Xã hội

Phân loại nước mắm truyền thống, công nghiệp theo tiêu chuẩn nào?

“Điều đầu tiên phải phân loại được đâu là nước chấm công nghiệp, đâu là nước mắm truyền thống. Các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc có sự hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở bán hàng, địa điểm phân phối, phải phân loại các loại sản phẩm này một cách rõ ràng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” – ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Những ngày qua, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN-PTNT) soạn thảo đang vấp phải nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.

Liên quan đến vấn đề này, tại giao ban báo chí diễn ra sáng 12.3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Phạm Công Tạc cho biết dự thảo tiêu chuẩn TCVN 12607: 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, sau khi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của nhiều tổ chức, cá nhân và giới báo chí. "Trước mắt lãnh đạo Bộ KHCN đã đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, tạm dừng thủ tục công bố tiêu chuẩn này"- ông Tạc nói.

Đánh giá về vụ việc, bà Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, việc cơ quan quản lý xây dựng dự thảo về quy phạm sản xuất nước mắm với những tiêu chuẩn là rất cần thiết và hợp lý bởi tiêu chuẩn là cực kỳ quan trọng và cần thiết trong cuộc sống, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên việc này phải xây dựng trên thực tiễn, điều kiện sản xuất của lĩnh vực đó.

Phân loại nước mắm truyền thống, công nghiệp theo tiêu chuẩn nào?
Cần phân biệt đâu là nước mắm truyền thống đâu là nước mắm công nghiệp.

“Trong việc xây dựng tiêu chuẩn cho sản xuất nước mắm, hiện có hai loại nước mắm trên thị trường với các quy trình sản xuất khác nhau, điều kiện sản xuất khác nhau. Do đó, nếu chỉ xây dựng một dự thảo chung cho cả hai loại nước mắm là chưa phù hợp” – bà An nói và cho rằng “có những tiêu chuẩn phù hợp với nước mắm truyền thống nhưng không phù hợp với nước mắn pha chế và ngược lại”.

Theo bà An, các cơ quan chức năng nên phân biệt rõ hai loại nước mắm này dựa trên quy trình sản xuất để người dân – người tiêu dùng thuận tiện lựa chọn. Cụ thể, loại nước mắm được làm từ cá biển và muối thì đặt tên là nước mắm. Còn loại nước pha chế từ nước mắm và bổ sung thêm các phụ gia như cất tạo ngọt, chất điều vị, chất tạo sánh… thì nên đặt một tên khác.

Theo đó, khi đã rõ ràng về tên gọi, cơ quan quản lý cần soạn thảo những tiêu chuẩn về quy trình sản xuất áp dụng với từng loại khác nhau một cách rõ ràng.

“Tiêu chuẩn là để áp dụng, bắt buộc các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải áp dụng chứ không thể là để khuyến nghị, khuyến khích. Cơ quan quản lý căn cứ vào việc thực hiện các tiêu chuẩn đã đề ra để đánh giá kết quả thực hiện của các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất” – bà An nói thêm.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cũng cho rằng: “Điều đầu tiên phải phân loại được đâu là nước chấm công nghiệp, đâu là nước mắm truyền thống”. 

Bên cạnh đó, thành phần của nước mắm cũng như việc phân loại rõ ràng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có ghi rõ ràng vào các nhãn hàng sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhận biết và phân biệt được.

“Việc phân loại nước mắm phải được thực hiện một cách rõ ràng, không thể mập mờ khiến người tiêu dùng bị lẫn lộn được. Các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc có sự hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở bán hàng, địa điểm phân phối, phải phân loại các loại sản phẩm này một cách rõ ràng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” – ông Hòa nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lưu ý, trên hết vẫn phải là chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe con người. Theo đó, dù đó là cơ sở sản xuất nước mắm như thế nào, ra làm sao,… phải được kiểm nghiệm một cách rõ ràng. 

Theo Hoàng Thành (Dân Việt)