai cũng vậy!

“Đẻ thường phong bì 500 ngàn, đẻ mổ 1 triệu đồng, ai cũng như vậy”- thông tin trên được bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, chia sẻ ngày 15-12.

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cho hơn 2.200 cán bộ y tế 63 tỉnh, thành phố tại Hà Nội sáng 15-12, bà Hạnh chia sẻ câu chuyện của chính bản thân bà tại một bệnh viện phụ sản. Tại đây bà hỏi người nhà bệnh nhân có đưa phong bì không, người dân cho biết: "Đẻ thường phong bì 500.000 đồng, đẻ mổ 1 triệu,, ai cũng như vậy, cô không tin tôi thì lên khoa hỏi mọi người mà xem".

Bà Hạnh phân tích, cách phản ánh như vậy rõ ràng không phải do bác sĩ vòi vĩnh nhưng mà đã thành tiền lệ và người bệnh đến đó phải chấp nhận theo tiền lệ đó chứ không phải phong bì xuất phát từ sự trân trọng, biết ơn của người bệnh. "Không ít bệnh nhân đã phải đưa phong bì hết sức miễn cưỡng, dù nhân viên y tế không đòi. Chúng ta không cấm phong bì, nhưng cái phong bì phải được đưa với động cơ nào để đưa phong bì"- bà Hạnh nói.

Sinh thường phong bì 500 ngàn, sinh mổ 1 triệu, ai cũng vậy!
Nhiều người chọn cách "lót tay" nhân viên y tế để không phải chờ khám quá lâu - Ảnh minh họa

Đưa ra câu hỏi "bệnh nhân có được nhân viên y tế xử lý công việc thành thạo, đáp ứng nhu cầu của người bệnh hay không?", bà Hạnh phân tích: người bệnh không có năng lực để phán xét trình độ chuyên môn của nhân viên y tế nhưng cảm nhận của người ta là thành thạo, không lóng ngóng, đáp ứng ngay là họ hài lòng.

Theo bà Hạnh, có thể bác sĩ vừa nói chuyện, vừa kê đơn như vậy để tạo ra sự giao tiếp thân thuộc giữa người bệnh và bác sĩ, bác sĩ tỏ thái độ cầu thị khiến bệnh nhân yên tâm thoải mái hơn. "Quan sát nhiều phòng khám bệnh nhân mãn tính, cá nhân tôi đã bắt gặp cảnh bác sĩ mở đơn thuốc có sẵn và điều dưỡng đo huyết áp, cặp nhiệt độ, đưa chỉ số xét nghiệm máu rồi bác sĩ ấn một cái ra cái đơn. Bệnh nhân nhận đơn rồi đi, không một lời trao đổi, không lời hỏi thăm"- bà Hạnh nói.

"Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy mỗi bệnh viện, mỗi vùng miền có cách giao tiếp khác nhau, do đó, các bệnh viện phải thảo luận để tìm ra cách hài hòa nhất, Bộ Y tế cũng không thể áp đặt thế nào là thái độ lý tưởng"- bà Hạnh nói.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cho biết 83 tiêu chí chấm điểm bệnh viện là một khối thống nhất, yêu cầu các bệnh viện phải làm tốt mọi khâu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thái độ phục vụ và quản lý lãnh đạo.

Để thẩm định kết quả tự đánh giá, trong tháng 1-2018, Bộ Y tế và các Sở Y tế 63 tỉnh thành sẽ đồng loạt "ra quân", thành lập các đoàn phúc tra chéo giữa các bệnh viện. Trong đó, tiêu chí chấm điểm bệnh viện nhấn mạnh phần đánh giá sự hài lòng của người bệnh theo 5 nhóm gồm: Nhóm chỉ số về tiếp cận (từ nhà đến cơ sở cung cấp dịch vụ, biển báo, chỉ dẫn…); Nhóm chỉ số về minh bạch thông tin và thủ tục hành chính; Nhóm chỉ số về cơ sở vật chất; Nhóm chỉ số về nhân viên y tế; Nhóm chỉ số về kết quả cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Y tế bổ sung thêm tiêu chí mang tính đặc thù của dịch vụ y tế là đánh giá sự hài lòng và ý kiến của người bệnh về giá dịch vụ y tế trong việc đồng chi trả các kỹ thuật, thuốc men khi tham gia bảo hiểm y tế.

Theo D.Thu (Nld.com.vn)