Xã hội

NÓNG: Dịch tả lợn châu Phi lan đến Nghệ An

Kết quả xét nghiệm đàn lợn 22 con của gia đình ông Hoàng Văn Lan, trú tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho kết quả dương tính với virus dịch tả heo châu Phi. Đến nay, Nghệ An là địa phương thứ 16 tỉnh, thành trên cả nước phát hiện đàn lợn trên địa bàn dịch tả lợn châu Phi.

Rạng sáng 14.3, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay, chiều 13.3, trên địa bàn xã đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. "Hiện chúng tôi đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y và chính quyền địa phương khoanh vùng để tranh lây lan sang các xã phụ cận", ông Thanh nói.

Xác minh sự việc, PV Dân Việt đã liên lạc qua điện thoại với ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và được ông Thanh xác nhận sự việc này.

Theo đó, ngày 12.3 gia đình ông Hoàng Văn Lan, trú tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã trình báo với chính quyền địa phương khi phát hiện 22 con lợn của gia đình bị chết bất thường. Ngay sau khi nhận được thông tin Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số heo của gia đình ông Lan và phun trừ hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc ở các hộ trong xóm 7 và các xóm, xã lân cận.

NÓNG: Dịch tả lợn châu Phi lan đến Nghệ An
Nghệ An tích cực ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Cảnh Thắng

Tại cuộc họp chiều 13.3, ông Đinh Viết Hồng giao lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu sớm công bố dịch, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống và dập dịch, tiến hành khoanh vùng lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Đối với các xã chưa có dịch, ông Hồng yêu cầu huyện và các cơ quan chuyên môn cần xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh xâm nhiễm.

UBND tỉnh cũng đề nghị phải tổ chức tuyên truyền và thực hiện tốt "5 không": Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.

Trước đó, với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập hai chốt kiểm dịch tạm thời ở phía Bắc của tỉnh, hoạt động trong 2 tháng bắt đầu từ 1-3 cho đến khi hết dịch.

Được biết, Nghệ An là địa phương thứ 16 trên cả nước phát hiện có dịch tả lợn (heo) châu Phi, sau Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Sơn La.

Theo Cảnh Thắng (Dân Việt)