Xã hội

Phi công quân sự tích lũy được 1.000 giờ bay là rất khó

Phi công Nguyễn Thành Trung đã có những chia sẻ sau hai sự cố đáng tiếc xảy ra đối với máy bay Su-30MK2 và CASA-212 với 9 người trong phi hành đoàn còn mất tích.

 
Phi công Nguyễn Thành Trung đã có những chia sẻ sau hai sự cố đáng tiếc xảy ra đối với máy bay Su-30MK2 và CASA-212 với 9 người trong phi hành đoàn còn mất tích.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, phi công Nguyễn Thành Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người đã lái máy bay F-5E ném bom vào dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 bày tỏ nỗi buồn, đau xót trước hai sự cố liên tiếp xảy ra với máy bay Su-30MK2 và CASA-212.

"Cũng như bất cứ người dân nào của Việt Nam, trong tôi lúc này chất chứa nỗi buồn, đau xót. Đây là tai nạn rất đáng tiếc.

Tất cả nguyên nhân hay những vấn đề xung quanh thì chúng ta phải đợi các cơ quan chức năng công bố cụ thể. Còn hiện nay, điều quan trọng nhất là chúng ta đang tập trung tìm kiếm hai máy bay và nhất là phi hành đoàn trên CASA-212 còn đang mất tích...", phi công Nguyễn Thành Trung nói.

Cũng theo ông, mất máy bay là một chuyện nhưng việc mất đi một phi công cấp 1 như Đại tá Trần Quang Khải và còn 9 người khác đang mất tích là tổn thất rất lớn đối với quân đội, không quân.

Phi công quân sự tích lũy được 1.000 giờ bay là rất khó - Ảnh 1.
Đại tá phi công Trần Quang Khải. Đồ họa: Zing.vn

Bởi theo phi công Nguyễn Thành Trung, để đào tạo được một phi công cấp 1 như Đại tá Trần Quang Khải sẽ phải mất thời gian rất dài và tốn rất nhiều công sức.

Đối với phi công quân sự có 3 cấp, trong đó, cấp 3 là thấp nhất, tốt nghiệp ra trường có thêm giờ bay là có thể trở thành phi công cấp 3 và chỉ bay được ban ngày, trong mây.

Phi công cấp 2 bay được ngày và đêm. Còn phi công cấp 1 như anh Khải thì có thể bay được trong bất cứ loại thời tiết nào và có thể bay ban ngày, ban đêm, trên đất liền, trên biển.

"Thực sự, để đào tạo một phi công đã khó, tốn kém nhưng để huấn luyện họ lên trình độ cao hơn, sử dụng được những khí tài, vũ khí, máy bay hiện đại như Su-30MK2 lại càng khó khăn hơn rất nhiều lần.

Để tốt nghiệp, trở thành phi công phải có tố chất toàn diện về mọi mặt. Sức khỏe, yếu tố tâm lý, thần kinh phải cực kỳ vững vàng.

Bên cạnh đó, cần hiểu biết và nắm bắt được hoạt động của máy bay, động cơ, khí tượng, thủy văn nhạy bén xử lý tình huống trên không.

Chưa kể để trở thành phi công cấp 1 thì cần phải có thời gian tích lũy bay nhưng phi công quân sự thường có số giờ bay trong tháng rất ít, có người chỉ chục giờ đến vài chục giờ bay và không giống như phi công dân dụng, thương mại là có thể bay đến hàng trăm giờ.

Do đó, để phi công quân sự tích lũy được 1.000 giờ là rất khó và tốn nhiều thời gian, có thể, 10 hay 15 năm, thậm chí lâu hơn nhiều. Nên việc mất một phi công cấp 1 như anh Khải là điều vô cùng đáng tiếc, đau xót", phi công Thành Trung nêu.

Phi công quân sự tích lũy được 1.000 giờ bay là rất khó - Ảnh 2.
Đại tá Lê Kiêm Toàn và chiếc máy bay Casa-212. Ảnh: Zing.vn

Phi công Nguyễn Thành Trung cũng chia sẻ thêm, trong việc lựa chọn để đào tạo phi công cũng rất khó khăn, trước đây, khi đào tạo 100 người thì chỉ vài chục người vượt qua được các khóa đào tạo để trở thành phi công.

Thậm chí như trường hợp của anh Khải, cả tỉnh Bắc Giang thời điểm đó, có mình anh đỗ làm phi công. Sau đó, là một quá trình rất công phu đào tạo ở trường cũng như ở đơn vị và nhiều học viên dù giỏi lý thuyết nhưng khi vào lái thật lại không đạt yêu cầu.

Phi công quân sự tích lũy được 1.000 giờ bay là rất khó - Ảnh 3.
Phi công Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Tiền phong

Phi công dày dặn kinh nghiệm sẽ ngồi ghế sau

Cũng theo phi công Nguyễn Thành Trung: "Thông thường ở máy bay có 2 buồng lái thì buồng lái phía sau sẽ là giáo viên hay người có cấp bậc cao hơn, kinh nghiệm hơn người ngồi ở buồng lái phía trước. Tuy nhiên, cũng có thể hoán chuyển với nhau."

Và theo quy trình bình thường của các loại máy bay chiến đấu, khi phải nhảy dù thì phi công ở buồng lái sau sẽ được chiếc ghế phóng đẩy ra trước, phi công buồng lái trước sẽ ra sau.

Trong sự cố xảy ra với máy bay Su-30MK2 thì anh Khải điều khiển buồng lái phía sau và ghế phóng đã đẩy anh ra trước, sau mới đến anh Cường, đó là đúng quy trình của máy bay chiến đấu", phi công Trung nhấn mạnh.

Phi công Nguyễn Thành Trung cũng bày tỏ, việc phi công Trần Quang Khải hy sinh là điều rất đáng tiếc, đau lòng và bây giờ, việc của chúng ta là cần tiếp tục, nỗ lực tìm kiếm bằng được 9 người trong phi hành đoàn máy bay CASA-212 mất tích.

"Tôi đã rất sốc khi ngay sau việc máy bay Su-30MK2 gặp sự cố thì máy bay CASA-212 lại gặp sự cố với 9 thành viên trong phi hành đoàn mất tích. Đó đều là chỉ huy, cán bộ có kinh nghiệm cao.

Lữ đoàn không quân 918 là đơn vị cũ của tôi và tôi đã từng bay 10 năm ở đó nên có rất nhiều tình cảm. Tất cả các anh em trên chuyến bay CASA-212 đó đều là những người tôi quen biết, là đồng đội của tôi.

Đại tá Lê Kiêm Toàn là người rất dễ mến, bình dân, tích cực, bất cứ nhiệm vụ nào anh cũng xung phong nhận làm cả, anh em cũng rất tín nhiệm người lãnh đạo như anh Toàn.

Cá nhân tôi, từng giờ, từng ngày, tôi đều cầu mong sao có một điều kỳ diệu để đưa các anh sớm nhất trở về với đất nước, nhân dân, gia đình.

Đau xót lắm, cùng lúc, rất nhiều đồng đội, đồng nghiệp của tôi gặp nạn như thế...", phi công Thành Trung bùi ngùi nói.
 

Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí thức trẻ)