Xã hội

Nước xả đập thượng nguồn sông Mekong về tới miền Tây

Người dân các tỉnh đầu nguồn ở miền Tây những ngày qua đã phấn khởi, bắt đầu xuống giống lúa hè thu khi nước xả đập từ Trung Quốc, Lào đổ về.

Người dân các tỉnh đầu nguồn ở miền Tây những ngày qua đã phấn khởi, bắt đầu xuống giống lúa hè thu khi nước xả đập từ Trung Quốc, Lào đổ về.

"15 ha lúa của tôi được hai tuần tuổi, cũng khá lo vì nước trong kênh đang kiệt. Nhưng ba ngày qua nước đã tăng lên hơn 3 tấc (30 cm). Bà con ở đây mừng lắm. Mực nước cứ giữ như vầy hơn một tháng nữa sẽ có mưa xuống thì không còn lo thiếu nước nữa rồi", lão nông Lê Văn Lam (66 tuổi, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) nói.

Theo ông Nguyễn Văn Buông - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (đầu nguồn sông Tiền), hiện nay vào kỳ nước kém, nhưng do lượng nước thượng nguồn đổ về nhiều nên mực nước vẫn cao hơn trước 20-30 cm. "Điều này rất có lợi cho 12.000 ha lúa hè thu của người dân địa phương. Nguồn nước mang phù sa sẽ giúp nông dân giảm chi phí bơm tưới. Còn những hộ nuôi cá lồng bè, ao hồ thì có nguồn nước mới thay, đỡ lo ô nhiễm", ông Buông nói.

Tại huyện An Phú, tỉnh An Giang (đầu nguồn sông Hậu), biết nước đổ về, người dân đang cũng chuẩn bị xuống giống 18.000 ha lúa hè thu. Ngoài việc cho nạo vét gần chục kênh thủy lợi, chính quyền cũng khuyến cáo người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

"Ngành chức năng huyện cho mở các cống thủy lợi, đưa nước vào hệ thống kênh mương nội đồng cho bà con bơm lên làm đất trồng lúa và chăm sóc hơn 4.000 ha rau màu, ông Nguyễn Văn Thao - Phó chủ tịch UBND huyện An Phú nói.

Theo ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang - lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu mỗi ngày tăng 0,2 – 0,4 m như hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của vùng Tứ Giác Long Xuyên. Ngoài ra, độ mặn của tỉnh An Giang và các vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang cũng đã được đẩy lùi.

"Đợt triều cường tới đây cùng với việc Trung Quốc xả đập ổn định như hiện nay thì có khả năng lưu lượng nước sẽ còn tiếp tục tăng đến hết ngày 6/4", ông Ninh dự báo.

Người dân vùng tứ giác Long Xuyên tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng. Ảnh: A.X


Tại Cần Thơ, mấy ngày qua, lượng nước trên sông rạch đã nhiều hơn trước. Độ mặn đo được tại các trạm giảm mạnh, dao động từ 0,09 đến 0,19‰ (hồi đầu tháng 3 có lúc lên đến 1,5-2,5‰).

Nước ngọt cũng theo sông Hậu về đến Sóc Trăng. Hiện các con kênh ở huyện Kế Sách và huyện Châu Thành đã có nước ngọt, độ mặn được đẩy lùi. "Độ mặn đo được vào những ngày cuối tháng 3 tại các tuyến kênh cao nhất trên sông Hậu tại từ 8,5-24.5‰, nay chỉ còn 0,6 ‰", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Ngọc Vân cho biết.

Theo ông Hà Tấn Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - để chủ động đón lượng nước ngọt từ Trung Quốc xả về, ngành đã chỉ đạo tất cả hệ thống thủy lợi luôn trong tình trạng mở, thông báo rộng rãi đến người dân lịch lấy nước ngọt.

"Lượng nước ngọt đổ về hiện nay đã chặn diện tích thiệt hại dưới 30% ở các huyện Kế Sách, Châu Thành…, cứu được khoảng 2.000 ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông", ông Việt cho biết.

Còn ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận định, lượng nước ngọt từ sông Hậu về thông qua tuyến kênh Phụng Hiệp sẽ có trong một hai ngày tới, tuy nhiên rất ít do địa phương này nằm cuối nguồn. Dù vậy, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo mở cửa tất cả các cống thủy lợi giáp với Sóc Trăng để đón nước ngọt.

Trong khi đó, tỉnh Bến Tre - địa phương ảnh hưởng nặng nhất của hạn mặn - do nằm cuối nguồn nên vẫn còn bị mặn bủa vây. Người dân ở đây vẫn đang ngóng chờ nước ngọt. "Dự kiến trong vòng 2 ngày tới, nước ngọt từ thượng nguồn mới về đến huyện Chợ Lách (cách của biển khoảng 70 km)", ông Nguyễn Thanh Liêm-Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết.

Thiên tai hạn, mặn ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu... của người dân. Ảnh: A.X


Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vừa có thông báo khẩn về mặn xâm nhập và lấy nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, trong tháng 4, các tỉnh ven biển, trong phạm vi cách biển 25-40 km, sẽ có nước ngọt. Viện đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt. Trong đó, đặc biệt chú ý mở các cống ở hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít...

Đến nay có 9 trong 12 tỉnh miền Tây bị hạn, xâm nhập mặn hoành hành đã công bố tình trạng thiên tai. Hàng trăm nghìn ha lúa, mía, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản bị thiệt hại; hơn 1 triệu người dân thiếu nước ngọt sử dụng. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sông, nước giếng với giá 150.000-200.000 đồng mỗi khối…

Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố xả nước tại một đập thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam từ giữa tháng ba tới ngày 10/4 để cứu hạn cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Lào sau đó cũng quyết định xả nước một số đập thuỷ điện đến cuối tháng 5 nhằm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, giúp Việt Nam giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
 
>> Lào xả nước đập thủy điện giúp Việt Nam xử lý hạn mặn
>> Trung Quốc tuyên bố xả nước xuống hạ lưu sông Me Kong

Theo Cửu Long - Phúc Hưng (VnExpress.net)