Xã hội

Phó chủ tịch TP.HCM đề xuất thuê xe thay vì mua xe công

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đề xuất TP.HCM không tiếp tục mua sắm xe công. Thay vào đó, TP sẽ thuê xe để tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đề xuất TP.HCM không tiếp tục mua sắm xe công. Thay vào đó, TP sẽ thuê xe để tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Bàn về các giải pháp tiết kiệm ngân sách, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đề xuất sắp tới, thành phố sẽ không đầu tư mua xe công mà sẽ thuê khi có nhu cầu. “Hiện nay, có nhiều hình thức giúp chúng ta giảm chi phí. Thuê xe cũng giúp thành phố không phải tốn tiền mua xe, bảo trì, thay thế phụ tùng”, ông Tuyến nói.

Pho chu tich TP.HCM de xuat thue xe thay vi mua xe cong hinh anh 1
Phó chủ tịch TP.HCM đề xuất đi thuê thay vì mua sắm xe công. Ảnh: Lê Trai.

Phó chủ tịch TP cũng chia sẻ, dù trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại các sở, ngành nhưng chưa bao giờ mua xe mới. “Xe nào cũng được”, ông Tuyến bày tỏ.

Theo Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, tính toán hình thức mua sắm tài sản công sẽ thấy nếu thuê sẽ giảm chi phí đi rất nhiều.

Một lĩnh vực nữa mà ông Tuyến đề xuất là thiết bị hiện nay mau chóng lạc hậu. "Với thủ tục đầu tư công như hiện nay thì chúng ta vừa mua xong đã lạc hậu rồi. Nên giải pháp đi thuê cũng nên được tính toán đến”,  Phó chủ tịch TP.HCM nói.

Tại cuộc họp, UBND TP cũng cho biết sẽ thực hiện 7 chương trình đột phá từ đầu năm 2017. Ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý không để các hoạt động chuẩn bị Tết ảnh hưởng đến việc triển khai. “Nếu không làm sớm thì không những không hoàn thành 7 chương trình đột phá mà còn không biết hoàn thành được bao nhiêu phần trăm”, ông Tuyến cho hay.

Ông Tuyến cũng đề nghị các sở, ngành cố gắng để đồng vốn ngân sách bỏ ra huy động được nhiều vốn xã hội lớn hơn nữa. Ít nhất 1 đồng ngân sách phải huy động được 15 đồng vốn xã hội. “Điều đó, thể hiện lòng tin của nhà đầu tư vào lãnh đạo thành phố, thể hiện tính hiệu quả của chương trình”, ông Tuyến khẳng định.

Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết tổng vốn đầu tư cho 7 chương trình đột phá ước tính khoảng gần 500 nghìn tỷ. Sở cũng kiến nghị ngành giao thông, chống ngập xác định cụ thể danh sách những nội dung không chỉ phát triển cho TP mà còn ảnh hưởng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trước đó, trả lời câu hỏi của Zing.vn về tác động của việc giảm tỷ lệ ngân sách điều tiết xuống còn 18%, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thông tin đầu tư hạ tầng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngân sách TP hiện nay chủ yếu tập trung cho giao thông, chống ngập, đầu tư bệnh viện, trường học... UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị được giữ nguyên tỷ lệ ngân sách điều tiết như hiện tại.

Theo Hà Hương (Zing.vn)