Xã hội

Nhường đất cho công ty Formosa, trụ sở mới trị giá 33 tỷ đồng thành nơi trú ngụ của trâu bò, Bí thư xã nói gì?

Công trình trị giá 33 tỷ giờ nhếch nhác, xuống cấp, trở thành nơi trú ngụ của trâu bò. Phân, nước tiểu bò thải ra nằm rải rác khắp nơi.

Nhường đất cho công ty Formosa, trụ sở mới trị giá 33 tỷ đồng thành nơi trú ngụ của trâu bò, Bí thư xã nói gì?
Trụ sở UBND xã xây mới xong lại để hoang, giờ là nơi trâu bò vào tránh nắng. Ảnh: Công an TP.HCM

Xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 1 trong 5 xã di dời để nhường đất cho Công ty Formosa. Theo phản ánh của Báo Công an TP.HCM, cách đây 8 năm, trụ sở mới xã Kỳ Lợi được xây dựng với tổng kinh phí lên đến 33 tỷ đồng tại khu tái định cư Tân Phúc Thành.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, lãnh đạo UBND xã vẫn chưa dời đến làm việc. Công trình trị giá 33 tỷ giờ nhếch nhác, xuống cấp, trở thành nơi trú ngụ của trâu bò. Phân, nước tiểu bò thải ra nằm rải rác khắp nơi.

Hình ảnh xuống cấp của trụ sở trị giá nhiều tỷ đồng cũng được phóng viên Báo Tuổi trẻ phản ánh rằng, trụ sở UBND xã được xây dựng 3 tầng khang trang, bên cạnh đó là trạm y tế xã, trường học xã Kỳ Lợi bỏ hoang, là nơi cho bò vào trú nắng.

Cụ thể là hệ thống cửa gỗ của khu nhà UBND bị mối ăn mục nát, kính cửa vỡ, rạn. Gạch lát nền bong tróc, sụt lún...

Nhường đất cho công ty Formosa, trụ sở mới trị giá 33 tỷ đồng thành nơi trú ngụ của trâu bò, Bí thư xã nói gì? - 1

Nhường đất cho công ty Formosa, trụ sở mới trị giá 33 tỷ đồng thành nơi trú ngụ của trâu bò, Bí thư xã nói gì? - 2
Hình ảnh trụ sở UBND xã Kỳ Lợi. Ảnh: Văn Tình - Báo Công an TP.HCM

Ngày 7/6, tờ Đất Việt dẫn lời của ông Trần Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, có 10 thôn trong xã nhưng hiện mới chỉ có 1 thôn chuyển lên khu tái định cư đó nên các phòng ban của xã vẫn làm việc ở trụ sở cũ để gần dân hơn cho dễ xử lý công việc.

Cũng trên tờ Đất Việt, ông Lâm chia sẻ thêm về lý do chưa dời lên trụ sở mới khiến công trình trị giá 33 tỷ bị bỏ hoang là vì, trụ sở mới khá xa, từ trụ sở cũ lên chỗ mới phải cách nhau 15km trong khi người dân chưa chuyển lên thì việc đi lại không được thuận tiện.

Ngoài ra, ông Trần Văn Lâm cũng chia sẻ với báo chí trong nước về việc trụ sở mới bị xuống cấp trầm trọng, nếu lên trụ sở mới thì phải sửa chữa lại. "Nếu sửa thì phải xin kinh phí từ tỉnh với thị xã chứ xã ngân sách có hạn. Việc sửa chữa lại trụ sở mới giờ có lẽ cũng phải hết vài ba tỷ" - ông Lâm nói trên Đất Việt.

Ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thông tin trên Báo Công an TP.HCM: "Trong năm nay nếu di dời được người dân xã Kỳ Lợi lên hết khu tái định cư thì sẽ sử dụng trụ sở mới".

Tờ Đất Việt dẫn lời một đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, nếu xã có đề xuất xin hỗ trợ kinh phí để sửa sang lại trụ sở mới, tỉnh sẽ họp và giao cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra.

"Giờ chưa thể nói là có hỗ trợ kinh phí hay không vì phải kiểm tra, xem xét tình hình đã", vị đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh nói trên tờ Đất Việt.

Trước đó, ngày 6/6, tờ Công an TP.HCM dẫn lời ông Trần Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi thông tin, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho chủ trương xây dựng trụ sở, trường học, trạm xá mới ở vùng đất tái định cư thuộc phường Kỳ Trinh. Tổng số kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở này lên đến hơn 33 tỷ đồng. 

Theo Minh Khang (Soha/Thời Đại)