Xã hội

Nước mắt Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch đô thị mới

Video: 8 tiếng với hàng chục kiến nghị 'nóng hổi' của cử tri Thủ Thiêm

Người dân Thủ Thiêm xin được trả lại nhà, lại đất, nhưng nhiều năm qua chỉ nhận lại được những lời hứa. Trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 9/5, nước mắt của họ lại rơi.

Nước mắt Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch đô thị mới

Xếp hàng đăng ký được phát biểu, chờ khoảng 6 tiếng để có 5 phút lên tiếng về những bức xúc kéo dài 10 năm, nhưng đến khi được cầm vào micro, ông Trần Kim Long lại không giấu được cơn nấc nghẹn.

Người cựu chiến binh từng chiến đấu tại nhiều mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho biết: năm 2007, trong một lần đi vắng, khi trở về đã thấy nhà bị tịch thu. 

Trước đó, ông không được nhận quyết định giải tỏa, chưa từng được tiếp xúc về vấn đề giải tỏa, chưa từng nhận được giấy tờ bồi thường hay số tiền bồi thường, cũng chưa từng ký bất cứ giấy tờ nào.

Ông và con trai hiện phải đi ở nhà thuê, không có công ăn việc làm vì không có giấy tờ, hộ khẩu rõ ràng. "Tôi không có gì trong tay để chứng minh đó là đất của tôi. Tôi chưa từng có giấy tờ gì để chứng tỏ nhà mình đã bị cưỡng chế".

Đi khiếu kiện, ông Long được hứa hẹn sẽ giải quyết. Ông đã chờ hơn 10 năm tại nơi ở tạm mục nát. Những người như ông Long, là 3 không: không Quyết định thu hồi đất, không tiền đền bù, không có nơi ở tái định cư. 

"Tôi muốn bà con bình tĩnh, chúng ta đã chờ được 20 năm, chẳng lẽ không chờ thêm chút nữa?", những người dân Thủ Thiêm tự nói với nhau, như họ vẫn nói với nhau bao nhiêu năm nay.

Nếu nói dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm là một đứa bé, được khai sinh vào ngày 4/6/1996, cùng quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì đến nay, đứa trẻ này đã 22 tuổi. Nó được nuôi lớn lên, bằng những khiếu kiện, khiếu nại, đơn thư, nước mắt, bức xúc của rất nhiều hộ dân.

Nước mắt Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch đô thị mới - 1
Ông Trần Kim Long rơi nước mắt khi được nói trong buổi gặp Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Cuộc tiếp xúc cử tri lịch sử

Không quá khi nói cuộc gặp gỡ kéo dài 8 tiếng liên tục giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với các cử tri Quận 2 chiều 9/5 là buổi tiếp xúc lịch sử. 

Gần 100 hộ dân tới Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 2, mang theo hồ sơ pháp lý, bản đồ, và tất cả những bức xúc đè nén về vấn đề ranh quy hoạch, công tác bồi thường, bố trí tái định cư, việc chậm giải quyết đơn thư khiếu nại,... liên quan tới "siêu dự án" này.

Sau nhiều năm liên tục lên tiếng, đây là lần đầu tiên họ được chính quyền lắng nghe. Chính ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Quận 2, cũng nói không ngờ cử tri lại đến đông như vậy.

Năm 1996, khi bắt đầu khởi động dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, các lãnh đạo thành phố thời điểm đó kỳ vọng đây sẽ là trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế. 

20 năm trôi qua, mảnh đất vàng này được phủ kín bởi các tòa cao ốc, đại dự án nghìn tỷ của các đại gia bất động sản, xen lẫn với nhiều khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước, sinh hoạt thiếu thốn.

Ông Đặng Văn Truyền là chủ hộ căn nhà cuối cùng bị phá dỡ tại Khu phố 1, phường Bình An vào năm 2015. Ông cùng nhiều người hàng xóm bị đẩy ra khu ở tạm cư nhếch nhác, trong khi giá đền bù được miêu tả "chỉ mua được mấy tô phở".

"Khi phê duyệt cả Thủ tướng và lãnh đạo thành phố đều muốn người dân cố cựu được hưởng quyền lợi trước nhất, bây giờ chính người dân cố cựu khổ cực như thế này làm sao hợp lẽ?", ông Truyền hỏi đoàn đại biểu.

"Người dân Thủ Thiêm chưa nhận được thành quả ở Thủ Thiêm", cử tri Nguyễn Tiến Hịnh (phường Thành Mỹ Lợi) nói.

Năm 2012, gia đình ông nhận được quyết định thu hồi đất. Nghĩ đây là việc mở rộng trung tâm thành phố, xây dựng khu đô thị mới, cả gia đình đồng ý chuyển tới nơi tái định cư. Ông được đền bù 2 triệu đồng/m2 và phải bù thêm 40 triệu đồng/m2 mới có thể vào được nơi ở mới. "Thành phố giải thích nơi này có thang máy, ở trung tâm nên đắt tiền. Chúng tôi đâu có cần và nếu cần thì lấy đâu ra từng ấy tiền mà mua?".

Nước mắt Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch đô thị mới - 2
Những người dân mang theo hồ sơ pháp lý, bức xúc, nước mắt đè nén nhiều năm tới buổi tiếp xúc cử tri. 

Sau nhiều năm dự án khởi động, những người như ông Hịnh ngỡ ngàng vì không biết quảng trường, khu vui chơi, bệnh viện, trường học,... ở đâu tại Thủ Thiêm, mà chỉ thấy mọc lên nhà cao tầng, villa.

Trưng ra sơ đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà tại Thủ Thiêm thuộc quyền sở hữu nhà nước, tỷ lệ 1/10.000, cử tri Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn qua bản đồ này để khẳng định nhà, đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Nếu Nhà nước cần đất mở rộng thành phố, xây dựng đô thị mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng 20 năm qua, chưa thấy cái gì thành hình, tất cả chỉ bán đất, phân lô, xây chung cư,..."

"Đã đau khổ quá lâu", những người phụ nữ mới học tới lớp 9 phải tự học luật để bảo vệ gia đình, những cựu chiến binh dành cả tuổi thanh xuân chiến đấu giành độc lập để cuối đời chưa thể có tự do cho chính mình, những bậc cha mẹ hàng ngày chứng kiến con cháu mình chen chúc trong căn nhà tái định cư nhếch nhác,... đồng lòng khẳng định như vậy. 

Cơ sở pháp lý nào thu hồi đất của dân?

Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất bởi những người dân Thủ Thiêm, cũng là vấn đề họ đã yêu cầu được làm rõ trong nhiều năm qua.

Theo đó, nguyên nhân khiếu nại của hơn 60 hộ dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm đều vì họ cho rằng đất của họ không thuộc diện tích dự án, nhưng vẫn bị thu hồi. Nhiều gia đình có nhà, đất bị cưỡng chế mà không nhận được quyết định nào.

"Bà Quyết Tâm ơi, tôi khổ quá rồi", gương mặt nhăn nheo, chậm chạp đi quanh hội trường để vay mỗi người vài ngàn đồng mua thuốc, bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) nhớ lại nhà bà 88,9m2, có sổ đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, bị cưỡng chế lúc 8h sáng 1-3-2012.

"Tôi chưa từng được Quyết định thu hồi đất, chưa từng nhận đồng bồi thường nào. Từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, cuối đời, tôi trắng tay, hàng ngày phải đi ăn xin, ngửa tay mong được bố thí từng đồng. Tôi đã mất tất cả", nước mắt bà Dung không còn để rơi.

Nước mắt Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch đô thị mới - 3
Theo lời bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An), từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, giờ đây bà trắng tay, phải đi ăn xin. 

Cử tri Lê Thị Hồng Vân (ngụ đường Lương Định Của, phường Bình Khánh) từng đi khiếu kiện 36 lần, từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Theo đó, căn nhà của bà không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi, mà không có Quyết định thu hồi đất.

Bà Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) hỏi: Không có bản đồ, lấy căn cứ nào đập nhà tôi? Tôi đã nhiều lần hỏi vì sao đập nhà tôi dù không có Quyết định thu hồi đất?

Nhiều năm trước, có những người dân ngơ ngác khi căn nhà của mình "bỗng" nằm gọn trong khu vực bị giải tỏa dù nằm ngoài ranh quy hoạch, rồi bị "bứng" đi gọn gàng. Bao năm qua, họ cần mẫn đi gõ cửa từng cánh cửa công quyền, nhưng câu hỏi này vẫn chưa ai trả lời: Dựa vào cái gì mà đập nhà tôi?

Chính sách đền bù không thỏa đáng

Hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 2 nóng bức bởi thời tiết khô nắng Sài Gòn vào những ngày giao mùa, bỗng lạnh run bởi cơn mưa giông bất thường đổ xuống ráo riết. Những người ngồi trong phòng tiếp xúc cử tri liên tục ồ lên vì những con số đền bù được người dân cung cấp.

"Tôi nhận tiền đền bù 18 triệu đồng/ m2, rồi sau khi tìm hiểu được biết họ bán lại giá 350 triệu đồng/ m2, và nói bán hết rồi, đến cuối 2018 mới có một số căn nữa, giá 23 tỉ một căn", bà Lê Thị Bạch Tuyết (ngụ Lương Định Của, phường Bình An) so sánh chua xót. 

"Người dân đa số rất nghèo, chỉ thiểu số là giàu. Phải xem lại đi", bà Tuyết nức nở.

10 năm trước, bà Đoàn Ngọc Thủy (ngụ Khu phố 1, phường Bình An) được hứa hẹn bồi thường 330 triệu đồng cho mảnh đất 1.000 m2, thêm hỗ trợ tái định cư 170 triệu đồng. 10 năm sau, gia đình bà vẫn chưa nhận được số tiền này.

"Dù số tiền vào thời điểm này đã rớt giá quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng không yêu cầu thêm vì nghĩ quyên đất cho thành phố phát triển. Vậy vì sao 10 năm qua vẫn chưa chuyển tiền, mà đất đã thu của chúng tôi từ lâu?".

Bà Nguyễn Ngọc Thanh (chủ căn hộ 134 Lương Định Của) cho hay gia đình gầy dựng được căn nhà có diện tích 59 m2 tốn gần 50 cây vàng, nhưng Nhà nước khi lấy chỉ đền bù 94 triệu, rồi cho tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư. "Thử hỏi như vậy có vô lý không?", bà Thanh nói.

Nhiều năm ôm bức xúc, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết hơn 3000 m2 đất của gia đình chỉ được đền bù 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng được đền bù rẻ mạt.

"Hơn chục năm đau khổ, giờ chúng tôi chỉ được 5 phút để phát biểu, phải cho thêm thời gian để nghe dân đi", bà Tuyết vừa nói, nước mắt vừa chảy dài.

Đề nghị thanh tra dự án Thủ Thiêm

Không lường trước việc cử tri sẽ đến quá đông và có quá nhiều ý kiến, Quận 2 bố trí căn phòng khá nhỏ và chỉ có rất ít thời gian cho từng người chia sẻ.

Mỗi cử tri khi bắt đầu trình bày đều được lưu ý nói ngắn gọn, tới lượt mình, bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, phường An Khánh) nói giọng khổ sở: "Cho tôi nói đi, tôi sắp chết rồi, tôi cần phải nói".

Khuôn viên giải tỏa của gia đình bà gồm đất, nhà nhưng chỉ được bồi thường 200.000/ m2. 

"Tôi rất tâm đắc với ý kiến của cựu chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh khi ông nói đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm", bà Mỹ kết luận về thực tế hơn 22 năm sau khi được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn dở dang, chưa hoàn chỉnh. Còn đất khu đô thị mới lại được giao cho nhiều nhà đầu từ xây dựng dự án nhà ở thương mại.

"Phải làm rõ với nhân dân về 'con đường dát vàng' chưa đầy 12 km nhưng 'ngốn' hết 12.000 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm" cử tri Nguyễn Tiến Hịnh (phường Thành Mỹ Lợi) đề nghị.

Nước mắt Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch đô thị mới - 4
Không lường trước việc cử tri sẽ đến quá đông và có quá nhiều ý kiến, Quận 2 bố trí căn phòng khá nhỏ và chỉ có rất ít thời gian cho từng người chia sẻ. 

Bà Nga (phường Bình An) đặt câu hỏi: Ai chỉ đạo đập nhà của dân, chuyển tài sài của dân, rồi đền bù rẻ mạt cho dân. Bà nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng trong dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và đề nghị phải điều tra, xét xử và tử hình những kẻ tham nhũng.

Cử tri Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An) thắc mắc: Trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM trong việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế nào? Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm 20 năm qua?

"Có bàn tay sắt nào 'thò' vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không? Chúng tôi nhận được lời khuyên hãy chờ đợi và hy sinh nhưng con cháu chúng tôi không thể hy sinh được? Người dân Thủ Thiêm không được hạnh phúc, nhưng chúng tôi nói với nhau rằng đã chờ 20 năm rồi, hãy chờ thêm thời gian nữa. Chắc chắn người dân ở đây sắp có được kết quả mong muốn rồi", bà Hà nói.

Tham gia khiếu kiện nhiều năm nay, ông Đoàn Văn Phương (ngụ Lương Đình Của) thẳng thắn nếu cơ quan chức năng làm ra nhẽ các sai phạm ở Thủ Thiêm thì chắc chắn là tham nhũng, lợi ích nhóm. Ông đề nghị đưa sự việc lên Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban bí thư giải quyết.

"Ray rứt khi nghe người dân nói", đó là kết luận của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM. Cũng vào đầu tháng 5/ 2017, cũng trong buổi gặp gỡ cử tri quận 2, cũng tại hội trường này, đúng nhưng cử tri này, bà Quyết Tâm khẳng định "chưa bao giờ quên việc giải quyết an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là bà con bị ảnh hưởng từ các dự án", có lời hứa "đề nghị chính quyền quận 2 và các sở, ngành thành phố rà soát kỹ, thẩm định đúng sai", và nếu những gì người dân phản ánh đúng "phải có giải pháp sửa chữa, xử lý, kịp thời rút kinh nghiệm".

Các vấn đề Thủ Thiêm vẫn còn đó cho đến 1 năm sau. Những cuộc họp về số phận của người dân ở đây lại tiếp tục.

Trong lúc những cuộc họp, giải pháp tháo gỡ tiếp tục được bàn luận, những đứa trẻ ở Thủ Thiêm chỉ có một mong ước rất đơn giản.

"Con mong đường đi về nhà sáng một chút, trước cửa là rừng cây, bãi rác, không có đèn đường, con rất sợ", cậu bé Nguyễn Cao Trí 6 tuổi, nhà ở khu phố 1, phường Bình An thổ lộ. 

Theo Ngân Giang - Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)