Xã hội

Truyền dịch cứu 1.000 cây cổ thụ: 'Không sử dụng túi truyền dịch của Trung Quốc'

Để cứu sống hàng loạt cây cổ thụ ở TP Trà Vinh, các chuyên gia cây xanh đã chọn một phương pháp có thể khiến nhiều người thấy lạ lùng, đó là truyền dịch vào thân cây.

Truyền dịch cứu 1.000 cây cổ thụ: 'Không sử dụng túi truyền dịch của Trung Quốc'
Ảnh cắt từ video của CanthoTV

Theo tin từ Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng phòng quản lý đô thị TP Trà Vinh) cho hay, sau một thời gian tìm hiểu các chuyên gia kết luận nguyên nhân khiến hàng loạt cây cổ thụ như sao đen, dầu rái, me... trên 150 năm tuổi có nguy cơ cao bị chết là do đô thị hóa, bê tông hóa làm cho nước ở gốc cây không thẩm thấu xuống rễ. 

Ngoài ra, việc chăm sóc cây không đúng sẽ khiến cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng.

Có rất nhiều giải pháp được đưa ra như bón phân, thay lớp đất mặt, mở rộng bồn cây... trong đó, đặc biệt nhất là truyền dịch dinh dưỡng trực tiếp vào thân cây. Ông Bình thông tin, túi truyền dịch là phân bón ở dạng nước, chất dinh dưỡng này giống như nước biển.

Liên quan tới nguồn gốc túi truyền dịch, ông Lê Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thảo dược Maphaco, đường Điện Biên Phủ, thị trấn Sa Pa, Lào Cai) cho biết trên báo Đất Việt, có 2 loại là túi truyền dịch của Nhật (giá 1,2 triệu đồng/túi/lít) và túi truyền dịch của Trung Quốc (giá 430.000 đồng/túi). 

Vị này cho rằng hiện có đến 90% người trồng cây ở nước ta dùng túi truyền dịch của Trung Quốc vì giá rẻ và thuần với Việt Nam nhiều hơn.

Thế nhưng, Trưởng phòng quản lý đô thị TP Trà Vinh Nguyễn Văn Bình khẳng định, TP Trà Vinh "không sử dụng túi truyền dịch của Trung Quốc", dù túi truyền dịch của Nhật Bản và Trung Quốc đều có chất lượng như nhau.

"Chuyên gia người Hà Lan đã mang công nghệ, phương pháp mới về chăm cây cho Trà Vinh. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh áp dụng cách truyền chất dinh dưỡng cho cây. Mặc dù là cây cổ thụ nhưng tính ra mỗi cây dùng không đến 1 lít nước chất dinh dưỡng, trung bình mỗi năm thành phố sẽ truyền dịch cho các cây 1 lần", nguồn trên dẫn lời ông Bình.​

Truyền dịch cứu 1.000 cây cổ thụ: 'Không sử dụng túi truyền dịch của Trung Quốc' - 1
Cây xanh ở TP Trà Vinh. TP này được mệnh danh là “miền xanh”, “thành phố công viên” vì có hàng trăm cây cổ thụ. (Ảnh: Đ.D.H/Lao động)

Trưởng phòng quản lý đô thị TP Trà Vinh trước đó cho biết trên VnExpress, giải pháp cứu hàng loạt cây cổ thụ được tỉnh Trà Vinh thống nhất với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.

Trên địa bàn TP Trà Vinh có hơn 13.000 cây xanh, trong đó khoảng 1.000 cây cổ thụ có nguy cơ chết. Từ năm 2016, tỉnh đã mời nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài khảo sát tìm nguyên nhân cây cổ thụ suy kiệt, có khả năng chết cao để tìm phương án cứu. Sau 2 năm áp dụng phương pháp đặc biệt cứu cây thì hàng trăm "cụ cây" đã hồi sinh bất ngờ.

Theo Thanh Tú (Soha/Thời Đại)