Xã hội

Rùa hồ Gươm thuộc loài rùa hiếm quý nhất thế giới

Sau cái chết của rùa hồ Gươm tại Hà Nội, Việt Nam, loài rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử chỉ còn lại ba cá thể trên toàn thế giới.

Sau cái chết của rùa hồ Gươm tại Hà Nội, Việt Nam, loài rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử chỉ còn lại ba cá thể trên toàn thế giới.

Rùa Hồ Gươm phơi nắng đợt đầu năm 2015. Ảnh: PGS Hà Đình Đức.

 
Rùa hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử (Rafetus swinhoei), còn gọi là rùa mai mềm Thượng Hải. Loài rùa này rất dễ nhận biết nhờ phần đầu dài, chiếc mõm giống lợn và đôi mắt nhỏ. Đây là loài rùa nước ngọt lớn nhất trên thế giới, đồng thời nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân loại. Nguyên nhân khiến loài rùa sắp tuyệt chủng là do tình trạng săn bắt quá mức để lấy xương, mai và môi trường sống bị phá hủy.

Những con rùa có chiều dài hơn 100 cm, bề ngang rộng 70 cm và nặng 70 - 100 kg. Riêng phần mai rùa có thể dài trên 50 cm và đạt chu vi 106 cm. Con đực thường nhỏ hơn con cái và sở hữu chiếc đuôi dài lớn hơn. Loài rùa này có nguồn gốc từ sông Dương Tử và Thái Hồ, tại vùng giáp ranh các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc.

Hiện nay, số cá thể rùa mai mềm khổng lồ Dương Tử chỉ còn lại ba con: một con ở hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Việt Nam và hai con được nuôi trong vườn thú Tô Châu, Trung Quốc, theo Scientific American. Tuy nhiên, các nhà khoa học Việt Nam cho rằng rùa hồ Gươm là loài hoàn toàn mới.

Vào tháng 5/2015, Gerald Kuchling, nhà sinh vật chuyên nghiên cứu sinh sản ở loài rùa, dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học thụ tinh nhân tạo cho cá thể rùa mai mềm khổng lồ Dương Tử cái duy nhất còn sống ở vườn thú Tô Châu. Đầu tháng 7, họ quay trở lại Trung Quốc để đánh giá những quả trứng. Con rùa cái đẻ hai ổ trứng, nhưng sau khi soi, Gerald nhận thấy cả 89 quả trứng đều chưa được thụ thai.

Sau thất bại đầu tiên, Gerald đã làm việc với các nhà sinh vật nghiên cứu loài rùa cũng như các chuyên gia sinh sản ở châu Âu nhằm phát triển kỹ thuật lưu trữ tinh dịch rùa mai mềm. Ông cũng lên kế hoạch nghiên cứu chi tiết bên trong cơ thể rùa mai mềm cái và hy vọng kết quả sẽ giúp ích cho lần thụ tinh nhân tạo tiếp theo.

"Không có văn bản hướng dẫn nào. Chúng tôi vẫn học hỏi trong quá trình tiến hành. Dù kết quả từng gây thất vọng nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ đạt được thành công", Rick Hudson, người đứng đầu tổ chức bảo tồn loài rùa Turtle Survival Alliance, cho biết.
 
>> PGS Hà Đình Đức: Cụ rùa Hồ Gươm chết do quy luật sinh tồn
>> Đề nghị đưa rùa Đồng Mô về Hồ Gươm thay cho "cụ Rùa" đã chết

Theo Phương Hoa (VnExpress.net)