Xã hội

Quấy rối tình dục: Khi nạn nhân trở thành "tội đồ"

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng quấy rối tình dục đang là vấn nạn, nhưng nhiều khi nạn nhân lại bị nghi ngờ, chê trách.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng quấy rối tình dục đang là vấn nạn, nhưng nhiều khi nạn nhân lại bị nghi ngờ, chê trách.


- Tôi đánh giá cao sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, về dự kiến thí điểm  một tuyến xe buýt giành riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục. Thực ra vấn nạn QRTD phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng không phải là mới nhưng mãi cho đến gần đây mới được chính thức nêu lên qua nghiên cứu của CGFED, Plan Quốc tế và Actionaid.
 
Điều làm tôi vui mừng và xúc động là ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng này,  Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan đã có những động thái rất rõ ràng và quyết liệt để giải quyết vấn nạn. 

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

- Tuy nhiên, sau đó Thành phố lại quyết định tạm dừng thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em, TS đánh giá thế nào về động thái này?

- Tôi rất lấy làm tiếc vì việc dừng thí điểm phương án này. Có thể phương án này còn đang được xem xét dưới nhiều góc độ. Như vấn đề ùn tắc do cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp kém, lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn.

Cũng cần nói thêm, tại Hà Nội hệ thống xe buýt là loại hình phương tiện giao thông công cộng duy nhất của thành phố có phát triển mạnh, nhưng phần đông người dân vẫn sử dụng các phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn khẳng định rằng, phụ nữ không đòi hỏi được ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi, phụ nữ chỉ muốn được tôn trọng và được bình đẳng với nam giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả trong tham gia giao thông. Phụ nữ chỉ muốn được an toàn để cùng với nam giới tham gia mọi hoạt động xã hội một cách tự tin, chủ động.

- Theo TS, nếu không thực hiện việc thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ giải pháp nào để chống quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng?

- Thay vì tổ chức một tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ, nên chăng Tổng công ty vận tải Hà Nội nên nghiên cứu một số giải pháp như lắp đặt camera và đường dây nóng trên các phương tiện giao thông công cộng kể cả xe buýt, tàu hoả. Tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe, phụ xe để họ can thiệp kịp thời khi hiện tượng QRTD xảy ra trên phương tiện của mình phụ trách.

Chúng ta cũng có thể có các giải pháp khác như treo/kẻ các thông điệp trên xe như "Quấy rối tình dục là một hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Hành động này sẽ được camera ghi lại. Nếu bạn là nạn nhân hoặc chứng kiến hiện tượng này, hãy gọi đến số …"

- Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về chống quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng như thế nào, thưa TS?

- Một số nước mà phương tiện đi lại phổ biến là tàu hoả/tàu điện thì có toa dành riêng cho phụ nữ hoặc có cửa lên xe/tàu giành riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên, cách này cũng không thuận tiện lắm cho những trường hợp như mẹ và con trai, bố và con gái hay vợ chồng đi cùng nhau.

Ở nhiều nước, trên xe ôtô hoặc tàu thường có các thông điệp cảnh báo về nạn quấy rối tình dục. Có nơi còn có thông điệp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như QRTD là tội hình sự … Nhìn chung, ở các nước phương Tây việc QRTD rất được chú ý.

Phụ nữ bị quấy rối tình dục nhưng ngại lên tiếng vì xấu hổ

- Nhìn rộng ra, thực trạng quấy rối tình dục hiện nay được nhìn nhận ra sao ở Việt Nam?

- Quấy rối tình dục khá phổ biến nhưng ít được quan tâm ở Việt Nam vì tình dục vẫn là chủ đề nhạy cảm. Nhiều phụ nữ là nạn nhân của QRTD không dám lên tiếng vì ngại xấu hổ và sợ bị đánh giá.

Các nghiên cứu của Trung tâm CSAGA vài năm trước hay nghiên cứu của tôi về vấn đề QRTD ở nơi làm việc, trường học và các địa điểm công cộng tại Hà Nội và thành phố HCM từ năm 1999 đều khẳng định rằng QRTD là vấn nạn.

Có thể nói là không người phụ nữ nào lại không trải qua ít nhất một lần trong đời bị QRTD, không ở nơi này thì ở nơi khác. Quấy rối tình dục có thể chỉ là những ánh mắt thô bỉ, những lời lẽ tán tỉnh nhưng cũng có thể là những hành động sàm sỡ, xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể và danh dự của nạn nhân.

Có những phụ nữ đã phải chuyển nơi làm việc nhiều lần, có các cháu học sinh sợ không dám đến trường hoặc không dám đi một mình ở nơi công cộng. Điều đáng nói là nạn nhân của QRTD thường không được bảo vệ và bênh vực mà trái lại thường bị nghi ngờ, chê trách bởi bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ và những người xung quanh.

Những phụ nữ bị QRTD tại công sở có thể bị đồng nghiệp nghi ngờ, đố kỵ, chồng con ghen tuông. Các cháu gái bị QRTD ở trường học hoặc nơi công cộng có thể bị cha mẹ rầy la cho là có hành vi gây sự chú ý của kẻ xấu hoặc sau đó sẽ bị cấm đoán hạn chế ra khỏi nhà …

Tóm lại có một nghịch lý là sự trừng phạt không giành cho thủ phạm của QRTD mà lại dành cho nạn nhân .

Quan niệm truyền thống "trọng nam khinh nữ" chính là cội nguồn của vấn nạn này. Câu tục ngữ Việt Nam “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đã bao biện cho hành vi QRTD đối với phụ nữ từ bao đời nay. Xã hội ta coi việc đàn ông chọc ghẹo và sàm sỡ phụ nữ là tự nhiên.

Chính vì vậy rất nhiều người đàn ông cho mình quyền được nghiễm nhiên quấy rối chị em mà không bị lên án. Còn phụ nữ thì chỉ biết chịu đựng câm lặng vì thường không được bênh vực.

- Có ý kiến cho rằng nạn quấy rối tình dục ở Việt nam chưa đến mức “báo động” như ở nước ngoài, các nghiên cứu của Viện ISDS cho thấy kết quả ra sao, thưa TS?

- Như tôi đã nói ở trên, nạn QRTD rất phổ biến ở VN nhưng vì ít người dám lên tiếng nên tạo ra cảm giác là nó chưa đến mức “báo động”. Chẳng lẽ chúng ta lại chờ cho đến khi những câu chuyện tồi tệ như ở Ấn Độ xảy ra rồi mới ‘ra tay’ hay sao? Đừng để “mất bỏ mới lo làm chuồng.”

Theo tôi động thái của UBND Tp Hà Nội và Tổng công ty vận tải Hà Nội là rất đáng hoan nghênh. Nhưng trước mắt hãy thực hiện ngay việc thiết lập đường dây nóng, lắp camera trên xe, sơn các thông điệp như tôi đã nêu ở trên.

Song song là điều chỉnh/ban hành các quy định pháp luật và các chế tài để xứ lý nghiêm các vụ QRTD. Đồng thời mở rộng truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân để xã hội của chúng ta thực sự an toàn cho phụ nữ và các trẻ em gái. Cuối cùng, bất bình đẳng giới chính là cội nguồn của vấn đề. Các giải pháp tổng thể thúc đẩy bình đẳng giới sẽ giúp giải quyết tận gốc nạn QRTD.

"Có thể nói là không người phụ nữ nào lại không trải qua ít nhất một lần trong đời bị QRTD, không ở nơi này thì ở nơi khác. Quấy rối tình dục có thể chỉ là những ánh mắt thô bỉ, những lời lẽ tán tỉnh nhưng cũng có thể là những hành động sàm sỡ, xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể và danh dự của nạn nhân".

TS Khuất Thu Hồng


Cuối tháng 11, Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại TP. Hà Nội và TP.HCM công bố kết quả khảo sát 57% phụ nữ (16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất và 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt. Trước kết quả này, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP HCM về việc rà soát các điểm quấy rối tình dục trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Ngày 24/12, Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ nhằm chống quấy rối tình dục.

Ngày 26/12, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT TP) cho hay Hà Nội sẽ thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em sẽ được bố trí trên 3 trục giao thông chính của Hà Nội gồm trục đường Giải Phóng, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 32. Thời gian thực hiện từ ngày 5/1 - 5/4/2015.

Tuy chủ trương này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên UBND TP Hà Nội đã rút lại.

Theo Công Khanh (Zing.vn)