Xã hội

Nước giếng chuyển màu tím đen khi pha trà

Vừa rót vào ấm, nước chuyển sang màu đen đặc như chè đỗ đen. Nghĩ trà mua bị pha phẩm màu, anh Bình (Gia Lâm, Hà Nội) mua loại khác thì kết quả cũng không thay đổi.

Vừa rót vào ấm, nước chuyển sang màu đen đặc như chè đỗ đen. Nghĩ trà mua bị pha phẩm màu, anh Bình (Gia Lâm, Hà Nội) mua loại khác thì kết quả cũng không thay đổi.
Cả nhà bỏ bữa vì màu nước lạ

Nhiều năm nay, người dân làng Linh Quy, xã Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) không dám dùng nước giếng khoan tại địa phương. Anh Lê Văn Bình (37 tuổi) cho biết, gia đình anh tổng cộng 11 người, sống chung trong ngôi nhà cấp 4. Dù nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn nhưng anh cùng hàng nghìn hộ dân tại đây không dám sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi.

Nguyên nhân là nước được bơm lên có mùi. Đặc biệt khi sử dụng đun nấu sẽ biến màu lạ.

Anh kể, trước đây, một lần nhà có khách, anh bơm nước giếng khơi lên đun pha chè. Khi nước vừa rót vào ấm thì chuyển sang màu đen đặc như chè đỗ đen. Nghĩ trà mua bị pha phẩm màu, anh mua trà khác về pha thì kết quả không thay đổi. Bữa trưa hôm đó, gia đình dùng nước giếng khoan thì nồi cơm chuyển sang màu vàng, nồi canh chuyển màu xanh đậm, đen. Cả nhà sợ hãi nhịn ăn, bỏ bữa.

Không dùng nước giếng nhà, anh đi xin nước những hộ cùng làng về sử dụng nhưng kết quả vẫn tương tự. Từ đó, không ai dám dùng nguồn nước này nữa.
 

Chỉ trong tích tắc, ca nước trắng chuyển màu khi anh Bình rót nước trà lẫn. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Để chứng minh, anh Bình cầm ấm trà mới pha ra giếng nước. Một tay cầm bát nước vừa bơm lên, tay còn lại anh cầm ấm trà rót. Trà mạn rót tới đâu, nước chuyển sang màu tím tới đó. Càng rót, màu tím càng đậm đặc. Chỉ trong nháy mắt, bát nước trong vắt chuyển sang màu tím đen.

Theo ghi nhận, nước giếng khoan tuy trong nhưng mùi tanh, hôi. Để đảm bảo nước sinh hoạt, hàng ngày gia đình anh Bình phải mua nước sạch (loại 15.000 đồng mỗi bình) dùng đun nấu. Nước giếng khoan được bơm lên bể cát lọc để tắm giặt và phục vụ nhu cầu khác.

Nói về nguyên nhân của thực trạng này, theo anh Bình, do trong làng có nhiều hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp thực phẩm vào nội thành từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, các lò này mổ hàng chục con trâu, bò và hàng trăm con gà, ngan, vịt. Nước thải dồn ra cống, ao làng.

"Lâu ngày, nguồn nước này tích tụ biến ao làng thành nơi chứa nước thải hôi thối khiến bệnh tật phát sinh", anh Bình nói.

Cả làng khát nước sạch

Ông Lê Đức Chính (64 tuổi), Trưởng thôn Linh Quy cho biết, toàn bộ 965 hộ dân với 3.700 nhân khẩu đang phải gồng mình vì thiếu nước sạch. Phần lớn giếng khơi cạn trơ đáy. Nước giếng khoan thì có mùi hôi, tanh và chuyển nhiều màu lạ khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Những năm nay gần các hộ dân ở đây phải mua bình nước đóng sẵn kết hợp nguồn nước mưa dự trữ mùa hè. Trong khi đó, nhiều hộ điều kiện kinh tế khó khăn không có kinh phí mua bình nước sạch phải chấp nhận sử dụng nước lọc từ giếng khoan.

Theo ông Chính, tại thôn Linh Quy, khoảng 20 hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Những hộ này hoạt động thường xuyên khiến hệ thống cống rãnh luôn trong tình trạng ùn ứ chất thải. Nguồn nước không đảm bảo kéo theo nhiều bệnh tật, đặc biệt bệnh ngoài da và tiêu hóa.
 

Ao làng Linh Quy chuyển màu xanh đậm, nổi váng. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Kim Sơn, các lò giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã nhắc nhở, xử phạt (lần gần nhất cuối năm 2013) các cơ sở không phép này.

UBND xã đã kiến nghị di dời các lò mổ ra ngoài nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cuối năm 2014, đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã về lấy mẫu nước nghiên cứu nhưng đến nay chưa có hồi âm. Theo đề án quy hoạch, năm 2015, xã sẽ có đường ống nước sạch từ nhà máy dẫn về nhưng hiện vẫn chưa thấy.
 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, nguồn nước có biểu hiện lạ ở xã Kim Sơn đã được thông báo cho lãnh đạo huyện trước đó. Đơn vị đã đề nghị các phòng chuyên môn thanh, kiểm tra cơ sở giết mổ và yêu cầu ngừng hoạt động với cơ sở không đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng chưa được giải quyết triệt để.

"Phía Công ty nước sạch 2 đã khảo sát, thống nhất đề nghị thành phố đầu tư nhà máy nước sạch đặt trên địa bàn xã Kim Sơn cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân", ông Sơn nói.
 
Theo Hoàn Nguyễn (Zing.vn)