Xã hội

Nổ lớn ở đảo Phú Quý, 5 người bị thương: Có thể xử lý hình sự

“Tàng trữ thuốc nổ là hành vi rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” – Luật sư Soa nhận định.

 
“Tàng trữ thuốc nổ là hành vi rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” – Luật sư Soa nhận định.
Nổ lớn ở đảo Phú Quý, 5 người bị thương: Có thể xử lý hình sự - Ảnh 1

Hiện trường vụ nổ (ảnh: Người lao động)

Thông tin trên báo Người lao động thì có 5 người bị thương trong vụ nổ là: Nguyễn Văn Bé, Văn Thị Cục (SN 1982, vợ anh Bé), Võ Thị Trẽn (SN 1968), Nguyễn Văn Hùng (SN 1979), Nguyễn Văn Cường (SN 1993); trong đó nặng nhất là anh Bé bị bỏng 10% mức độ 2. Tất cả nạn nhân hiện đang được cấp cứu tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý.

Nguyên nhân vụ nổ ban đầu có thể liên quan đến việc tàng trữ thuốc nổ để đánh cá tại nhà ngư dân.

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, lực lượng công an huyện Phú Quý và các ngành chức năng địa phương đã phong tỏa hiện trường để tiến hành điều tra. Sáng nay 2/6, Công an tỉnh Bình Thuận đã cử đoàn công tác ra đảo Phú Quý để khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ.

Nổ lớn ở đảo Phú Quý, 5 người bị thương: Có thể xử lý hình sự - Ảnh 2

Luật sư Lê Thị Kim Soa, trưởng Văn phòng Luật sư Lê Trần, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An.

Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin dưới góc độ pháp lý của vụ việc luật sư Lê Thị Kim Soa, trưởng Văn phòng Luật sư Lê Trần, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết: “Theo thông tin mà báo chí cung cấp thì việc tàng trữ thuốc nổ là hành vi rất nguy hiểm và trái pháp luật. Vụ việc có dấu hiệu của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 232 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009).

Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào kết luận điều tra, các chứng cứ khác mà cơ quan chức năng thu thập được để xác định có thể ra quyết định khởi tố vụ án hay không”.

Theo luật sư Lê Thị Kim Soa thì người tàng trữ vật liệu nổ phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại từ việc chứa chấp vật liệu nổ gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

Đối với thiệt hại về tài sản, người tàng trữ vật liệu nổ sẽ phải có trách nhiệm bồi thường tài sản bị hủy hoại, hư hỏng, khắc phục hậu quả cho những gia đình bị thiệt hại do vụ nổ gây ra theo quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự 2005

Ngoài bồi thường về tài sản, còn phải bồi thường về sức khỏe, tinh thần mà những nạn nhân trong vụ nổ gặp phải. Người tàng trữ vật liệu nổ sẽ phải chi trả các chi phí như chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại và bồi thường những thiệt hại khác theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2005.

Theo Nhất Phiến (Nguoiduatin.vn)