Xã hội

Sai phạm tại “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý phải kỷ luật nghiêm

Trong buổi công bố kết luận thanh tra diễn ra tại UBND tỉnh Yên Bái chiều 23/10, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc quản lý, cấp phép xây dựng khu “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN&MT; tỉnh Yên Bái, cũng như việc kê khai tài sản thiếu trung thực của ông này.

Sai phạm tại “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý phải kỷ luật nghiêm
TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm tại biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái. Ảnh: Minh Đức.

Không thẩm định, cấp phép nhanh

Theo kết luận thanh tra, vào ngày 15/1/2014 và ngày 8/2/2015, bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý) cùng 40 gia đình đã thỏa thuận về việc các hộ này góp tiền giao cho bà Huệ là người đại diện đứng tên trên hồ sơ giấy tờ về đất thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và thực hiện chuyển mục đích sang đất ở, sau đó chuyển giao lại cho các hộ để cải tạo thành khu dân cư sinh sống cùng nhau.

Theo đó, bà Huệ đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 4 hộ dân tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái diện tích hơn 67.000 m2 đất với tổng số tiền theo hợp đồng chuyển nhượng là 950 triệu đồng vào năm 2014 và đầu năm 2016. Ngày 2/7/2015, bà Huệ nộp 5 bộ hồ sơ xin chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.200 m2 và xin tách thành 11 thửa đất khác nhau. Ngày 5/5/2016, bà Huệ nộp một bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng hơn 300m2 đất rừng sản xuất sang đất ở.

Sau khi được UBND TP Yên Bái cho phép và việc chuyển đổi mục đích sử dụng hoàn thành, tách thửa, Huệ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở này cho 37 hộ (trong 40 hộ đã thỏa thuận với bà Huệ) với diện tích hơn 10.400m2. Bà Huệ có đơn xin trả lại hơn 4.700m2 đất nông nghiệp cho Nhà nước để làm đường đi chung cho các hộ dân, trong đó có khu nhà của bà Huệ và đã được UBND TP Yên Bái giảm trừ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ. Đến thời điểm thanh tra, diện tích đất còn lại mà bà Huệ đứng tên, sử dụng gồm hơn 6.600m2 đất ở và hơn 47.500m2 đất nông nghiệp.

Qua thanh tra cho thấy, trong 6 hồ sơ mà UBND TP Yên Bái cho phép bà Huệ chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.500m2, cơ quan chức năng, UBND TP Yên Bái đã không thẩm định nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở là vi phạm nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Việc để bà Huệ và các hộ dân tự thành lập khu dân cư, tự làm đường giao thông là không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và đất đai, không phù hợp với nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt tại Nghị quyết 64 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Yên Bái.

Theo Quyết định số 2821 của UBND tỉnh Yên Bái ngày 31/12/2014 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của TP Yên Bái thì diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất ở tại phường Minh Tân là 1,42ha. Chỉ tính riêng bà Huệ đã được UBND TP Yên Bái cho phép chuyển đổi là hơn 1,3 ha và chiếm 93,4% kế hoạch mà UBND tỉnh phê duyệt tại phường Minh Tân. Ngoài ra, UBND TP Yên Bái cho phép bà Huệ chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở là không đúng về loại đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với hơn 4.700m2 đất nông nghiệp bà Huệ trả lại để làm đường giao thông nội bộ cho các hộ dân đã được UBND TP Yên Bái giảm trừ nhưng không quản lý để bà Huệ tự ý làm đường giao thông là không đúng quy định theo Luật Xây dựng. Trong tháng 7, tháng 8/2015, sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Huệ, UBND TP Yên Bái đã ban hành 5 quyết định cho phép bà Huệ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất nhanh.

Công trình không phép, chây ỳ nộp thuế

Cũng theo TTCP, việc UBND TP Yên Bái cấp phép xây dựng cho gia đình bà Huệ chưa đúng với quy định của Luật Xây dựng. Tại thời điểm thanh tra, bà Huệ xây dựng nhà 3 tầng, 1 tum, trên diện tích đất 262m2, tổng diện tích sàn là hơn 845m2. TTCP kết luận gia đình bà Huệ đã xây thêm 1 tum, vượt diện tích 345m2 sàn xây dựng so với giấy phép được cấp. Bà Huệ đã xây dựng một số công trình không phép gồm: 1 nhà thờ gỗ cũ, 1 nhà sàn gỗ cũ, 1 cây cầu bắc qua hồ nước, 1 căn nhà mái bằng làm bếp. UBND TP Yên Bái cùng các cơ quan chức năng chưa thực hiện kiểm tra xử lý những vi phạm xây dựng trên của gia đình bà Huệ.

TTCP cũng cho rằng, trong quá trình xác định tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng khu biệt phủ, cơ quan chức năng TP Yên Bái đã giảm trừ cho bà Huệ hơn 2 tỷ đồng được xác định chi phí đào, đắp mặt bằng là thiếu căn cứ, thiếu cơ sở thực tế. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 13.000 m2 đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, tổng số tiền bà Huệ phải nộp ngân sách nhà nước là hơn 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, bà Huệ thường xuyên chậm nộp thuế. Theo thống kê có 11 lần bà Huệ nộp  thuế chậm, có lần chậm 80 ngày.

Theo quy định cơ quan thuế phải xử lý việc chậm nộp thuế của bà Huệ. Tuy nhiên, Chi cục Thuế TP Yên Bái đã không thông báo cho bà Huệ, không xử phạt nộp chậm đối với bà Huệ là việc không đúng quy định, gây thất thu ngân sách. Ngoài ra, UBND TP Yên Bái đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ trong khi chưa xử lý việc nộp chậm thuế của bà Huệ là chưa đúng với quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý Thuế.

Ông Quý không kê khai nhiều bất động sản

Qua thanh tra, đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập (TSTN) năm 2014 của ông Phạm Sỹ Quý xác định, ông Quý đã không kê khai 1.200m2 đất ở và hơn 59.500 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; Không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng. Năm 2015, ông Quý không kê khai 13.111 m2 đất ở và 41.568 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; Không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng.

Đối với việc kê khai tài sản khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái: Năm 2016, ông Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở và 27.556m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên; Không kê khai 1 nhà diện tích 600m2 tại tổ 51 phường Minh Tân; Không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và vay bạn bè 60 cây vàng.

TTCP xác định, ông Quý đã ký 4 hợp đồng tín dụng vay ngân hàng gồm: Vay của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Yên Bái 3,8 tỷ đồng năm 2014 mục đích tiêu dùng; Ký 3 hợp đồng với ngân hàng vay 9,55 tỷ đồng mục đích để xây nhà và sửa nhà năm 2015, 2016. Đến 31/12/2016, gia đình ông Quý còn nợ ngân hàng hơn 9 tỷ đồng. Theo giải trình của ông Quý, khoản tiền vay trên gia đình sử dụng một phần để xây nhà ở, khu trang trại với tổng chi phí khoảng 7 tỷ đồng.

TTCP kết luận, UBND TP Yên Bái cho phép bà Huệ chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 13.500 m2 đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không đúng quy định. Trách nhiệm chính thuộc về Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái đã ký các quyết định cho phép bà Huệ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và Chủ tịch UBND TP Yên Bái với vai trò là người đứng đầu, Phòng TNMT TP Yên Bái và các cá nhân có liên quan.

Ông Phạm Sỹ Quý có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập nhưng đã không kê khai đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai. Việc kê khai thiếu trung thực của ông Quý đã gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; Vi phạm chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản. TTCP cho rằng, những vi phạm của ông Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái cam kết xử lý với mức rõ ràng

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nói rằng, đã rất mong đợi kết luận này của TTCP, từ đây sớm giải tỏa những hồ nghi của dư luận thời gian qua. Chính UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản đề xuất Trung ương tổ chức cuộc thanh tra để đảm bảo khách quan, minh bạch. Phía tỉnh Yên Bái luôn sẵn sàng cung cấp tất cả  những gì đoàn Thanh tra yêu cầu liên quan vụ việc. Cuộc thanh tra đã kết thúc từ 19/7, và không chỉ lãnh đạo tỉnh Yên Bái, không chỉ dư luận xã hội, mà chính những đối tượng bị thanh tra rất mong đợi kết luận này.

Yên Bái cần kết luận đó còn để tổ chức thực hiện những đề nghị của TTCP, và hiểu rõ hơn về những hạn chế, sai phạm và tồn tại để xử lý. Tỉnh Yên Bái cũng không có bất cứ đề nghị nào xin hoãn hay tạm lùi công bố kết luận thanh tra kể cả trong bối cảnh tỉnh chịu thiệt hại nặng nề thiên tai. Ông Duy cũng có đề nghị TTCP nên có giải thích thỏa đáng về việc để kéo dài thời gian chưa công bố kết luận để tránh dư luận hồ nghi có sự khuất tất nào đó.

Chính sự chậm trễ công bố kết luận đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của người dân với hệ thống chính trị. Ông Đỗ Đức Duy cam kết sẽ có hội đồng xử lý kỷ luật với mức xử rõ ràng. Ông cũng có lời cảm ơn báo chí đã có những phản ánh về sai phạm và đặc biệt là sự đồng hành với Yên Bái khi bão lũ xảy ra.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Yên Bái sáng nay đã họp, thành lập hội đồng xem xét kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm theo kết luận của TTCP. Cuối chiều qua, ông Đỗ Đức Duy đã có cuộc họp UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành về việc thực hiện đề nghị trong kết luận của TTCP.

Về quá trình thực hiện thanh tra, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng TTCP, phát biểu kết luận buổi công bố, đã đánh giá cao sự hợp tác của Yên Bái trong bối cảnh tỉnh này đang phải rất nỗ lực ứng phó với thảm họa thiên tai trong ba tháng vừa qua (Yên Bái bị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng, gần 30 người chết và mất tích). Các lãnh đạo tỉnh Yên Bái hoàn toàn khách quan, minh bạch, và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho đoàn thanh tra làm việc với những thông tin, tư liệu trung thực, chính xác.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Có phải đặc quyền không?

Chiều 23/10, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi nhanh với PV sau khi TTCP công bố kết luận thanh tra tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý.

“Giả dụ như đó không phải là quan chức thì có làm được không? Nếu người dân khác mà muốn thì có được không? Tại sao nhà nước đã có hàng rào pháp luật để bảo vệ lợi ích chung, bảo vệ tài nguyên đất đai, tại sao những ưu đãi đó chỉ dành cho quan chức? Đó có phải đặc quyền hay không? Nếu coi đó là ưu đãi về luật pháp thì ưu đãi đó có phải chỉ dành cho một số người hay không, còn người dân thì sao?

Chưa nói đến quan hệ của những cá nhân liên quan đến vụ việc này, tôi cho rằng, đây chính là những bằng chứng rõ nhất để thấy lỗ hổng của luật pháp và chúng ta phải truy đến tận cùng. Nếu một lần nữa chúng ta cho qua thì sẽ có rất nhiều người khác làm như vậy”, ông Quốc nói.

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, việc nói là “giàu nhờ buôn chổi đót” chỉ là giả dối. Cần làm rõ để chấm dứt tình trạng này, vì chắc chắn đây không phải là một người, mà là cả nhiều người biết lợi dụng kẽ hở để tạo đặc quyền và chia sẻ lợi ích với nhau. “Nếu thanh tra đã có kết luận thì cứ theo luật mà làm, người dân sẽ soi vào đó để củng cố lòng tin”, ông Quốc nhấn mạnh.  

Thành Nam

Theo Tùng Duy - Nguyễn Hoàn (Tiền Phong)