Xã hội

Ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội

Đại biểu bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Chiều 14/5, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự.

Mất quyền đại biểu khi bản án có hiệu lực

Ủy ban Thường vụ đã nghe Ban Công tác đại biểu báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, ngày 12/8/2017, theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, Ủy ban Thường vụ có Nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh.

Ngày 22/1/2018, TAND Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng 13 năm tù và ông Nguyễn Quốc Khánh 9 năm tù trong vụ án Cố ý làm trái tại PVN.

Ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội
Ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội khi bản án có hiệu lực. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ngày 29/3, TAND Hà Nội tiếp tục tuyên phạt ông Đinh La Thăng 18 năm tù trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. Tiếp đó, 2 ông đã có đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao (thuộc TAND Tối cao tại Hà Nội.

Chiều nay (14/5), tại phiên tòa phúc thẩm Hội đồng xét xử TAND Cấp cao đã tuyên y án đối với ông Đinh La Thăng và 7 năm tù giam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh.

Theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: "Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật" thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.

Cho thôi đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh

Cũng trong chiều 14/5, Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý đọc tờ trình quy trình cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, sau khi thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

"Căn cứ theo quy định của pháp luật, đề nghị của Ban Bí thư, ý kiến của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cử tri cũng như việc bà Thanh có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu sau khi có những sai phạm thời gian qua, Ủy ban Thường vụ đã quyết định cho thôi nhiệm vụ bà Thanh", ông Trần Văn Túy cho hay.

Trước đó, ngày 4/5, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Từ đó, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng; đồng thời đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà theo quy định của pháp luật.

Ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội - 1
Bà Phan Thị Mỹ Thanh. Ảnh: Phạm Duy.

Ban Bí thư nhận thấy trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1/2009 (nay là Sở Công Thương Đồng Nai), bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân. Bà đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai.

Khi chuyển công tác, bà Thanh không bàn giao dự án cho người kế nhiệm dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. 

Với cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án.

Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bà Thanh cũng ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình. 

Ban Bí thư nhận thấy bà Thanh thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại; nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.

Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)