Xã hội

Phó chủ tịch TP HCM: 'Vỉa hè là đất vàng, sơ hở bị chiếm ngay'

Video: 9 tháng lập lại trật tự vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, buôn bán trên vỉa hè chừng vài tiếng có thể kiếm tiền chợ cho 2-3 ngày, nên rất nhiều người chiếm dụng.

Sáng 10/1, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm tới, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định quan điểm của lãnh đạo thành phố là "vỉa hè chỉ dành cho giao thông".

Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng vấn đề này thực tế rất phức tạp, bởi vỉa hè giống như mảnh đất vàng. "Mọi người đang xăm xoi nhìn vào, mình sơ hở là ông này ông kia nhảy vô chiếm dụng, kinh doanh. Thậm chí kinh doanh một tiếng cũng kiếm được 2, 3 ngày tiền chợ. Thế nên chỉ cần buông ra là không ông A cũng ông B tới chiếm", ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, nếu không nhìn nhận đúng vấn đề, quản lý vỉa hè theo hướng tự quản thì rất khó. Do đó, thành phố tạm thời cho phép khai thác sử dụng, giao cho ai cũng phải tuân thủ hai nguyên tắc đảm bảo giao thông và có trách nhiệm quản lý.

Phó chủ tịch TP HCM: 'Vỉa hè là đất vàng, sơ hở bị chiếm ngay'
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Công

Phó chủ tịch ví dụ, khi giao vỉa hè cho các nhà mặt tiền sử dụng để giữ xe thì chủ nhà phải có trách nhiệm quản lý, chịu trách nhiệm về toàn bộ phần vỉa hè đó. Như vậy, bộ máy chính quyền chỉ cần kiểm soát người sử dụng, không như hiện tại đang kiểm soát "cộng đồng vây vỉa hè" - là bài toán nan giải.

"Nếu không làm thế, hôm nay mình xử lý gánh hàng rong này thì ngày mai có gánh khác nhảy vô liền. Quản lý theo hướng đó bài toán vỉa hè mới khả thi hơn, sòng phẳng hơn", ông Tuyến nói và đề nghị các quận huyện cân nhắc quản lý theo hướng đó.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP HCM) Trần Văn Thương cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông là do vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm.

Trung bình mỗi tháng có 30.000 phương tiện mới và con số này tiếp tục tăng, trong đó ôtô chiếm 15%. Ngoài ra, quy định thời gian cao điểm của thành phố cũng gây ra hiện tượng ùn tắc sau giờ này.

Theo Phó Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường, năm qua toàn thành phố xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn, làm 717 người chết và hơn 3.000 người bị thương. So với năm 2016 tăng 39 vụ tai nạn giao thông, song giảm được 84 người chết.

Năm nay, TP HCM đặt mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương từ 5-10%, riêng tai nạn giao thông đối với trẻ em giảm 10%.

Có khá nhiều công trình giao thông giảm ùn tắc đã làm được trong năm qua như: hai cầu vượt thép cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hai nhánh cầu kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương xuống đường Võ Văn Kiệt, mở rộng đường Phan Văn Trị...

Trong năm 2018, thành phố tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, nút giao Mỹ Thủy, An Sương, Đại học Quốc gia - Xa lộ Hà Nội, nhánh còn lại cầu vượt thép vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm.

Theo Sở GTVT TP HCM, trong năm 2017 TP xảy ra 9 vụ ùn tắc giao thông trên 60 phút; có 17 "điểm đen" về tai nạn giao thông, trong đó phát sinh 11 vụ và 6 điểm của năm 2016.

Theo Hữu Công (VnExpress.net)